Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201301/25843-may-che-giang-nua-da-nang-392858/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201301/25843-may-che-giang-nua-da-nang-392858/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Máy chẻ giang nứa đa năng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 28/01/2013, 08:59 [GMT+7]
25843

Máy chẻ giang nứa đa năng

 Bấm Play để xem video. (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình). Nguồn: VTV
“Cái khó ló cái khôn”

Nghề đan phên phơi miến, bánh đa… ở Hiệp Đồng có từ xưa. Gọi là nghề phụ nhưng công việc này mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Sau những ngày cấy hái, đàn ông lại lên vùng rừng núi mót tre, nứa. Khi còn nhỏ, ông Bùi Văn Dự, chủ nhân của chiếc máy chẻ nan, lột nứa cũng thường xuyên theo bố rong ruổi khắp nơi tìm kiếm vật liệu về đan phên. Đến lúc ông lập gia đình thì đây vẫn là nghề kiếm cơm nuôi 7 miệng ăn. “Thời đó đi lại khó khăn, phương tiện chính là những chiếc xe đạp thô sơ. Chuyến đi ngắn cũng mất vài ba ngày, còn đi Thái Nguyên, Tuyên Quang hay Bắc Kạn có khi đến hàng tuần”, ông Dự kể lại những ngày gian truân.

Thời gian đầu, ông thường chặt nứa thành từng đoạn rồi bó lại chở về nhà. Nhưng cách này tốn sức, mất thời gian vì chỉ dùng cật nứa để đan phên, còn phần ruột không dùng. Sau đó, ông nghĩ ra cách chẻ nan, lột nứa tại rừng đến khi đủ nguyên liệu đan 100 tấm phên thì đạp xe chở về. Vất vả là thế nhưng gia đình vẫn túng thiếu mọi bề. Nhìn vợ con lam lũ, ông Dự nhiều đêm trăn trở nghĩ cách nâng cao năng suất lao động, làm giàu bằng chính nghề đan phên.

Ý tưởng sáng tạo đến bất ngờ khi ông thấy vợ chẻ rau muống. Ông tự đặt câu hỏi tại sao không làm một con dao chẻ nứa cũng chỉ cần một lần nhưng được nhiều phần đều nhau. Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông Dự cũng sáng chế được loại dao chuyên dụng. “Loại dao này có lưỡi dài 50cm, rộng 5cm, cắt thành 10 đoạn, chụm với nhau theo đường kính hình tròn, tụ lại ở tâm. Đầu ngoài hàn liền vào một vòng sắt kiểu bánh xe cải tiến. Bên ngoài vành sắt hàn hai đoạn ống sắt đối xứng làm tay cầm”, ông Dự cho biết.

Theo ông, chỉ cần đặt dao vào đầu ống nứa, dùng sức tì xuống là cây được chẻ ra thành nhiều phần. Hiện, một bộ dao của ông có 9 kích cỡ khác nhau, chẻ được từ 8 – 17 nan. Với loại dao chuyên dụng này, một người có thể bổ được 100 cây nứa chỉ trong 10 phút.

Công đoạn chẻ nan đã đạt “tốc độ” cao, nhưng người dân vẫn phải oằn mình cầm dao lột, vót nan hàng giờ. Điều này khiến ông Dự lại nghĩ cách khắc phục. Ông mừng quýnh khi nhớ ra chiếc máy lột cọ ở vùng Chiêm Hoá (Tuyên Quang) thường thấy mỗi lần lên đó kiếm nguyên liệu. Ông liền trở lại Tuyên Quang tìm mua một chiếc về sử dụng. Nhưng cho nứa vào chạy thì máy lại “chết” khi đến đoạn mấu nan.

Thế là ông Dự ngày đêm nghĩ cách cải tiến máy. Ông loay hoay tháo chỗ này, ghép chỗ kia, thêm bộ phận này, bớt chi tiết kia đến nỗi anh thợ máy cùng thôn cũng phải… “chào thua”. Nghiền ngẫm nhiều, chỉnh sửa mãi, cuối cùng ông cũng cải tiến thành công chiếc máy lột cọ sang lột nan nứa. Bí quyết thành công của ông là thay 3 chiếc ốc giữ thân máy cố định của máy lột cọ bằng ốc có lò xo. “Khi gặp mấu nứa, thân máy bị đè xuống, lò xo ép lại, điểm tiếp giáp giữa đĩa sắt và lô con mở ra cho mấu qua. Mấu qua xong, lập tức lò xo đẩy nâng thân máy lên, ép trở lại, tạo ra một quy trình tự động mở, ép của máy trong quá trình lột nan nứa”, ông Dự diễn giải.

Từ ngày bộ máy chẻ nan, lột nứa ra đời, người làm nghề đan phên ở Hiệp Đồng đỡ vất vả hơn, năng suất lao động được cải thiện. Được sự hỗ trợ của ông Dự, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có của ăn của để.

Làm giàu với công nghệ tiên tiến

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Đàm Khắc Huỳnh, một trong những hộ điển hình làm giàu từ nghề đan phên ở Hiệp Đồng. Ngồi trước cửa nhà, anh Huỳnh tỉ mẩn bên chiếc máy nhỏ gọn lột từng chiếc nan. Chỉ khoảng 1 phút, 80 chiếc nan được máy bóc tách thành 2 phần riêng biệt, ruột ra ruột, cật ra cật. Vợ anh túc trực gần đó luôn tay ôm nan đem đi phơi. Ở cuối sân, hai cậu bé lứa tuổi thiếu niên tranh thủ ngày nghỉ đang hăng hái cầm dao bổ nứa giúp bố mẹ. Anh Huỳnh cho biết: “Nhờ có bộ máy chẻ nan, lột nứa mà năng suất lao động tăng cao. Gia đình tôi phải khoán thêm 30 người trong thôn đan phên hàng ngày để kịp giao hàng cho khách. Trước đây, thu nhập bình quân của cả gia đình chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày, từ khi có bộ máy này, gia đình thoát khỏi cảnh tù túng, xây được nhà hai tầng khang trang, thu nhập mỗi ngày tăng lên 400.000 -500.000 đồng”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngoan, Phó chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Hiệp Đồng, từ ngày có bộ máy do ông Dự sáng chế, nhiều hộ chuyển nghề chính sang làm phên. Còn những gia đình trồng nhiều lúa, rau thì tranh thủ lúc nông nhàn cũng làm thêm để tăng thu nhập. Bà Ngoan nhẩm tính: Tranh thủ buổi trưa và tối vừa xem phim vừa ngồi đan, mỗi người làm được 6 chiếc phên. Những ngày trời mưa không ra đồng, ở nhà đan phên cũng có thêm 50.000-70.000 đồng. Hay như vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Dinh Đồng, năm nay đã ngoài 70 tuổi, vẫn tham gia đan phên, thu nhập 70.000 – 80.000 đồng/ngày.

Với bộ máy chẻ nan, lột nứa, ông Dự đã giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ IV. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều người ở các nơi gọi đến đặt mua máy. Ông vui vẻ nhận lời rồi hướng dẫn sử dụng qua điện thoại.

Thị trường tiêu thụ phên cũng từng ngày được mở rộng. “Tôi vừa tiếp cận thị trường ở Tuyên Quang, cử một người mang máy móc lên đó làm. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các công đoạn tại vùng giàu nguyên liệu đan này, sau khi thành phên mới chở về. Như vậy sẽ giảm được chi phí vận chuyển”, ông Dự khoe.


T.H
.