Kinh tế xã hội
Nghịch lý tái định cư thủy điện
(Congannghean.vn)- Sống cạnh nhà máy thủy điện nhưng không có điện, nhường đất để tích nước nhưng lại thiếu nước, thiếu đất sản xuất khiến người dân vùng tái định cư phải bỏ bản về quê cũ hoặc tha hương đi làm đủ nghề để mưu sinh… Đó là những nghịch lý đang diễn ra tại Khu tái định cư thủy điện Khe Bố nói riêng và tại các khu tái định cư thủy điện hiện nay nói chung trên địa bàn tỉnh.
Tái định cư thủy điện không có điện
Dự án Thủy điện Khe Bố được xây dựng trên thượng nguồn sông Lam đoạn qua xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1793/TTg-CN ngày 7/11/2006, dự kiến sẽ thực hiện và hoàn tất cơ sở hạ tầng trong 4 năm.
Dự án này đáp ứng chỗ định cư lâu dài cho gần 600 hộ với khoảng 2.700 nhân khẩu thuộc 8 xã của huyện Tương Dương khi di dời đến nơi ở mới, nhường chỗ cho công trình Thủy điện Khe Bố với công suất lắp máy 100 MW. Công trình này có tổng vốn đầu tư là 2.500 tỉ đồng.
Sau ba năm đi vào triển khai, song song với việc gấp rút thi công trên công trường thủy điện, cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư cũng được phía nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để di dời số hộ dân trong lòng hồ về nơi ở mới, phục vụ cho việc chuẩn bị tích nước khi công trình hoàn thành. Với cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp những gì tốt nhất để ổn định cuộc sống của người dân khi di dời đến nơi ở mới, chủ đầu tư đã vẽ ra một tương lai xán lạn cho hàng trăm hộ dân.
Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy, bởi đến nay, sau hơn 3 năm ở 2 bản tái định cư của Thủy điện Khe Bố là bản Đình Thắng và Đình Hương thuộc xã Tam Đình vẫn chưa có điện, các công trình nước sạch cung cấp nước cho bà con lúc có lúc không, trong khi đường sá đi lại ngổn ngang.
Ngổn ngang đường vào khu TĐC Khe Bố sau 3 năm thi công |
Ông Lữ Đoàn - Bí thư Chi bộ bản Đình Thắng cho biết: “Hơn 3 năm tái định cư bằng việc di dân từ lòng hồ lên cao hơn, nhà cửa có kiên cố hơn nhưng cuộc sống dường như bị đảo lộn. Tiền đền bù đất chưa có, điện chưa thấy, cơ sở hạ tầng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc đi lại của bà con”.
Được biết, bản Đình Thắng có tất cả 140 hộ, hơn 600 nhân khẩu, cuộc sống dựa vào nương rẫy, bà con chủ yếu là hộ nghèo. Tương tự, bản Đình Hương có 130 hộ dân, cũng phải chịu cảnh không có điện, trong khi nước sinh hoạt chủ yếu dựa vào lòng hồ. Để đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày, các hộ dân ở đây đã tự tìm giải pháp là duy trì và xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ ở khe suối, vận dụng các thiết bị có thể phát điện.
Ông Lô Vĩnh Tình - Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: Nguyên nhân 2 bản Đình Hương và Đình Thắng còn nhiều bất cập là do con đường dẫn vào khu tái định cư dài 12 km chưa hoàn thành nên chưa thể kéo điện vào được. Theo ông Tình, ngành điện đã về khảo sát, cam kết lúc nào xong đường sẽ có điện cho bà con.
Tuy nhiên, đến nay đường vẫn chưa rải nhựa xong nên điện vẫn chưa biết lúc nào sẽ về với bà con. Còn về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Tình cũng không nắm được là do vướng mắc ở đâu. Không những 2 bản Đình Hương và Đình Thắng thiếu điện, nước mà ở bản Đình Phong (cũng là bản TĐC) cũng thiếu nước sinh hoạt, khe Thơi duy nhất để người dân lấy nước thì lại ô nhiễm thuốc trừ sâu vì phía thượng nguồn trồng lúa nước.
Đói, khát nơi vùng tái định cư
Cũng trên địa bàn huyện Tương Dương, năm 2003, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án Thủy điện Bản Vẽ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 665/QĐ-TTg tại xã Yên Na. Mục tiêu của dự án là phát triển nguồn điện Quốc gia với công suất 320 MW gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 160 MW. Để thực hiện dự án này, một cuộc di dân khổng lồ đã được thực hiện, với tổng số hộ dân phải di dời là 3.022 hộ thuộc 34 bản, 9 xã của 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn.
Một góc Tái định cư Thủy điện Khe Bố |
Số hộ dân này chủ yếu là đồng bào thiểu số như Thái, Ơ Đu, Khơ Mú và một bộ phận nhỏ người Kinh. Các hộ tái định cư được bố trí di dời về các huyện là Tương Dương (555 hộ), Kỳ Sơn (112 hộ) và nhiều nhất là huyện Thanh Chương 2.123 hộ. Ngoài ra, còn có 232 hộ di dân theo nguyện vọng cá nhân. Khu tái định cư Thủy điện bản Vẽ trên địa bàn huyện Thanh Chương do vậy cũng được xem là tái định cư lớn nhất từ trước đến nay, với 2 bộ máy chính quyền cấp xã được thành lập để quản lý.
Tuy vậy, đến nay, đã nhiều năm được di dời đến nơi ở mới nhưng cuộc sống của bà con nơi đây vẫn chưa thể ổn định, bởi cơ sở hạ tầng yếu kém, xuống cấp, người dân thiếu đất sản xuất nên đã kéo nhau về lại nơi ở cũ. Hệ thống cấp nước sinh hoạt đã xây dựng xong và bàn giao cho địa phương với 12 hệ thống tự chảy nhưng đến nay nhiều công trình không sử dụng được, do quá trình sử dụng không có bộ phận trực vận hành nên xảy ra sự cố và một số kẻ gian phá dỡ đường ống, buộc người dân phải đào giếng khơi.
Cũng do thiếu đất sản xuất nên người dân đã rời khu tái định cư về nơi ở cũ. Đặc biệt, 119 hộ của 2 bản Chà Coong 2 và bản Kim Hồng vẫn chưa chịu nhận đất sản xuất, trong đó lý do ở bản Chà Coong 2 là một số “lãnh đạo” bản chiếm nhiều đất sản xuất quá nên hết phần đất để giao cho dân.
Cũng bởi không có đất và không ổn định được cuộc sống, hàng trăm lao động chính tại khu tái định cư này đã bỏ bản, rồng rắn kéo nhau vào bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam) làm phu vàng, bị chủ bóc lột thậm tệ nên đã dẫn đến cuộc đào tẩu khỏi hầm vàng diễn ra vào ngày 3/4 gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Quá trình giải cứu các phu vàng tại đây, cơ quan chức năng xác định gần như tất cả đều trú tại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Và nguyên nhân chính dẫn đến việc các lao động bỏ quê đi mưu sinh là không có đất sản xuất, không ổn định được cuộc sống nơi vùng đất mới.
Thiện Thành