Nhờ đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, bù trừ cho sự sụt giảm của thị trường khách quốc tế, nên doanh thu du lịch 7 tháng năm 2014 từ khách du lịch tăng 21,2% so với cùng kỳ 2013, đạt 142.000 tỷ đồng.
Trong 7 tháng qua, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, nhưng ngành du lịch vẫn tranh thủ tận dụng mọi điều kiện đế tiếp tục tăng trường và nâng cao chất lượng dịch vụ.
6 tháng đầu năm, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,28 triệu lượt khách, tăng 21,11% so với cùng kỳ 2013. Đa số các thị trường khách đều tăng. Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 23,4 triệu lượt, tăng 6,9%.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 125.000 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ 2013). Với kết quả như vậy, sau 6 tháng, ngành du lịch vẫn duy trì được đà tăng trưởng liên tục so với trước.
Khách du lịch nội địa tăng mạnh đã bù đắp cho sự sụt giảm tăng trưởng của thị trường khách quốc tế |
Tháng 7/2014, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mặc dù vẫn tăng 4,6% so với tháng 6/2014 (đạt 564.000 lượt) nhưng giảm 14,2% so với cùng kỳ tháng 7/2013.
Hầu hết các thị trường nói tiếng Hoa có khách đến Việt Nam đều bị suy giảm. Trong đó Malaysia giảm 36,2%, Indonesia giảm 35,8%, Trung Quốc giảm 28,8%, Hồng Kông giảm 27,4%, Đài Loan giảm 15,7%...
Do đó, dù tính đến hết tháng 7, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam mặc dù vẫn tăng 15,6% so với cùng kỳ 2013 (đạt 4,85 triệu lượt khách quốc tế), nhưng mức tăng này thấp hơn dự định. Đặc biệt, diễn biến thị trường hiện tại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện cuối năm.
Trước diễn biến của tình hình này, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào hoạt động mở rộng thị trường và kích cầu nội địa. Do vậy, đã bù đắp được một phần lượng suy giảm, duy trì tăng trưởng du lịch nội địa (7 tháng tăng 6,7% so với cùng kỳ 2013, đạt 27,2 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch tăng 21,2% so với cùng kỳ 2013, đạt 142.000 tỷ đồng.
Cùng với tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Kế hoạch hành động để chủ động ứng phó, giảm nhẹ tác động tiêu cực đến phát triển du lịch nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng du lịch những tháng cuối năm.
Theo đó, Tổng cục đã thông báo với các cơ quan du lịch quốc gia một số nước cam kết Việt Nam đảm bảo duy trì du lịch bình thường và đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách du lịch. Đồng thời, yêu cầu các tỉnh/thành yêu cầu không có hành vi phân biệt đối xử đối với khách du lịch nói tiếng Hoa, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Mặt khác, Tổng cục trực tiếp gặp gỡ, thông báo về tình hình du lịch Việt Nam với đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam. Cử các đoàn công tác đến địa bàn du lịch trọng điểm để nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo, họp báo và tổ chức nhiều hoạt động truyền thông.
Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL và Tổng cục sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ của các khu du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông ra nước ngoài đồng thời với truyền thông trong nước.
Đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, mở rộng quảng bá tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Đồng thời triển khai mạnh mẽ hơn nữa chương trình kích cầu du lịch cả nội địa và quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thủ tục để thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam như bỏ visa cho một số thị trường trọng điểm, kéo dài thời hạn lưu trú cho khách Nga từ 15 lên 30 ngày.
Cùng với đó, Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch sẽ thông qua các chính sách phối hợp liên kết ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch nhằm đảm bảo an toàn an ninh cho du khách.
.