Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201311/tai-dinh-cu-du-an-ho-chua-nuoc-o-que-phong-di-chang-duoc-o-chang-yen-420302/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201311/tai-dinh-cu-du-an-ho-chua-nuoc-o-que-phong-di-chang-duoc-o-chang-yen-420302/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tái định cư dự án hồ chứa nước ở Quế Phong: Đi chẳng được, ở chẳng yên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 26/11/2013, 08:35 [GMT+7]

Tái định cư dự án hồ chứa nước ở Quế Phong: Đi chẳng được, ở chẳng yên

(Congannghean.vn)-Là dự án có tác dụng tưới tiêu nước phục vụ sản xuất cho 3 bản gồm Mường Hin, Na Dến và một phần bản Long Quang, công trình hồ chứa nước Chăm Bảy thuộc xã Tiền Phong, huyện Quế Phong được hoàn thành và đưa vào sử dụng gần một năm nay.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, có trên 10 hộ dân từng sinh sống xung quanh hồ trước khi triển khai công trình đến nay chưa được tái định cư ổn định, luôn sống trong cảnh bất an và đối mặt với thực tế "đi chẳng được, ở cũng chẳng xong".

Chậm đền bù, giải phóng mặt bằng.

Dự án Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Chăm Bảy, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong được phê duyệt vốn ban đầu là 9.730.000.000 đồng, do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư. Đến năm 2011, được điều chỉnh, bổ sung lên đến 17.256.000.000 đồng. Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật của công trình,Dự án hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân nông nghiệp canh tác khu vực quanh hồ, góp phần nâng cao sản lượng và năng suất, tiến tới xóa đói, giảm nghèo.

Thế nhưng hiện nay, các hộ dân sinh sống xung quanh hồ sau khi đã hoàn thành vẫn chưa được bố trí điểm tái định cư phù hợp, một mặt để người dân ổn định lao động, sản xuất, mặt khác tạo tâm lý yên tâm khi mùa mưa, nước dâng lên tránh bị ngập lụt vườn tược, gia súc, gia cầm và đe dọa tính mạng con người.

Ngày 15/11, chúng tôi thực tế tại công trình, đứng trên bờ hồ chứng kiến một cảnh tượng đáng lo ngại. Dù công trình hồ chứa nước đã hoàn thành nhưng có nhiều hộ dân còn sinh sống sát bờ hồ, nơi chỉ cách vườn nhà chừng 5 - 7 m.

Ông Lương Văn Bảy (64 tuổi) ở xóm Ná Cộn, Mường Hin cho biết: "Cách đây gần 2 năm, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện có xuống đo đạc đất đai của gia đình và kiểm kê tài sản gồm đất ở, nhà, ao, cây cối và được áp giá khoảng 110.000.000 đồng. Vì lợi ích của công trình, gia đình đồng ý thu dọn một số diện tích như ao, cây cối, chuồng trâu, bò để đảm bảo thể tích nước theo đúng khả năng cao trình như Dự án duyệt. Thế mà đến nay, gia đình cũng chưa được nhận một đồng nào".

Theo tìm hiểu của P.V, liên quan việc di dời để tái định cư cho hồ chứa nước này có 12 hộ dân với trên, dưới 60 nhân khẩu, nhưng mới chỉ có 4 hộ (Lương Văn Xuyên, Lô Văn Liễu, Lô Văn Quốc và Lô Văn Dũng) được nhận tiền đền bù, còn lại là chưa được nhận, có hộ nhận nhưng chưa đủ, mới chỉ được nhận một nửa. Chẳng hạn như hộ anh Lô Văn Quốc, tổng giá trị tài sản là 85 triệu đồng nhưng mới nhận được 42 triệu đồng.

Vừa khó khăn về đời sống, hiện tại lối đi của các hộ dân cũng không còn vì đường cũ nay đã bị bờ kè của hồ nước chặn ngang

Chờ mãi không được, hỏi thì cán bộ UBND huyện trực tiếp làm việc nói đang chờ bổ sung giai đoạn 2. Tiền đền bù chưa có, đồng nghĩa họ chưa được tái định cư về nơi ở mới khiến cho cuộc sống rất bấp bênh. Thậm chí, hiện 2/3 số hộ sinh sống gần nhau cũng không có lối đi sau khi bàn giao đất cho Dự án, buộc họ phải đi qua sân nhà nhau, phương tiện đi lại phải gửi nhà hàng xóm, rất phiền phức.

