(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên thế giới đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do nhiễm vi rút cúm A/H5N6. Ở Việt Nam, chủng vi rút này đã xuất hiện tại các địa phương: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H5N6, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác.
Nguy cơ mắc dịch từ gà nhập lậu
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vi rút cúm A/H5N6 đã được phát hiện trên gia cầm ở nhiều nước như: Trung Quốc, Lào, Thụy Điển, Đức, Hoa Kỳ. Riêng ở Trung Quốc đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì nhiễm vi rút này. Loại chủng vi rút A/H5N6 cũng đã được phát hiện tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Mới đây, ở Hà Tĩnh đã phát hiện vi rút cúm này trên đàn vịt nuôi ở thôn Tân Sơn, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh. Kết quả giải trình tự gen của các mẫu vi rút cho thấy, chúng có tỉ lệ tương đồng trên 99% so với chủng vi rút cúm A/H5N6 gây tử vong trên người tại Trung Quốc. Qua điều tra, một trong những nguyên nhân cúm A/H5N6 bùng phát đó là gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc được “tuồn” về Việt Nam.
Người kinh doanh lẫn người tiêu dùng vẫn thờ ơ với dịch cúm A/H5N6 |
Trao đổi về vấn đề này, ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết: Dịch cúm A/H5N6 đang bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường; khả năng nhiễm vi rút từ gia cầm sang người là rất cao. Mặc dù trên địa bàn chưa phát hiện chủng vi rút này, nhưng Nghệ An là một trong những tỉnh có nguy cơ cao mắc dịch cúm A/H5N6, do tình trạng gà thải loại, nhập lậu, gà không rõ nguồn gốc ngày càng gia tăng và khó kiểm soát.
Tuy nhiên, trái với tâm lý lo lắng của cơ quan chức năng, một số người kinh doanh lẫn tiêu dùng vẫn chưa hề hay biết thông tin cũng như mức độ nguy hại của cúm A/H5N6. Khảo sát tại chợ Quán Lau, chợ Vinh và một số chợ trên địa bàn TP Vinh, nhu cầu tiêu thụ và giá cả thịt gà, vịt vẫn ở mức cao. Người bán lẫn người mua vẫn không quan tâm mấy đến vi rút này. Có chăng người tiêu dùng chỉ nắm thông tin lờ mờ về dịch cúm A/H5N1 từ đầu năm.
Tăng cường chống dịch
Từ đầu năm đến nay, tại Nghệ An xuất hiện 11 ổ dịch cúm gia cầm ở 8 huyện: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hoàng Mai, Nam Đàn, Đô Lương và Hưng Nguyên. Tổng số gia cầm mắc bệnh đã tiêu hủy là 6.405 con. Các ổ dịch chủ yếu tập trung ở 1 - 2 hộ chăn nuôi và được phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Hiện nay, tại địa phương chưa phát hiện chủng vi rút cúm A/H5N6. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp chống dịch cúm gia cầm. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống, ứng phó dịch cúm, những dịch bệnh nguy hiểm có thể lây từ gia súc, gia cầm sang người.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chi cục Thú y tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện sớm vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm khác trên gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển nội, ngoại tỉnh; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành để kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý vi phạm vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An phối hợp với Công an TX Hoàng Mai và lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A trực gác 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định.
Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N6, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để có những biện pháp cụ thể như tăng cường giám sát, kiểm tra việc vận chuyển gia cầm tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện ổ dịch.
.