Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201205/19983-phai-lieu-thi-moi-giau-duoc-397556/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201205/19983-phai-lieu-thi-moi-giau-duoc-397556/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phải “liều” thì mới giàu được - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 07/05/2012, 14:20 [GMT+7]
19983

Phải “liều” thì mới giàu được

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tuổi thơ của Hoàng Văn Thanh rất cực nhọc. Khi bước vào độ tuổi đến trường cũng là lúc anh bắt đầu lao động để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Anh đến xin phụ việc cho các xưởng mộc, các xưởng đóng tàu thuyền trong xã.
 
Lúc bấy giờ tuy còn ít tuổi nhưng anh đã tìm thấy niềm đam mê ở những con tàu, những bộ bàn ghế, những cái tủ được chạm trổ đẹp mắt dưới bàn tay tài hoa của những người thợ. Thế là, từ chỗ phụ việc, anh đã tìm cách để học hỏi kinh nghiệm, bí quyết làm mộc của những người thợ giỏi. Khi mới bắt đầu học việc, nhiều lúc anh cũng thấy nản chí bởi chỉ cần không tập trung một tí, hơi quá tay một tí là sản phẩm coi như hỏng. Thế nhưng, niềm đam mê đã tiếp thêm sức mạnh để sau mỗi lần thất bại, anh lại chịu khó hơn, tỉ mỉ hơn trong mỗi lần đục, đẽo, lắp ráp, chạm trổ ngọc trai...
 
Học đến lớp 6 thì anh nghỉ học bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Từ đây, anh quyết tâm chọn nghề mộc làm cái nghiệp của mình. Trải qua hàng chục năm vừa làm, vừa học hỏi, anh đã dần chín chắn hơn trong nghề, đã có thể tự mình sáng tạo ra những sản phẩm tinh xảo và độc đáo. Niềm đam mê với nghề đã thôi thúc anh đi đến một quyết định liều lĩnh mở cơ sở sản xuất của riêng mình.
 
Sở dĩ mọi người cho đó là quyết định liều lĩnh bởi lúc này anh chỉ mới 21 tuổi - cái tuổi mà hầu hết bạn bè đồng trang lứa đang mải miết đèn sách hoặc học nghề để mong chọn cho mình một tương lai tốt. Và cái "liều" lớn nhất là tiền đâu ra để mở xưởng?
 

Cơ sở sản xuất của anh Thanh tạo công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều lao động
 
Biết rằng đang liều nhưng Hoàng Văn Thanh không cho phép mình chùn bước. Anh chạy vạy ngược xuôi, mượn anh em, mượn bè bạn, vay ngân hàng... mới có được một khoản tiền để mở một cái xưởng nhỏ. Tại cơ sở sản xuất của mình, anh đã đầu tư nhiều công sức và thời gian để làm ra những sản phẩm đẹp và chất lượng. Bắt đầu tạo được uy tín đối với khách hàng, anh lại "liều" thêm một lần nữa khi quyết định thành lập Công ty TNHH Hoàng Anh.
 
Lần này số vốn đầu tư lớn gấp chục lần so với lần trước, thợ biết làm nghề cũng không có... Bên cạnh đó, lúc này, hàng loạt các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Nghệ An gặp khó khăn về thị trường đầu ra, sản phẩm làm ra không thể xuất kho, phải cắt giảm lao động; thậm chí có doanh nghiệp chế biến gỗ bị phá sản... Thế nên, ai cũng bảo anh "khùng".
 
Thế nhưng chàng trai "khùng" ấy đã thành công ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Sau thời gian trải nghiệm, tìm kiếm thị trường, linh động trong khâu quảng bá sản phẩm, anh đã đầu tư thêm trang thiết bị máy móc và cho ra đời nhiều mặt hàng phong phú về hình thức và mẫu mã; các sản phẩm làm ra phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
 
Bởi vậy, mặc dù rất nhiều cơ sở có tiếng lâu đời ở địa phương cạnh tranh nhưng công ty của anh đã được nhiều khách hàng tìm đến, trong đó phải kể đến một số công trình như: Xây dựng hệ thống Nhà sàn, đồ dùng nội thất tại Bãi Lữ (Nghi Lộc); sân Gôn (Cửa Lò); Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán Nhà nước; Bưu chính viễn thông Nghệ An…
 
Hiện nay, cơ sở đóng tàu và sản xuất mộc của anh Thanh thu nhập trung bình 400 triệu - 500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 người, có thời điểm lên đến 50 lao động. Tiền công thợ là 6 - 7 triệu đồng/người/tháng - cao hơn rất nhiều so với những cơ sở khác. Đối với nhân công của mình, điều anh yêu cầu đầu tiên khi đến nhận việc là phải thực sự tận tụy, chịu khó trau chuốt cho sản phẩm của mình, tỉ mỉ trong từng đường cưa, nét vẽ, chạm khắc...
 
Đi lên từ hai bàn tay trắng, Hoàng Văn Thanh đã trở thành một điển hình về thanh niên làm kinh tế giỏi. “Liều” chỉ là một phần để đưa anh đến thành công, điều quan trọng nhất là anh có niềm đam mê và ý chí để theo đuổi niềm đam mê đó.


Nguyễn Lê
.