Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201407/de-ngu-dan-bam-bien-vuon-khoi-bai-1-515376/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201407/de-ngu-dan-bam-bien-vuon-khoi-bai-1-515376/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Để ngư dân bám biển, vươn khơi (Bài 1) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 31/07/2014, 07:57 [GMT+7]

Để ngư dân bám biển, vươn khơi (Bài 1)

 
Bài 1: Gian nan đời ngư phủ
 
(Congannghean.vn)-Từ bao đời, cuộc sống của những ngư dân luôn gắn phận mình với sóng, với gió ngoài biển khơi. Biển đã nuôi nấng, chở che cho họ với những mùa về tôm cá đầy khoang. Và, biển cũng lấy của họ không ít người con nơi đất liền khi những người vợ, người mẹ phải đằng đẵng ngóng trông tin chồng, vọng cha sau mỗi chuyến ra khơi chẳng may gặp phải phong ba, bão táp.
 
Lênh đênh nghề đi biển
 
Đi dọc bờ biển Nghệ An với chiều dài hơn 82 km là những tầng trầm tích về địa tầng văn hóa, đời sống tâm linh của những người dân vùng quê miền biển không biết đã tự bao giờ được đúc kết lên thành giá trị trường tồn cùng dân tộc. Chỉ biết rằng, ngư dân vùng biển, khi gặp họ đều luôn toát lên cái giọng nặng chình chịch, toát lên vẻ đanh thép theo tiếng gió, tiếng sóng, vị mằn mặn, đượm tình từ trong mỗi câu nói. Có những bà mẹ, người vợ đã không giấu nổi lòng mình khi mãi mãi chẳng thể thêm một lần được gặp người đàn ông trụ cột trong gia đình nay đã phó thác thân xác nơi biển cả mênh mông. Với họ, để có những mùa về tôm cá lấp lánh ánh bạc thì cũng có khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
 
“Đời ngư phủ như chúng tôi có khi ăn sóng, nói gió nhưng cũng lắm rủi ro. Hàng năm, ở quê tôi thỉnh thoảng lại nhận được tin như sét đánh ngang tai khi trai làng mất tích trên biển. Rồi lúc gió to, bão lớn đánh lật cả chiếc tàu cá khiến không ít sinh mạng vùi sâu dưới đáy biển. Đời ngư phủ như bọn tôi gian nan, vất vả và hiểm nguy lắm. Có những năm, dân làng liên tiếp nhận được hung tin từ biển báo về khiến không ít gia đình phải sống cảnh mẹ góa, con côi” - lão ngư Trần Văn Hợi ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) tâm sự với tôi như vậy. Cũng theo lời lão ngư đã trên 30 năm gắn đời mình với biển, nghề ngư phủ đôi lúc mong manh như ngọn đèn trước gió. Gặp may, gió yên, biển lặng thì tàu thuyền thuận sóng ra khơi. Gặp rủi, có khi cả một đại gia đình phải chấp nhận mất cả người, cả tàu thuyền, cả gần chục mạng người ngoài biển. Cũng có khi, chạy vạy, vay mượn khắp nơi được vài tỉ đồng chung nhau đóng một con tàu khoảng trên vài trăm CV, nhưng đi chưa tròn một chuyến gặp rủi ro trở về đều tay trắng. Khổ là vậy. Đau đớn hơn khi có những chuyến cả mấy anh em ruột thịt trên chuyến tàu ra khơi đều mất tích ngoài biển khiến tang tóc, đau thương bao trùm lên cả một vùng quê vốn yên bình.
 
Tại huyện Quỳnh Lưu, theo thống kê, mỗi năm, số tai nạn rủi ro mà ngư dân đi biển gặp phải không phải là ít. Có năm, hàng chục người chết, mất tích trên biển không tìm được xác. Số phương tiện tàu thuyền bị hư hỏng, bị chìm gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
 
Vợ con anh Hồ Vĩnh Thế đau đớn nhận hung tin khi tất cả 8 thuyền viên đều mất tích trên biển vào ngày 27/11/2013
Vợ con anh Hồ Vĩnh Thế đau đớn nhận hung tin khi tất cả 8 thuyền viên đều mất tích trên biển vào ngày 27/11/2013
 
Là chủ tàu NA 93047 với công suất gần 400 CV, anh Trần Đại Lợi ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) bám biển đã lâu năm nhưng chưa lúc nào yên tâm về số phận ngôi nhà “di động” trên biển của mình. Nghề đánh bắt hải sản trên biển, cùng với 6 thuyền viên của mình luôn đồng tâm hiệp lực để có những chuyến ra khơi trúng luồng cá, luồng mực. Thế nhưng, để có được mỗi chuyến bội cá, bội tôm, ngoài kinh nghiệm đánh bắt lâu đời truyền lại, anh Lợi cũng như các chủ tàu khác trong địa phương gặp không ít rủi ro. “Có những chuyến đi, bọn tôi bỏ chi phí hàng chục triệu đồng để mua lương thực dự trữ, xăng dầu… nhưng hàng tuần liền lênh đênh trên biển, đến lúc cạn dầu, hết lương thực bắt buộc phải trở về lại phải bù lỗ. Rồi lúc anh em trên tàu chẳng may bị đau ốm đột ngột, tàu mới vừa chạm tới vùng cá, vùng tôm, cách đất liền vài trăm hải lý đành phải quay trở về để cứu chữa thì coi như chuyến đó đi công cốc” - anh Lợi ngậm ngùi nói về nghề của mình.
 