Khó xác định nguồn gốc đất, thiếu vốn?

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Võ Khánh Toàn lý giải khi nói về những bất cập này: Nguyên nhân dẫn đến các hộ dân chưa được tái định cư chủ yếu do thiếu vốn và cũng do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất để giải quyết. Theo ông Toàn, ngay khi công trình bắt đầu triển khai, cùng với việc đo đạc xác minh đất và tài sản, phía đơn vị thi công đã sẵn sàng "nhận" giúp không công là san ủi một số mặt bằng để các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới và cả tuyến đường để đi lại nhưng người dân không đồng ý với lý do là khi nào có tiền đền bù mới chịu đi.

Trước tình hình này, xã đã kiến nghị bằng văn bản lên huyện (chủ đầu tư), nhưng do nguồn vốn có hạn nên phải cầm chừng chờ kinh phí giai đoạn 2 rót về. Thực tế là một số hộ có ảnh hưởng trực tiếp (sát hồ nước - P.V) và cả số hộ đã nhận được tiền nằm trong diện di dời nhưng còn phát sinh về nguồn gốc đất thời điểm trước và sau Luật Đất đai có hiệu lực.

Khi được hỏi, nếu tình trạng hộ dân "cố thủ" không chịu di chuyển do khách quan và chủ quan sẽ dẫn đến tính mạng, tài sản bị đe dọa, nhất là vào mùa mưa bão, nước lên xuống bất thường thì trách nhiệm địa phương như thế nào trong việc này? Ông Võ Khánh Toàn cho hay: Hiện tại, ở giai đoạn 1 thì bể nước đều mở trong trạng thái điều tiết nên sẽ không ảnh hưởng đến dân.

Chờ khi nào huyện trực tiếp giải quyết xong, tiến hành giải phóng mặt bằng thì sẽ tổ chức đóng nước, còn thời gian đến khi nào thì chưa biết. Từ đây một vấn đề nảy sinh, đó là công trình sẽ không phát huy được tác dụng nếu các hộ dân chưa di chuyển để tích nước và ngược lại, tính mạng của họ cũng bị đe dọa nếu cứ kéo dài thời gian sinh sống ở đây, trong khi khoảng cách giữa hồ nước và dân cư lại gần, tiềm ẩn mất an toàn.

Qua tìm hiểu, trước khi lập Dự án theo Quyết định 551/QĐ.UBND.NN của UBND tỉnh chỉ tạm tính số tiền đền bù, GPMB là 500 triệu đồng, nhưng khi thực hiện lên tới hơn 2 tỷ đồng. Vì chưa có kinh phí đền bù GPMB nên hiện tại các hộ dân vẫn ở lại trong lòng hồ chưa thể tái định cư được. Để đảm bảo tái định cư thì cần số tiền trên 2,5 tỷ đồng.

Theo ông Sầm Bá Tuấn - Trưởng phòng Tài chính và ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi Dự án được điều chỉnh năm 2011 (tăng gần 6 tỷ) thì nguồn vốn gặp khó khăn. Hiện tại, qua xem xét và đã được cấp trên phê duyệt đồng ý bố trí sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn vốn 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo) 2 tỷ đồng để trả nợ tiền giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Khi có vốn, chắc chắn sẽ đẩy nhanh được tiến độ, giải quyết bất cập lâu nay.

Rõ ràng, chủ trương về nguồn vốn đã được quan tâm, vấn đề còn lại là sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan để sớm "giải thoát" các hộ dân ra khỏi nguy cơ tai nạn và đảm bảo cuộc sống lâu dài cho nhân dân. Thực trạng này xin gửi đến các cấp, ngành huyện Quế Phong và tỉnh Nghệ An. Mong rằng, người dân không phải sống mãi trong cảnh bất an, "sống dở, chết dở"!

.

Xuân Thống

.