Kinh tế xã hội
Hai sân bay quốc tế lớn nhất tại Việt Nam: Hạn chế vì thiếu mặt bằng
14:00, 28/10/2014 (GMT+7)
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng đoàn công tác kiểm tra sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: "Điểm yếu của các nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất là diện tích nhỏ hẹp, mặt bằng hạn chế, nên không gian đi lại của hành khách không được thoải mái, rộng rãi". "Với sân bay Nội Bài, khi chưa có nhà ga T2 thì mặt bằng đang ở mức chật hẹp, cửa ra máy bay thiếu, nên đôi khi khách phải đi hơi xa một chút".
Sau khi trang web Sleepinginairports.net lấy ý kiến người du lịch và công bố hai sân bay Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam nằm trong số top 10 sân bay tệ nhất châu Á, ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu rà soát chất lượng dịch vụ tại hai sân bay này. Trong hai ngày 26 và 27/10, hai đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT và Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã có cuộc làm việc với sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Chất lượng dịch vụ chưa tốt vì mặt bằng chật hẹp
Tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 26/10, PV nhận thấy đã có nhiều thay đổi so với cách đây hai tháng. Cụ thể, ghế ngồi cho khách đã được bố trí nhiều và hợp lý hơn, biển chỉ dẫn cũng khá rõ ràng, thái độ phục vụ của nhân viên cũng tận tình, không có tình trạng ùn tắc khách tại các quầy làm thủ tục. Đặc biệt, sân bay đã có dịch vụ phát wifi miễn phí dành cho khách. Tuy nhiên, vì đang trong quá trình sửa chữa nên không tránh khỏi sự chật chội.
Điều này thể hiện rõ từ khu vực nhà vệ sinh ở ga quốc nội. Mỗi khi có chuyến bay đáp, khách thường phải xếp hàng dài chờ đi vệ sinh; trong khi đó, giấy vệ sinh cũng ngăn có, khăn không. Trong khu vực cách ly, do tần suất khai thác của Vietnam Airlines lớn nên hãng này được bố trí riêng một mặt bằng để mở các cửa lên tàu bay. Trong khi đó, 3 hãng hàng không là Jetstar Pacific, VietJet Air và Vasco “chung nhau” một khu vực mặt bằng. Vì thế, vào giờ cao điểm, hành khách khá vất vả để xếp hàng lên tàu bay.
Nguyên nhân được lãnh đạo Cảng Tân Sơn Nhất cho biết là do mặt bằng đang sửa chữa nên diện tích phục vụ khai thác có hạn. Vì thế, hành khách và các hãng hàng không phải chấp nhận. Một hạn chế khác của sân bay này là thiếu ổ cắm điện dành cho khách tại khu vực chờ nên mỗi khi có nhu cầu, khách lại phải ghé các nhà hàng dịch vụ để nhờ. Trong ga quốc tế, khu vực nối chuyến bay không có ghế dài để cho hành khách nghỉ ngơi, số lượng ghế ngồi cũng rất hạn chế. Ngoài ra, khu vực đón taxi rời sân bay tại Tân Sơn Nhất bố trí không hợp lý, công tác điều hành thiếu linh hoạt nên nhiều hành khách chờ rất lâu mà không đến lượt lên xe. Đó cũng là một trong những lí do góp phần làm hành khách thêm bực bội.