Tang thương rình rập
 
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại cái ngày thảm họa ập đến gia đình, bà Nguyễn Thị Hương là mẹ của 2 thuyền viên Nguyễn Văn Trí (SN 1982) và Nguyễn Văn Huỳnh (SN 1990) ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) vẫn chưa hết bàng hoàng. Cái ngày 27/11/2013 cũng là ngày tang thương, đau đớn bao trùm lên người dân xã An Hòa, Quỳnh Nghĩa khi nhận được hung tin, tất cả 8 thuyền viên trên chiếc tàu NA 90249TS gặp nạn ngoài khu vực vịnh Bắc Bộ đều không bao giờ trở về được nữa.
 
Bà Hương kể lại, hơn 10 năm bám biển mưu sinh nhưng anh em Trí chỉ đi làm thuê cho người khác, chủ yếu đánh tàu cá gần bờ. Sau thời gian dốc sức làm ăn, tích cóp, rồi vay mượn thêm tiền từ ngân hàng, người quen, anh em Trí đóng chiếc tàu 380CV giá hơn 1,7 tỉ đồng. Có tàu, không chỉ anh em Trí mà cả nhà đều mừng vui vì hy vọng chiếc tàu sẽ thay đổi cuộc sống khổ cực bấy lâu nay. Hai chuyến đi biển xa bờ đầu tiên, anh em Trí mang theo nhiều kỳ vọng nhưng lại phải liên tục “chạy bão”, thu nhập chỉ đủ bù lỗ cho chi phí tiền xăng dầu. Ngày 18/11/2013, tàu NA 90249TS cùng 10 thuyền viên nhổ neo, ra khơi chuyến thứ 3. Gần 10 ngày lênh đênh đánh bắt cá vùng biển vịnh Bắc Bộ thì gặp không khí lạnh đột ngột tràn về. Con tàu bị nạn, phát tín hiệu cấp cứu vào lúc 23 giờ ngày 27/11/2013. Khi đó, một tàu cá khác của ngư dân xã Quỳnh Thọ đang đánh bắt ở gần đã nhận được thông tin ứng cứu. Nhưng, chỉ ít phút sau, con tàu bị mất tín hiệu hoàn toàn giữa đêm tối mịt mù khơi xa. Mất người, mất tàu, bà Hương và 2 người con dâu đến bây giờ vẫn chưa biết xoay xở thế nào để thay con, thay chồng trang trải nợ nần.
 
Cách nhà thuyền trưởng Nguyễn Văn Trí không xa là gia đình hai thuyền viên Hồ Vĩnh Thế (SN 1981) và Hồ Vĩnh Lai (SN 1979) đến nay vẫn chưa khỏi bàng hoàng, đau xót trước cảnh người vợ trẻ, con thơ phải côi cút mưu sinh hàng ngày, khi những người trụ cột chính trong gia đình đã không còn nữa. Sinh ra trong gia đình có 5 anh em, hoàn cảnh khó khăn khi thu nhập chính chỉ trông chờ vào những nại muối ở xã An Hòa. Mấy năm nay, hai anh em Thế và Lai đi làm thuê cho các tàu đánh cá để kiếm thêm thu nhập. Nhưng không ngờ, chuyến đi biển lần thứ 3 lại nhấn chìm tất cả dưới biển khơi. Đau xót hơn, vợ anh Lai chỉ còn vài chục ngày nữa là sinh con nhưng người bố đã mãi mãi không trở về. Cha con không được một lần nhìn thấy mặt nhau. Tang thương bắt đầu với họ từ đó. Bao đời nay, ngư dân vùng biển sinh ra đã gắn với biển cả, đại dương. Họ được biển cả cho cá tôm, nhưng chính biển cũng lấy đi không ít mạng người khiến cảnh vợ góa chồng, con mất cha, cửa nhà tang tóc.
 
Nghề và đời ngư phủ là vậy. Tang thương luôn rình rập tới hàng nghìn số phận, hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân vùng biển Nghệ An hiện nay mỗi chuyến ra khơi. Họ rất cần được hỗ trợ, sẻ chia trong hoàn cảnh khó khăn như bây giờ. Giá cả leo thang, xăng dầu liên tục tăng khiến những con tàu muốn ra khơi bám biển dài ngày cũng phải dè dặt với thông số đưa ra mà rủi ro không thể tính trước được.
 
.

Ngọc Thái

.