Truyền thống vươn khơi bám biển
Biển Nghệ An rộng 4.230 hải lý vuông, bờ biển dài 82km từ huyện Quỳnh Lưu cho tới Cửa Lò, Cửa Hội. Cùng với 7 cửa lạch đã bồi đắp, tích tụ, hình thành nên những nơi neo đậu tàu thuyền, buôn bán thuỷ hải sản của ngư dân từ bao đời nay.
Tôi đã từng có dịp lang thang dọc dài bãi biển Quỳnh Phương cho tới Quỳnh Long, Quỳnh Thuận… vào mỗi độ bình minh. Nơi ấy, hiện lên từng đoàn thuyền đánh cá ngoài khơi xa nối đuôi nhau nhộn nhịp cập bến. Cảnh người dân í ới gọi nhau trên bến, dưới thuyền làm náo nhiệt cả một vùng biển Quỳnh.
Họ rám nắng, vạm vỡ trên những tay chèo nơi cửa biển, cả vùng trong lộng, ngoài khơi để chở đầy ghe thuyền ánh bạc của cá, tôm lấp lánh. Họ miệt mài, bám biển như thể ruột rà của mình không thể chia cắt, rời xa. Và, cũng từ biển đã trở thành nơi nuôi sống bao kiếp người.
Ngư dân xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) đón Tết cổ truyền ngay trên tàu thuyền của mình
Trong chiến tranh, những ngư dân Nghệ An vẫn kiên cường bám biển vừa nhanh tay lưới, chắc tay súng một thời góp phần cung cấp lương thực cho bộ đội, dân quân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngư dân là những dân quân du kích sẵn sàng cầm súng, giữ vững trận địa pháo đánh trả tàu chiến Mỹ xâm hấn bờ biển.
Truyền thống năm xưa vẫn còn lưu giữ sâu đậm vào tâm trí của ngư dân Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò. Thời bình, vẫn nghề chài lưới, họ lại đoàn kết cùng nhau đóng mới thuyền bè, thành lập các tổ hợp đánh bắt ngoài khơi xa.
Đến bây giờ, khi gặp lại Trung đội trưởng nữ dân quân pháo 12ly7 tầm thấp Trần Thị Thao ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), nay tuổi đã lên chức bà nhưng khi nhắc lại thời chống Mỹ, chị vẫn không quên hào khí năm xưa. Chiến tranh kết thúc, cùng với người dân địa phương, chị Thao tham gia vào hợp tác xã đánh bắt thuỷ hải sản rồi trở thành bà chủ của xưởng nước mắm nức tiếng trong vùng.
“Ngày ấy, bất kể nam hay nữ, chúng tôi gồm 25 người gia nhập dân quân rồi được biên chế vào Đại đội 49B thuộc Tỉnh đội Nghệ An cùng phối hợp chiến đấu chống tàu biệt kích và không quân Mỹ giai đoạn 1964 - 1973. Vừa đánh trả giặc Mỹ, vừa bảo vệ ngư dân bám biển đánh bắt hải sản. Khó khăn, gian khổ nhưng ai cũng một lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc” - Chị Thao nhớ lại.
Điểm tựa cho ngư dân
Nhiều năm nay, cùng với các chính sách khuyến khích bà con đầu tư máy móc, thuyền bè có công suất lớn, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển luôn sát cánh cùng với ngư dân trên biển. Họ luôn là điểm tựa để cùng với ngư dân bám trụ trên những hải trình dài ngày, ra lộng, vào khơi.
Có lúc mưa bão, có lúc ngư dân gặp nạn trên biển, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển Việt Nam đã có mặt kịp thời để ứng cứu khi sự cố xảy ra. Biên phòng Quỳnh Phương, Quỳnh Thuận, Diễn Thành, Cửa Lò… đứng chân theo dọc dài 82km bờ biển Nghệ An đã cùng với ngư dân giữ vững, bảo vệ vùng trời, vùng biển thân thương của Tổ quốc.
“Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vùng biển được 11 đợt. Đồn còn phối hợp với các lực lượng chức năng sử dụng phương tiện ca nô tuần tra, kiểm soát tại 2 cửa lạch, góp phần đảm bảo ANTT khu vực ven biển.
