Kinh tế xã hội
Nhộn nhịp làng đào Nam Anh
07:58, 21/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền Giáp Ngọ, làng trồng đào ở các xã thuộc huyện Nam Đàn (Nghệ An), trong đó có Nam Anh như khoác chiếc áo hoa rực rỡ muôn màu. Vào dịp cuối năm, Nam Anh rất đông khách, nhiều người đi xe ôtô con và cả xe tải đến mua đào chở về TP Vinh và các huyện lân cận. Kẻ bán, người mua nhộn nhịp, rạo rực không khí hoa đào ngày Tết.
Mùa Xuân này, trên địa bàn huyện Nam Đàn có nhiều xã như Nam Anh, Nam Hưng, Nam Thái và Khánh Sơn, khách đến mua hoa đào Tết tấp nập. Có thể nói rằng, mấy năm gần đây, người nông dân thu cả trăm triệu đồng nhờ trồng đào. Từ năm 2010, mới có vài chục hộ chuyên trồng đào bán, khi nhận thấy có lợi nhuận cao, nhiều hộ khác cũng theo trồng, diện tích trồng đào trong huyện vì thế ngày càng mở rộng. Người dân rất yên tâm, phấn khởi trồng đào và có hướng làm vườn đào lâu dài, bởi sản phẩm được tiêu thụ nhanh, người dân không phải đem cây đào đi bán mà có rất đông khách đến tận vườn để mua. Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, người dân Nam Đàn vẫn đang tích cực tỉa cành tạo dáng để bán cho khách. Mặc dù sản phẩm và tên tuổi mới chỉ xuất hiện trên thị trường vài, ba năm, nhưng cây đào ở xã Nam Anh đang được người chơi hoa, cây cảnh hết sức yêu thích trong dịp Tết đến, Xuân về. Cây đào ở đây chủ yếu đào phai giống tự nhiên, hoa có 5 cánh, màu phớt hồng, cành và hoa đều phóng khoáng, bắt mắt. Riêng cây đào ở xã Nam Anh đã có từ lâu đời, mọc rải rác trên núi. Còn đào được trồng để trở thành sản phẩm hàng hoá thì mới chỉ có vài năm trở lại đây.
Người dân Nam Anh đang kiểm tra đào sắp nở hoa |
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh, xóm 9 là một trong những hộ tiên phong trong việc đưa cây đào trở thành sản phẩm thương mại và là hộ có số lượng gốc đào khá lớn trong xã. Tết này gia đình chị sẽ đưa ra thị trường khoảng 100 gốc đào, dự kiến thu về khoảng 50 triệu đồng. Mặc dù năm nay thời tiết diễn biến thất thường, mưa rét kéo dài nhưng gia đình chị đã biết cách chăm bón để cây đào trổ hoa vào đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đào là một loại cây tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc. Cũng theo chị Minh, để cho đào ra hoa đúng vào dịp Tết cổ truyền thì phải căn thời gian thích hợp và nghe ngóng thời tiết để tuốt lá và bón phân đúng thời điểm. Ưu điểm của loại đào này là dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không phải cầu kỳ lắm trong việc uốn thế từng cành. Ngoài việc căn thời gian để bón phân, tuốt lá và ươm cây thì người trồng đào không phải đầu tư quá nhiều. Một số hộ trồng đào có kinh nghiệm ở Nam Đàn cho biết: Muốn cành đào đẹp phải tạo dáng từ lúc cây còn non. Đối với những cành còi cọc thì phải cưa sớm để dành dưỡng chất nuôi các cành còn lại trên cây. Để trồng cây mới, ngoài phương pháp chiết hoặc ghép cành, người trồng đào chủ yếu lấy hạt của chính cây đào đó để ươm. Nếu thời tiết lạnh, muốn hoa đào nở đều, đúng vào dịp Tết phải dùng nước ấm tưới đều cho gốc và cành lá. Với phương pháp chăm sóc như vậy, cây đào ở Nam Đàn có thế uốn lượn tự nhiên, kích thước vừa phải, thân cây hơi xù xì, vằn vện như lưng con kỳ đà rất đẹp, hoa lại nở đều, hương thơm thoang thoảng, pha lẫn lộc đang nhú lên, được người dân rất ưa chuộng. Để có được những kinh nghiệm tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng này, người dân Nam Anh đã phải học hỏi qua bạn bè, sách báo và tìm hiểu trên internet.
Nếu như trước đây, đào cảnh, đào Nhật Tân chiếm lĩnh thị trường hoa, cây cảnh ngày Tết thì nay, cây đào phai của bà con nông dân huyện Nam Đàn lại đang lên ngôi. Chính điều này đã tác động đến nghề trồng đào ở Nam Anh. Với điều kiện đồi núi, đất đai rộng nên nhà nào cũng trồng đào. Đào Nam Anh nhiều cành, phát triển tự nhiên, hoa to và nhiều nên được người chơi cây cảnh yêu thích. Từ vài hộ trồng đào để làm cảnh, đến nay số hộ trồng đào ở Nam Anh đã lên đến hàng trăm hộ, với số lượng lên đến hàng nghìn gốc. Trồng đào giờ không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn tạo thu nhập rất lớn cho nhiều hộ dân ở đây.
Có thể nói, xã Nam Anh được hưởng lợi nhờ địa hình đồi núi dạng bán sơn địa và địa tầng đất lại rất phù hợp cho cây đào phát triển. Trước đây, đào mọc tự nhiên trên núi người dân gọi là đào dại, mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhiều gia đình lên núi chặt đào dại về chơi trong dịp Tết. Có người chặt thử đào dại trên núi mang xuống Hưng Nguyên, hoặc TP Vinh bán và thu được khá nhiều tiền. Từ đó, người dân lên núi mang đào mọc tự nhiên về vườn ươm trồng và chăm theo kiểu công nghiệp, trồng thành vườn có tới vài ba trăm gốc. Sau đó, người dân đi tìm cây đào trên núi cao về thâm canh, rồi qua kinh nghiệm, có thể chăm cho cây tốt, hoặc hãm cây đào lớn vừa phải và cho trổ hoa đúng lúc để bán nhân dịp Tết cổ truyền. Tại xã Nam Anh hiện nay, nghề trồng đào để kinh doanh trong dịp Tết cổ truyền ngày càng được nhân rộng trong toàn dân, gia đình ít thì vài chục gốc, nhà nhiều thì vài, ba trăm gốc. Mỗi cành đào phai, rẻ cũng ba, bốn trăm nghìn đồng, nếu chặt cây tận gốc, cây đẹp có giá từ 1 triệu đồng và có cây thì lên đến 6 hoặc 7 triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng.
Mấy năm gần đây, huyện Nam Đàn có nhiều xã phát triển nghề trồng đào như: Nam Thái, Khánh Sơn, Nam Hưng…. Riêng Nam Anh là xã có các hộ trồng đào nhiều nhất và đã trở thành nghề trồng đào truyền thống. Nhờ vậy, ở Nam Anh số tiền thu được từ bán đào trong ngày Tết khá lớn, Tết cũng vì thế đủ đầy, vui vẻ hơn. Nghề trồng đào phai ở địa phương này cũng ngày càng phát triển mạnh và bền vững hơn.
Lê Hoa