Ô tô - Xe máy
Chăm sóc điều hòa trên xe ô tô
Trong một số trường hợp, khách hàng hoàn toàn có thể tự xử lý hoặc nếu đưa xe đến các trung tâm dịch vụ tin cậy thì chi phí cũng rất thấp. Tuy nhiên, nếu đưa xe đến các địa chỉ không tin cậy, ham lợi thì có thể khách hàng sẽ bị mất rất nhiều tiền. Thay vào đó, chủ xe có thể tham khảo những thông tin dưới đây để “bắt bệnh” chiếc máy lạnh trên xe và có những biện pháp xử lý kịp thời:
1. Hệ thống điều hoà vẫn làm việc bình thường nhưng không mát hoặc rất yếu
Lúc này có hai tình huống xảy ra. Thứ nhất là với xe còn mới, được bảo dưỡng bảo trì tốt, thì hầu hết các trường hợp này xảy ra là do bộ lọc gió của hệ thống điều hoà đã bị tắc. Trong quá trình sử dụng xe, tuỳ điều kiện địa hình vận hành, bụi bẩn dần dần bám vào lưới lọc, nhiều quá sẽ kết tảng dày (ảnh) khiến cho gió bị quẩn trong dàn lạnh mà không vào được ca-bin xe.
Cách duy nhất để khắc phục là vệ sinh tấm lưới lọc. Trên các dòng xe du lịch hiện đại tay lái thuận, tấm lưới lọc này thường nằm bên trong hốc được bố trí sâu trong hộp đựng găng tay. Có trường hợp chỉ cần mở hộp găng tay, cậy nắp hốc lọc gió là có thể lấy được lưới lọc, có trường hợp phải tháo cả nắp hộp mới có thể thao tác. Dùng súng sịt hơi để thổi sạch bụi bẩn bám trên tấm lưới rồi lắp lại bình thường. Tấm lưới cần được vệ sinh hàng tháng, thậm chí hàng tuần nếu xe thường xuyên được sử dụng ở những nơi nhiều bụi bặm như công trường, đường đất…
Với các loại xe đã qua sử dụng lâu năm thì nguyên nhân có thể phức tạp hơn thế rất nhiều. Đó có thể là do dây cua-roa dẫn động lốc máy lạnh bị trùng và trượt. Tiếp đó, hệ thống có thể bị hao ga do các đường ống bị lão hoá, rò rỉ hoặc các gioăng bị hở. Với các tình huống này, chủ xe cần mang xe đến các trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp để được xử lý bằng thiết bị máy móc chuyên dùng.
2. Hệ thống máy lạnh vẫn làm việc bình thường, có mát nhưng không sâu
Về trường hợp này, nguyên nhân cũng có thể là do xảy ra các sự cố như trường hợp thứ nhất nhưng ở mức độ nhẹ. Nhưng còn có một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng mà chủ xe có thể tự xử lý ở một mức độ nhất định trên nhiều dòng xe, đó là dàn nóng và dàn lạnh bị bẩn. Dàn nóng bẩn sẽ toả nhiệt kém làm giảm hiệu quả làm mát của dung môi (ga), còn dàn lạnh bị bẩn sẽ khiến không khí lạnh không lan toả được ra xung quanh để lùa vào khoang xe.
Với các dòng xe mà dàn nóng được bố trí thông thoáng phía trước của khoang máy, chủ xe cần yêu cầu vệ sinh bằng nước hoặc kết hợp hoá chất chuyên dùng trong quá trình rửa xe. Để làm công việc này được hoàn hảo, người rửa xe cũng cần có chuyên môn để không làm ảnh hưởng đến các hệ thống trong khoang máy, đặc biệt là hệ thống điện. Việc vệ sinh dàn lạnh đòi hỏi phải được tiến hành bởi các kỹ thuật viên có tay nghề thực thụ, bởi việc vệ sinh bộ phận này tương đối phức tạp.
3. Hệ thống máy lạnh sau khi được bảo dưỡng và bổ sung thêm ga thì hầu như bị tê liệt và không hề mát
Thông thường, áp suất trong hệ thống máy lạnh được điều chỉnh ở mức độ nhất định. Quá trình bổ sung ga nếu được tiến hành ở những địa chỉ yếu kém về chuyên môn sẽ không thể kiểm soát được chính xác thông số áp suất ga. Trên nhiều dòng xe, nếu ga bị nạp quá nhiều, van an toàn sẽ tự động xả hết ga để bảo vệ hệ thống. Mất hoàn toàn áp suất, lốc điều hoà sẽ ngừng hoạt động.
Để khắc phục sự cố này, chủ xe chỉ còn cách mang xe đến các trung tâm chăm sóc uy tín để được trợ giúp.
4. Hệ thống điều hoà làm việc bình thường nhưng có mùi khó chịu
Đây có lẽ là thắc mắc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những chủ xe gặp vấn đề về máy lạnh ôtô. Nguyên nhân của tình trạng này gồm cả khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do hệ thống thông gió mát vào trong khoang xe (gồm dàn lạnh, lưới lọc gió, quạt gió, các cửa gió và cảm biến nhiệt độ dàn lạnh) đã bị bẩn hoặc bị trục trặc. Nguyên nhân chủ quan có thể là người dùng xe để ca-bin bị bẩn lâu ngày với các tạp chất như mồ hôi, rác, mùi thuốc lá, mùi nước hoa, mùi thức ăn… bám cặn trong các ngóc ngách của nội thất xe. Khi máy lạnh hoạt động và lùa gió vào cabin, các tạp chất đó sẽ thừa cơ bốc ra.
Với tình trạng này, chủ xe cần tiến hành dọn dẹp cabin xe, vệ sinh lưới lọc gió và kết hợp với các trung tâm chăm sóc xe để loại bỏ các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan bằng các hoá chất vệ sinh nội thất ôtô chuyên dùng.
TH