Nhiều hành khách phàn nàn việc làm thủ tục tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất khá chậm chạp |
Trao đổi với PV, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng đoàn công tác kiểm tra sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: "Điểm yếu của các nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất là diện tích nhỏ hẹp, mặt bằng hạn chế, nên không gian đi lại của hành khách không được thoải mái, rộng rãi. Tân Sơn Nhất đang được mở rộng và nâng cấp sửa chữa. Vì thế để đáp ứng được nhu cầu hạ tầng và dịch vụ tốt hơn ngay lúc này cũng là khó khăn, dù so với trước thì sân bay đã tốt hơn rất nhiều”. Với những hạn chế nêu trên, ông Cường yêu cầu Tổng Công ty Hàng không và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tập trung hơn nữa để đẩy nhanh thi công nâng cấp sửa chữa, mở rộng sân bay, khắc phục những hạn chế hiện tại và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Nhắc về sân bay Nội Bài, Phó Cục trưởng Cục Hàng không chia sẻ thêm: “Với sân bay Nội Bài, khi chưa có nhà ga T2 thì mặt bằng đang ở mức chật hẹp, cửa ra máy bay thiếu, nên đôi khi khách phải đi hơi xa một chút. Còn khách quốc tế đến, chúng ta đã đang dần cải thiện vì giờ đã có một phần nhà ga mở rộng T1 được đi vào hoạt động nên toàn bộ cánh B của nội địa giờ dành cho khách quốc tế đến, khách không còn phải chờ đợi lâu để lấy hành lý nữa. Về khu vực bay cho các chuyến nội địa tại sân bay Nội Bài đã được cải thiện tốt hơn vì đã mở rộng thêm sảnh E. Và khi nhà ga T2 đi vào khai thác thì nhà ga T1 sẽ được cải tạo thành nhà ga nội địa. Song cũng có điều vướng là kết nối giữa hai nhà ga như thế nào để thuận lợi cho khách cũng là vấn đề đáng lo ngại và chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp”.
Ông Võ Huy Cường cũng cho biết thêm: Hạn chế lớn nhất hiện nay ở sân bay Nội Bài là trong vòng một vài năm tới phải tính đến việc di chuyển toàn bộ nhà ga quốc tế sang T2 thì nhà ga T1 phải cải tạo lại để làm sao khai thác có hiệu quả, chỉ phục vụ chuyến bay nội địa. Như thế mới thêm được không gian cho các doanh nghiệp, cung cấp thêm được các phòng dành cho khách hạng C, hàng ăn, không gian cho khách.
Khi đặt câu hỏi, đánh giá của trang web tuy không chính thống, nhưng lãnh đạo Cục có thấy khách quan? Ông Võ Huy Cường thẳng thắn: Khó để mà đánh giá chính xác. Thôi cứ tự trách mình trước. Người ta có nhận xét đánh giá thì mình phải ghi nhận, tự soi mình, xem mình thực sự tốt chưa. Nếu họ nhận xét đúng, ta phải phấn đấu hơn. Còn đã tốt rồi thì phấn đấu tốt hơn nữa để họ có cái nhìn khác đi.
Lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng cho rằng, việc sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị đánh giá như vậy một phần do sự quá tải hiện nay. Thiết kế sân bay Nội Bài chỉ có 6 triệu khách, nhưng hiện tại đã phục vụ lên tới 13 triệu khách. Theo vị lãnh đạo này, cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện tại đều không có điều kiện để nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Không nên đổ lỗi cho yếu tố khách quan
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, sân bay phải là nơi thu hút người ta đến, kể cả các dịch vụ đi kèm như khác sạn, nhà hàng, nơi mua sắm, thư giãn… Mặt bằng của chúng ta chưa thể đáp ứng được điều đó.
Vì vậy, trước mắt, theo Cục Hàng không Việt Nam, giải pháp để lấy lại hình ảnh vẫn là thực hiện đúng lệnh của Bộ trưởng: “4 xin, 4 luôn” về mặt thái độ, dây chuyền phục vụ. Điều này cũng sẽ làm giảm bức xúc cho hành khách. Thiết nghĩ, cảng hàng không là bộ mặt quốc gia, nơi đầu tiên hành khách, khách du lịch thấy khi bước chân đến Việt Nam, do đó, cần phải có sự đầu tư, thay đổi mạnh mẽ, không thể chỉ nói, thanh tra, rồi nói do những yếu tố khách quan.
Nguồn: cand.com.vn