Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201411/gian-lan-xang-dau-hanh-vi-moc-tui-khach-hang-mot-cach-trang-tron-562031/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201411/gian-lan-xang-dau-hanh-vi-moc-tui-khach-hang-mot-cach-trang-tron-562031/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gian lận xăng, dầu Hành vi 'móc túi' khách hàng một cách trắng trợn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 23/11/2014, 08:31 [GMT+7]

Gian lận xăng, dầu Hành vi 'móc túi' khách hàng một cách trắng trợn

(Congannghean.vn)-Những năm trở lại đây, xăng, dầu luôn trở thành vấn đề “nóng” khiến không ít mặt hàng ăn theo giá cả lên xuống thất thường, người dân cũng lo âu, thấp thỏm. Lợi dụng vào đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đã cố tình gian lận trong việc đo lường để lắp đặt các thiết bị tinh vi nhằm “móc túi” khách hàng một cách trắng trợn.

Từ ngày 9/10/2014 - 7/11/2014, Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTQL Kinh tế và Chức vụ Công an Nghệ An phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, xác lập Chuyên án mang bí số 114C điều tra, bắt quả tang 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các huyện, thị như: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ, Quế Phong, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn đang dùng IC (chíp điện tử) để gian lận, chiết khấu lượng xăng bán cho khách hàng.

Quá trình đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện các cửa hàng kinh doanh xăng dầu này đã lắp IC để điều chỉnh, gian lận khách hàng, bớt xén xăng dầu với mức chênh lệch từ 4% - 11% khi bán ra. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi “rút ruột”, “móc túi” người tiêu dùng.

1912 up.zip
Lực lượng Công an kiểm tra một cây xăng có gắn chíp giả để “móc túi” khách hàng

Cụ thể, các trạm kinh doanh xăng dầu đã sử dụng IC giả để thay thế chương trình đã được đo lường, kiểm định có sẵn nhằm làm sai số phương tiện đo xăng, dầu khi bơm xăng cho khách hàng. Loại IC này có phần mềm chạy được 2 chương trình song song đúng, sai về chỉ số khác nhau. Có nghĩa là, IC giả sẽ cài đặt ngầm một chương trình chạy sẵn để qua mắt khách hàng và lực lượng chức năng.

Ví dụ như khi khách hàng bỏ ra 100.000 đồng để bơm xăng thẳng vào bình chứa của phương tiện, nhân viên bán xăng sẽ ấn nút chạy phần mềm của IC giả. Nếu khách hàng hoặc lực lượng chức năng dùng can chứa dung tích định sẵn để mua xăng, dầu thì lập tức, nhân viên sẽ ấn nút cho chạy phần mềm của IC thật đã được cơ quan chuyên môn kiểm định, đo lường trước đó nhằm “qua mặt”. Với hành vi này, khách hàng dễ dàng bị đánh lừa mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

Vì thế, trong đợt kiểm tra của cơ quan chức năng vừa qua đã phát hiện có cửa hàng kinh doanh xăng dầu làm sai lệch chỉ số lên tới 11%, nghĩa là nếu ấn định mua 10 lít xăng, dầu thì thực tế chỉ còn 8,9 lít. Sự thật này khiến khách hàng bị “rút ruột” tài chính như thế nào khi làm một phép tính đơn giản là: Mỗi tháng, một phương tiện tiêu thụ hết 500.000 đồng tiền xăng, dầu, với sai số gian lận 10% như trên thì sẽ bị thiệt mất 50.000 đồng.

Và, cứ tính lượng tiêu dùng ở một địa phương nhất định với hàng nghìn phương tiện thì số tiền “chảy” vào túi của chủ doanh nghiệp lên đến hàng tỉ đồng là điều dễ thấy. Đây là hành vi “móc túi” trắng trợn của cơ sở kinh doanh xăng, dầu đối với người tiêu dùng. Trước đó, vào năm 2008, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An cũng đã phát hiện 7 cơ sở với 10 phương tiện đo đã gắn mạch đo lường phụ vào cột bơm để cố tình làm giảm lượng xăng, dầu khi bơm cho khách nhằm thu lợi từ 4% - 8% so với thực tế bán ra.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có trên 600 đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu từ các nguồn cung ứng khác nhau với gần 100 cột (cây) bơm. Thử hỏi, liệu tất cả các đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu nói trên có thực sự trung thực với công nghệ bơm xăng, dầu tự động, hiện đại mà cơ quan kiểm định chất lượng đo lường đã cấp phép?

Điều đáng nói là thủ đoạn “móc túi” khách hàng này hết sức tinh vi, nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện thì các chủ cơ sở kinh doanh xăng, dầu sẽ sử dụng lối làm ăn vô đạo đức, lừa đảo người tiêu dùng chưa biết khi nào mới dừng lại. Theo lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ khuyến cáo, người dân khi mua xăng, dầu cần phải hết sức cẩn thận. Theo đó, người dân nên mua xăng theo dung tích chứ không nên mua xăng theo số tiền theo thói quen định sẵn như 50.000 đồng, 100.000 đồng, 500.000 đồng…

Trong quá trình mua xăng, dầu cần yêu cầu nhân viên ấn nút trở về số “0”. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người dân cần nhanh chóng tố giác hành vi gian lận lên các cơ quan chức năng để sớm ngăn chặn, chấn chỉnh, răn đe. Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, tránh chủ quan khi để nhân viên bán xăng dầu gian lận mà không để ý hành vi này.

Bên cạnh đó, dư luận cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có hình thức xử phạt, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng trong kinh doanh, buôn bán xăng, dầu. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần công bố danh sách những đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật nói trên lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác. Tránh để người dân lâu nay đã phải chịu áp lực vì giá cả xăng, dầu kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nay lại bị “móc túi” một cách trắng trợn như thời gian vừa qua.

.

Ngọc Thái