Ngoài ra, Đồn còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong tác chiến phòng thủ, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động của tội phạm, giữ vững ANTT trên vùng biển và địa bàn phụ trách.
Đặc biệt, Đồn còn tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ làm tốt công tác nắm tình hình trên biển theo sự chỉ đạo của cấp trên” - Đại uý Đậu Đình Thành, Đồn phó Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết. Không chỉ làm tốt công tác nắm tình hình trên biển, cùng với các lực lượng chức năng, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận còn làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển theo các kế hoạch đã được vạch sẵn có tính hiệu quả cao.
Đồn luôn tổ chức quán triệt đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch hướng dẫn của cấp trên và duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Hơn nữa, để đảm bảo thông tin liên lạc, ứng cứu ngư dân trên biển, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã giữ vững thông suốt trên tất cả các phương tiện vô tuyến điện, hữu tuyến điện, ICOM, fax… Với những việc làm trên, các Đồn Biên phòng đứng chân nơi cửa biển thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển.
Nói về tình hình ngư dân tham gia đánh bắt thuỷ hải sản trên biển, ông Hồ Ngọc Trung, Bí thư Đảng uỷ xã Quỳnh Phương trao đổi: Trong thời gian qua, cùng với việc khuyến ngư, hỗ trợ bà con đóng mới tàu thuyền, chài lưới, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã có nhiều ý kiến tham mưu với địa phương để làm tốt công tác nắm bắt tình hình trên biển.
Hiện nay, địa phương chúng tôi đã nâng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ lên trên 600 phương tiện với tổng công suất gần 40.000CV, trong đó có khoảng 2/3 phương tiện đảm bảo đánh bắt xa bờ, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động địa phương. Đặc biệt, hiện nay xã có gần 100 tàu thuyền có công suất lớn được đăng ký, cấp phép tham gia khai thác hải sản ở vùng đánh cá chung của quốc tế. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm tham gia đánh bắt hải sản ở những ngư trường lớn, hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ hỗ trợ ngư dân đánh bắt thuỷ hải sản trên biển, cùng với Nghi Lộc, Diễn Châu, Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu hiện nay còn đầu tư, xây dựng nhiều xưởng đóng tàu và sửa chữa thuyền bè do chính những ngư dân vùng biển tự đứng ra làm chủ.
Những ngày cuối năm, về vùng biển Quỳnh Lưu, ngay từ chân cầu qua xã Quỳnh Nghĩa đã nghe râm ran những tiếng đục, đẽo của xưởng đóng tàu thuyền Hồ Văn Huyền. Cùng với hàng chục công nhân là những tay thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm, anh Huyền đang hối hả, đốc thúc anh em nhanh tay hoàn thiện những chiếc tàu có công suất hàng trăm CV kịp hạ thuỷ trong năm mới này. Bên ấm nước chè xanh còn ấm nóng, anh Huyền xởi lởi: “Nghề đóng tàu thuyền ở Quỳnh Nghĩa có từ bao đời nay. Khi sinh ra, tôi đã được theo cha đi học nghề đóng tàu thuyền.
Có những chiếc thuyền lớn cũng được người dân trong làng làm ra để bám biển những năm chống Mỹ. Bây giờ, tôi phải giữ cái nghề này, hơn nữa cũng tạo công ăn việc làm cho con em trong vùng và góp phần cùng ngư dân quê mình tham gia đánh bắt hải sản trên biển hiệu quả hơn”.
Không chỉ có làng nghề đóng tàu Phú Nghĩa, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), ở Nghệ An còn có làng đóng tàu Trung Kiên, Áng Độ (Nghi Lộc), Lộc Châu, Vạn Lộc (Cửa Lò), Châu Hưng, Do Lễ (Hưng Nguyên).... có lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Thuyền là nhà, biển cả là quê hương, tự bao đời nay, ngư dân đã thuỷ chung, gắn bó sắt son với biển. Và, cùng với cả nước, ngư dân Nghệ An đã kiên cường bám biển, mang về tôm cá đầy khoang. Họ chính là một trong những lực lượng chính góp phần bảo vệ biển, đảo thân thương của Tổ quốc.
Ngọc Thái
.