(Congannghean.vn)-Bước vào thềm năm mới 2014, TP Vinh với một diện mạo khang trang, sức vươn của “con rồng” vừa được đánh thức đã tạo nên dáng dấp của một thành phố công nghiệp hóa đạt hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận. Dễ nhìn thấy Vinh đang tăng tốc với khí thế của một đô thị tầm cỡ phát triển theo hướng hiện đại.
Kết thúc năm 2013, TP Vinh đã trải qua 7 năm thực hiện Quyết định 239/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Vinh trở thành trung tâm kinh tế, thương mại của vùng Bắc Trung bộ” đạt nhiều kết quả rất khả quan. Từ thành phố nghèo bị tàn phá trong chiến tranh, Vinh đã vươn lên đô thị loại 2 giàu đẹp với nhiều tòa nhà cao ốc kiểu dáng hiện đại, những khu cao tầng chung cư sang trọng và văn minh. Phải nói rằng, Vinh phát triển nhanh và khá toàn diện. Thành phố đã năng động mang tính trí tuệ, với chiến lược tăng tốc đã chú trọng xây dựng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, cùng với việc quy hoạch một số điểm du lịch cổ và thực hiện các dự án quan trọng về văn hóa, du lịch, kinh tế như: Công viên Thành cổ Vinh, lâm viên núi Quyết, đường du lịch ven sông Lam... Với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đường phố gắn liền với các nút giao thông, cầu vượt, bãi đỗ xe và nâng cao năng lực quản lý vệ sinh môi trường, khách thập phương ngỡ ngàng trước một TP Vinh hiện đại và tráng lệ với Quảng trường Hồ Chí Minh hoành tráng là biểu tượng tự hào của người dân xứ Nghệ, quê hương của Bác Hồ kính yêu. Vinh ngày một hoàn tất là một thành phố hiện đại với môi trường xanh - sạch - đẹp.
TP Vinh với chiến lược tăng tốc phát triển kinh tế trong năm 2014 |
Điều đáng ghi nhận là năm 2013, trong khó khăn chung của suy thoái kinh tế, nhưng kinh tế thành phố vẫn tiếp tục có bước khởi sắc, tốc độ tăng trưởng đạt 7,6%, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ tăng từ 61,8% lên 63,5%, nông nghiệp giảm từ 1,82% xuống 1,74%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 9.752 tỷ đồng. Đánh giá về mức tăng trưởng kinh tế năm 2013, được thể hiện qua tổng thu ngân sách ước đạt 822 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Có thể nói: TP Vinh đang thay đổi từng ngày trong quyết tâm của mỗi người dân và sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Bên cạnh đó, ý thức người dân được nâng cao. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, năm 2013, người dân thành phố đã góp gần 15 tỷ đồng và hơn 8.000 ngày công lao động; có nhiều gia đình tự nguyện hiến gần 10.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thành phố đã thành công trong phát triển các dự án công nghiệp công nghệ cao với các doanh nghiệp mà tầm quản lý lớn và hiệu quả như: Nhà máy bao bì Sông Lam, Nhà máy dầu Vinh, Nhà máy Bia Rú Mượu, Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan. Cùng với sự ra đời của Khu công nghiệp Bắc Vinh, còn có nhiều cụm công nghiệp nhỏ gồm: Cụm công nghiệp Đông Vĩnh, Nghi Phú, Hưng Lộc. Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ là một thế mạnh của thành phố với hàng loạt các trung tâm quy mô tiêu chuẩn Quốc gia như: Siêu thị BigC Vicentra, siêu thị Intimex, siêu thị Metro.
Nhằm tạo ra diện mạo mới theo hướng xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, Vinh đã mở thêm nhiều tuyến giao thông quan trọng mang tính chiến lược: Đại lộ 3/2, đường Nam Cấm - Cửa Lò, đường ven sông Lam, đường Trương Văn Lĩnh - Cửa Lò, mở rộng đường Vinh - Cửa Hội. Các nhà thầu đang khẩn trương thi công đường Lê Mao kéo dài, nút giao thông Quán Bánh, Quán Bàu và việc cải tạo, nâng cấp Kênh Bắc tạo cho Vinh có một vành đai phía Đông Bắc bao quanh bằng kênh nước kết hợp với tiêu nước ngập về mùa mưa cho thành phố. Song song với việc đó, từng bước nâng cấp Ga Vinh trở thành ga loại 1. Sân bay Vinh trở thành Cảng Hàng không quốc tế, kết nối với các sân bay lớn gồm Sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay nội địa, trở thành các đường bay dân dụng tỏa đi khắp cả nước. Gần đây đã mở tuyến bay mới từ TP Vinh đến thành phố Viêng Chăn (Lào) và từng bước mở rộng đường bay trong địa bàn Đông Dương, tiến tới các châu lục khác. Với cầu Bến Thủy 2 đã hoàn thành, đảm bảo lưu thông các phương tiện giao thông vận tải cỡ lớn tránh đi vào trong thành phố. Cảng Bến Thủy cũng đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển từ Cảng hàng hóa Bến Thủy thành cảng du lịch, dịch vụ với các đoàn tàu du lịch ngược sông Lam và mở đường thủy ra biển Đông.
TP Vinh hôm nay còn là Trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực trí thức quan trọng cho các tỉnh trong khu vực cũng như các nước bạn lân cận. Với 5 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp dạy nghề, hàng năm cho ra trường một lượng sinh viên có kiến thức và tay nghề chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu lao động công nghiệp cho thành phố, cho Nghệ An. Với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố giảm dần số lao động thất nghiệp, mà đặc biệt là sinh viên mới ra trường, trong năm 2013, thành phố đã tạo việc làm mới cho 2.800 lao động. Tuy nhiên, để đánh giá đúng sự thật vẫn còn một số tồn tại mà TP Vinh đang cố gắng vươn tới. Đó là việc phục hồi xây dựng các làng nghề truyền thống, đầu tư để có sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp mang thương hiệu Vinh. Đây là những việc làm vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có hiệu quả kinh tế mà lãnh đạo TP Vinh đang hết sức quan tâm khắc phục, phấn đấu đi lên. TP Vinh còn là trung tâm y tế, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân của vùng Bắc Trung bộ với nhiều bệnh viện lớn, với 100% xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
Bước vào thềm năm mới 2014, Vinh - “Con rồng vừa được đánh thức” đang vươn lên để trở thành đô thị mạnh về mọi mặt, xứng đáng với tầm vóc là trung tâm thương mại, kinh tế của Bắc miền Trung.
.