Kinh tế xã hội

Ngủ đêm bị đánh phí ngủ: Dân cứ kêu, bộ cứ hứa

14:45, 17/04/2014 (GMT+7)
Chạy xe giờ bình thường mất một kiểu phí, chạy xe giờ cao điểm cũng đề xuất thu thêm phí, ngủ qua đêm cũng phải trả phí... Phí trên trời luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Bộ Tài chính khẳng định, sẽ kiên quyết dẹp loạn các loại phí không đủ cơ sở pháp lý. sự kiện
 
Thu phí trên trời: không dễ
 
Hồi đầu năm nay, UBND TP. Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án thu phí đại lộ Thăng Long. Mục đích là nhằm hoàn lại khoản vốn khoảng 5.700 tỷ đồng mà ngân sách Thành phố đã bỏ ra để mở con đường này và nhằm hỗ trợ thành phố đang trong cảnh thiếu vốn đầu tư, duy trì hạ tầng giao thông, mỗi năm ước khoảng 5.000 tỷ đồng.
 
Mặc dù hiện nay, Bộ Tài chính đã quy định rất rõ, chỉ những tuyến đường được đầu tư bằng tiền doanh nghiệp theo hình thức BOT mới được thu phí để hoàn vốn, tuyến đường đầu tư từ tiền ngân sách sẽ không được thu phí. Các trạm thu phí này vừa qua đã phải dừng hoạt động.
 
Năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải còn đệ trình Thủ tướng thu phí ô tô xe máy đi vào nội thành trong giờ cao điểm, hay còn gọi là phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, dự kiến triển khai ở Hà Nội và TP.HCM. Mức phí tính được đề nghị lên tới 20-50 triệu đồng/xe/năm, khiến dư luận một phen tá hỏa sững sờ.
 
Trong lĩnh vực đường bộ, phí chồng phí luôn là đề tài gây bức xúc nhất cho giới lái xe. Mới đây, một vụ va chạm đã xảy ra ở trạm thu phí cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) khi lái xe không mua vé, phóng vượt qua chỉ vì thấy vô lý trước việc vừa phải đóng cả triệu đồng tiền phí đường bộ lại vẫn phải mua vé qua trạm cầu đường, trong khi cả 2 phí này đều có cùng mục đích bảo trì đường bộ.
 
Du khách muốn ngủ trên Vịnh Hạ Long sẽ mất 200.0000 đồng/đêm
Du khách muốn ngủ trên Vịnh Hạ Long sẽ mất 200.0000 đồng/đêm
 
Ở các lĩnh vực khác, nhiều loại phí mới liên tục được đẻ ra, một cách chính thống hay mới chỉ dừng lại là ý tưởng. Chẳng hạn với Luật Điện lực sửa đổi, người dân sẽ lại phải trả thêm khoản phí điều tiết điện lực (phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực), trong khi loại phí này không có tên trong danh mục của Pháp lệnh phí.
 
Tháng 8/2013, tỉnh Quảng Ninh còn ban hành thêm một loại phí  khiến du khách cũng thấy ngán ngẩm. Đó là phí ngủ đêm trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long với mức thu "cắt cổ" từ 150.000 200.000 đồng/đêm, dù khách đã phải trả phí tham quan danh lam thắng cảnh như thường lệ.
 
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng  Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cũng than thở: "Việc các bộ, địa phương... đề xuất một loại phí nào đó thì nhiều lắm. Ai cũng muốn lập phí, lập quỹ. Chúng tôi phải rất cảnh giác để gác cửa với những đề xuất này. Nhiều loại phí không hợp lệ đã bị Bộ Tài chính xóa bỏ".
 
Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính nói, thực tiễn, nhiều bộ đề nghị các loại phí mới nhưng không đủ cơ sở ban hành. Vì các khoản thu mới này cũng bắt buộc phải có tên trong danh mục đã được quy định ở Pháp lệnh phí và lệ phí quy định và Nghị định của Chính phủ.
 
Phí là túi tiền của người dân, nên quan điểm của Bộ Tài chính là hạn chế, không nảy sinh các loại phí mới.
 
Sẽ xóa bỏ nhiều loại phí
 
Hôm 10/4, Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá toàn diện về 12 năm công tác thu phí và lệ phí gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
 
Theo đó, Bộ Tài chính chỉ quy định 301 loại phí và lệ phí, nhưng mới triển khai sử dụng vận hành 280 khoản. Con số này cách xa với số liệu 432 khoản phí, lệ phí mà vừa qua, có vị chuyên gia trong ngành đã nêu.
 
Đường bộ luôn nóng chuyện phí chồng phí
Đường bộ luôn nóng chuyện phí chồng phí
 
Ông Ngô Hữu Lợi chia sẻ, trên thực tế, có nhiều sự nhầm lẫn về tên gọi. Đối với người dân, cứ có khoản thu thì gọi là phí. Nhiều khoản địa phương huy động dân đóng góp tự nguyện như xây dựng hạ tầng, xây dựng trạm sá, đường giao thông, làm từ thiện, khuyến học, thực ra không phải là phí, nhưng người dân lại tưởng là phí.
 
"Tuy nhiên, cách thức tổ chức thu cũng có vấn đề. Vì có địa phương mặc dù nguyên tắc là đóng góp tự nguyện, nhưng khi triển khai, lại tính đến từng hộ gia đình nên dân dễ nhầm", ông Lợi cho biết.
 
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa giải thích thêm, thực tế, còn có loại phí không theo pháp luật mà là theo hương ước làng. Lệ phí là khoản thu gắn với quản lý hành chính, chỉ có cơ quan Nhà nước thực hiện. Phí là khoản bù đắp cho các chi phí phát sinh khi cung cấp các dịch vụ, nhưng không phải là giá.
 
Theo báo cáo tình Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Tài chính cho biết đang yêu cầu các bộ ngành địa phương rà soát lại tất cả các loại phí và lệ phí. Tiến tới, Bộ sẽ nâng Pháp lệnh về phí và lệ phí lên thành Luật và đã đề nghị đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội.
 
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ chuyển một số loại phí hiện nay sang giá dịch vụ , hoạt động theo cơ chế thị trường, như phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, phí sử dụng cầu, bến, phao neo, phí hoa tiêu hàng hải, phí qua đò, phí chợ, phí bến bãi, phí vệ sinh.
 
Đồng thời, một số khoản phí thực chất đã trở thành giá dịch vụ sẽ được xóa khỏi danh mục phí và lệ phí, ví dụ như phí kiểm định, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, phí kiểm định phương tiện đo lường, phí đấu thấu, viện phí, phí xây dựng...
 
"Nếu theo quan niệm 'vừa gà vừa chó bó lại cho tròn, 36 con 100 chân chẵn' thì chúng ta thấy là rất nhiều phí, nhưng thực tế, chỉ có thế thôi. Những cái na ná phí, lệ phí thì có thể rất nhiều, nhưng phí, lệ phí đúng nghĩa theo danh mục thì đều được quản lý trong khuôn khổ Pháp lệnh rất chặt chẽ", ông Nghĩa khẳng định.

Nguồn: VEF

Các tin khác