(Congannghean.vn)- Tuyến đường nối từ cầu Cây Chanh thuộc xã Đỉnh Sơn đi qua 3 xã Thành Sơn, Bình Sơn và Thọ Sơn của huyện Anh Sơn có chiều dài khoảng 20 km. Năm 2001, Dự án “Đường nguyên liệu mía Thành - Bình - Thọ” do Sở Giao thông Vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư được thi công. Tuy nhiên, chỉ sau 13 năm đưa vào sử dụng, do phải chịu quá tải trọng từ những chuyến xe chở quặng, chở nguyên liệu, đến nay, tuyến đường này đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Cách đây khoảng 13 năm, khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã phát huy được hiệu quả trong việc giao thương, đi lại, đặc biệt là việc vận chuyển mía nguyên liệu về Công ty Mía đường Sông Lam. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, con đường được thi công theo tiêu chuẩn cấp 5 miền núi có trọng tải 13 tấn nhanh chóng xuống cấp, ở nhiều đoạn mặt đường lồi lõm, lớp nhựa bề mặt bị bong tróc gần hết, nhiều đoạn lún sâu, dẫn đến việc đi lại hết sức khó khăn.
Trong đó, hư hỏng nặng nhất là đoạn đường từ xã Thành Sơn đến ngã ba Cây Khế. Chỉ cần một trận mưa nhỏ cũng khiến con đường này trở nên lầy lội, trơn trượt. Trao đổi với chúng tôi, ông Vy Đình Thuyên, một người dân địa phương cho biết: Nhân dân chúng tôi đi lại rất khó khăn, nhất là các cháu học sinh, những hôm trời mưa, đường trơn lầy lội đi lại rất dễ bị ngã. Đặc biệt là khi có những vụ cấp cứu, đường khó khăn nên nhiều khi đưa người nhà đến bệnh viện muộn quá, không kịp thời cứu chữa...
Nguyên nhân chủ yếu làm con đường nguyên liệu huyết mạch này nhanh chóng xuống cấp đó là thường xuyên phải chịu quá trọng tải do xe chở nguyên liệu, xe chở keo, chở khoáng sản… Bên cạnh đó, từ khi cầu Cây Chanh khánh thành đưa vào sử dụng, lưu lượng phương tiện đi lại tăng lên so với trước kia. Một nguyên nhân nữa đó là, mặc dù tuyến đường này đã đưa vào khai thác, sử dụng 13 năm nay nhưng chưa lần nào được duy tu, bảo dưỡng. Kèm theo đó, hệ thống mương thoát nước hai bên đường không được khơi thông nên đường càng bị ngập úng và hư hỏng nặng.
Vì vậy, hàng năm vào mùa sản xuất, Công ty CP Mía đường Sông Lam phải đầu tư từ 150 - 200 triệu đồng để tu sửa một số đoạn đường bị hư hỏng quá nặng, phục vụ chở nguyên liệu. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Về vấn đề này, ông Lê Thanh An - Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Lam đề nghị: Chúng tôi kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường này chứ Công ty chúng tôi năm nào cũng phải bỏ kinh phí ra sửa đường để phục vụ cho chở nguyên liệu, nhưng chỉ là sửa một cách tạm thời, sửa được chỗ này lại hỏng chỗ kia. Chỉ sau một mùa sản xuất thì đâu lại vào đấy...
Tuyến đường Thành - Bình - Thọ xuống cấp không chỉ gây ảnh hưởng cho việc vận chuyển nguyên liệu của nhà máy mía đường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân địa phương. Để tuyến đường nguyên liệu Thành - Bình - Thọ huyện Anh Sơn phát huy hiệu quả lâu dài, thiết nghĩ các cấp, các ngành liên quan cần sớm có giải pháp hỗ trợ, nâng cấp để người dân vùng nguyên liệu ở Anh Sơn yên tâm đầu tư sản xuất.