Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh kiểm soát và đưa vào nền nếp công tác quản lý giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm là việc không để chậm trễ. Ảnh: VGP/Từ Lương |
Hội nghị đã đánh giá toàn bộ thực trạng, khó khăn và nêu các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý , kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trong cả nước.
Đánh giá tổng thể thực trạng
Cả nước hiện có 28.285 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó 12 tỉnh, thành phố phía Bắc đã có tới 11.485 điểm giết mổ.
Trên cả nước, mới có 37/63 tỉnh, TP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Các địa phương khác chưa thực hiện hoặc đang thực hiện quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm. Quá trình kiểm tra thực tế cho thấy, đại đa số các địa phương phía Bắc và một số tỉnh miền Trung đều ở tình trạng “ quy hoạch treo” đối với việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, số lượng cơ sở/điểm giết mổ tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ đạt tỷ lệ tới 88%, trong khi công tác quản lý giết mổ tại các tỉnh phía Bắc còn rất nhiều yếu kém.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cùng một hệ thống pháp luật để xử lý chung cho bài toán giết mổ, vận chuyển gia súc lại có 2 bức tranh hoàn toàn trái ngược nhau. Miền Đông Nam Bộ đã kiểm soát rất hiệu quả (với tỷ lệ 88%), trong khi đó các tỉnh miền Bắc lại để việc này ngoài tầm kiểm soát của chính quyền các cấp. Đấy là vấn đề cần có câu trả lời.
Việc vận chuyển thịt cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Thực tế cho thấy, việc vận chuyển gia súc, gia cầm ở 12 tỉnh/TP trọng điểm phía Bắc tiêu thụ chủ yếu sử dụng bằng xe gắn máy và không đảm bảo yêu cầu VSATTP, chỉ có 5/12 địa phương có một số cơ sở giết mổ cung cấp thịt cho các siêu thị, khách sạn sử dụng xe lạnh. Thịt lợn thường vận chuyển nguyên cả thân thịt bằng xe gắn máy ngoài đường, không có thùng kín, ô nhiễm bụi bẩn; thịt gà và thịt bò được để trong các thùng, sọt… Do đó, không đảm bảo vệ sinh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm một cơ sở nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt lợn tại Bình Lục, Hà Nam tháng 7/2012. Ảnh: VGP/ Từ Lương |
Giải pháp xử lý
Nêu ý kiến chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh kiểm soát và đưa vào nền nếp công tác quản lý giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm là việc phải làm ngay, không để chậm trễ. Đây là việc có liên quan trực tiếp đến bữa cơm của từng gia đình.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP Hà Nội, cần có văn bản quy định hướng dẫn các lực lượng chức năng xử phạt tại chỗ đối với những trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm vi phạm VSATTP trên đường phố. Bên cạnh đó cần gắn gợi ích của người kinh doanh giết mổ, của người dân sử dụng và của chính quyền địa phương. Từ đó tạo ra sự đồng hướng lợi ích trong việc xử lý dứt điểm bài toán này.
Các địa phương chưa có quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm phải khẩn trương xây dựng và hoàn thành trước 31/3/2013. Các địa phương đang chuẩn bị quy hoạch này hoàn thành trước 31/12/2012.
Hà Nội và 11 địa phương lân cận và 4 Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Y tế và Công an phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác kiểm soát, kiểm dịch giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.
Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ KHCN nghiên cứu sản xuất xe thiêu hủy thịt gia súc, gia cầm lưu động, từ đó hạn chế mức thấp nhất việc chôn lấp thịt thối, thịt không kiểm dịch như hiện nay.
Đối với các địa phương, cần có phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ thú y trong việc kiểm soát việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP. Hà Nội khẩn trương giao chỉ tiêu cho các quận, huyện nhằm xóa dần và giảm các điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các ngõ, xóm.
Đối với chợ đầu mối Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội), Phó Thủ tướng giao UBND Hà Nội, Bộ NN&PTNT, Công Thương, Công an thống nhất các biện pháp quản lý, nêu các phương án xử lý trong tháng 11/2012 trình Phó Thủ tướng xem xét trên tinh thần xiết chặt, quản chặt những mô hình tương tự trong suốt năm 2013 để tạo đà kiểm soát các loại chợ đầu mối này góp phần giúp Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước ngăn chặn gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch có cơ hội phân phối trên thị trường.