Ngày 21/4/2009, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định 1479 về việc cho phép lập dự án: Xây dựng mẫu các khu tái định cư cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương.
Theo quyết định này thì gần 300 hộ dân chài ven sông Lam sẽ được bố trí tại khu tái định cư Khe Mừ (xã Thanh Thủy) và khu tái định cư Triều Dương, xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Năm 2010, dự án chính thức được khởi công, do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, số vốn ban đầu được duyệt là 74 tỷ đồng, sau khi điều chỉnh quy hoạch lần hai tổng mức dự án đã lên gần 84 tỷ đồng.
Để triển khai dự án khu tái định cư Khe Mừ, chủ đầu tư đã tiến hành thu hồi gần 300 ha đất sản xuất của 49 hộ dân. Trong số các hộ dân này, chủ yếu là công dân xã Thanh Thủy, số ít còn lại là công dân các xã Thanh An, Thanh Khê, Thanh Chi… của huyện Thanh Chương. Sau khi có chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, người dân có đất sản xuất tại khu vực Khe Mừ (xã Thanh Thủy) đã nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, nhanh chóng thu hoạch hoa màu, sản vật trên đất… sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Một góc khu đất Khe Mừ đang thi công dở dang dự án tái định cư dân vạn chài
Đồng thời, chủ đầu tư và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Thanh Chương cũng chi trả số tiền đền bù cây cối, hoa màu và tài sản trên đất cho người dân. Thế nhưng, riêng phần hỗ trợ về đất sản xuất cho người dân thì gần 3 năm trôi qua, họ chưa hề nhận được một khoản tiền nào.
Theo đơn kiến nghị của các hộ dân thì họ sử dụng đất làm trang trại đều có sự cho phép của chính quyền địa phương xã Thanh Thủy, quá trình lao động sản xuất không hề có tranh chấp khiếu nại. Hiện tại, có 4 hộ sử dụng đất từ ngày 6/6/1999, gồm các ông, bà: Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Thanh Tư, Trần Đức Cầm, Hồ Sĩ Diếu.
Các hộ này đang có “Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất” rõ ràng. 9 hộ dân khác gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Sĩ Thành, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Văn Hạng, Nguyễn Thị Hóa, Nguyễn Quốc Giáp, Hoàng Văn Trinh, Phạm Văn Quang, đã sử dụng đất trước thời điểm ngày 1/7/2004 (thời điểm khu vực Khe Mừ được khảo sát quy hoạch thành khu tái định cư - PV).
Nhưng những hộ dân này hiện đã bị thất lạc giấy tờ nên sau này mới xin UBND xã Thanh Thủy xác nhận lại thời điểm sử dụng đất. Ngoài ra, các hộ dân còn lại đều sử dụng đất từ sau thời điểm ngày 1/7/2004.
Ông Nguyễn Sĩ Bình và ông Phan Văn Hiền, đại diện cho các hộ dân nhiều lần gửi đơn lên cơ quan chức năng
Trong số các văn bản trả lời của cơ quan chức năng, đáng chú ý là Công văn số 272, ngày 16/2/2012 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND huyện Thanh Chương với nội dung: “Các trường hợp sử dụng đất sau ngày 1/7/2004 không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) theo quy định tại khoản 5, điều 5 và khoản 2, điều 8 của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh Nghệ An”.
Ông Hoàng Đình Hùng, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, thành viên Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng Dự án tái định cư Khe Mừ cho biết: Nếu thực hiện theo công văn này, sẽ là một cách làm khó đối với Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư, cũng như một sự làm khó đối với người dân.
Bởi vì, việc khai khẩn làm trang trại của người dân chủ yếu là họ dùng sức người, sức kéo gia súc cày xới, san lấp trong nhiều năm. Vì vậy, người dân không thể cung cấp được hóa đơn, chứng từ để trình ra cơ quan chức năng như yêu cầu của công văn nêu trên.
Hiện nay, dự án xây dựng khu tái định cư cho dân vạn chài tại Khe Mừ (Thanh Thủy) đã chậm tiến độ hoàn thành so với dự kiến. Nếu việc chi trả tiền hỗ trợ đất sản xuất cho người dân không được giải quyết ổn thỏa thì việc khiếu nại của người dân sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình thực hiện dự án.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Ngân - Trưởng phòng TNMT huyện Thanh Chương nói: Vấn đề này, chúng tôi đang phối hợp với chủ đầu tư để sớm giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ cho người dân.
Tuy nhiên, phía UBND huyện Thanh Chương chỉ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chứ không có nguồn để chi trả, việc chi trả phụ thuộc vào chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn của tỉnh. Khi người dân và chủ đầu tư thống nhất được mức giá hỗ trợ phù hợp, chúng tôi sẽ làm công văn đề xuất lên UBND tỉnh xin ý kiến. Mọi hồ sơ, thủ tục sẽ tập trung giải quyết cho người dân một lần, chúng tôi không thể làm riêng lẻ từng hộ.
Thiết nghĩ, việc hỗ trợ tiền đất sản xuất bị thu hồi cho người dân là chính đáng. Mong rằng, các ngành chức năng liên quan cần có phương án giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho những hộ dân theo quy định của Nhà nước.
Trần Đức Thắng
.