Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201205/19951-bai-toan-kho-cua-nganh-y-397585/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201205/19951-bai-toan-kho-cua-nganh-y-397585/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bài toán khó của ngành y! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 06/05/2012, 14:00 [GMT+7]
19951

Bài toán khó của ngành y!

Do cơ sở vật chất xuống cấp, gần đây tình trạng quá tải đang diễn ra phổ biến tại nhiều khoa của Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An. Bệnh nhân đông, phòng điều trị chật hẹp, nhiều bệnh nhân phải nằm giường kê ngoài hành lang.
 
Đã hai ngày nay, 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Ngân ở TX Thái Hòa phải nằm ở ngoài hành lang Khoa Nhi BV Tây Bắc. Chị bực bội cho biết con chị chỉ bị viêm phổi nhưng vẫn không được cách ly với các bệnh nhi khác. Ba cháu nằm chung một giường, ngay đến chuyện ngủ nghỉ cũng đã khổ sở, chưa nói đến lúc tiêm, truyền thì cháu nằm ngược, cháu nằm xuôi, chật chội bức bối vô cùng. 
 
Tại Bệnh viện Nhi, một trong những bệnh viện chuyên khoa hàng đầu của tỉnh về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, chuyện quá tải đã trở nên quá quen thuộc với các bậc phụ huynh. Chen chúc nhau nạp thẻ BHYT, nạp tiền viện phí, lấy phiếu khám bệnh, kẻ đứng người ngồi la liệt ngóng chờ đến lượt khám.
 
Đưa con đi khám từ sáng sớm, bây giờ đã là chín giờ rưỡi, chị Nguyễn Thị Hiền ở Nam Đàn thở ngắn than dài vì mãi vẫn chưa đến lượt. Con chị bị sốt vi-rút đã mấy hôm rồi, nằm điều trị ở bệnh viện huyện vẫn không đỡ, chị lo lắng quá đành đi vượt tuyến đưa con xuống khám ở đây cho chắc ăn. “Có gì mình đỡ ân hận”, chị Hiền chia sẻ thêm.
 
Còn tại BV Đa khoa Nghệ An, quá tải đã thực sự trở thành nỗi khiếp đảm của người dân khi phải vào bệnh viện. Đặc biệt là ở các khoa Cấp cứu, Chấn thương, Thần kinh, khoa Sản… 2-3 bệnh nhân nằm ngồi chen lẫn cạnh nhau, nói chẳng ngoa, để có được chỗ ngả lưng “thoải mái” trong khi điều trị thì cũng không phải điều đơn giản. Thực tế đó từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với người bệnh mà cả đội ngũ y, bác sĩ. 
 
Bệnh nhân phải nằm tràn ra cả hành lang khoa Thần kinh BV đa khoa tỉnh Nghệ An
 
Tình trạng quá tải đã diễn ra từ năm này qua năm khác ở các bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Nội tiết, BV Lao. Và gần đây nhất là Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
 
Tuy mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2011, nhưng đến nay Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã phải đối mặt với tình trạng quá tải. Bởi hiện tại, qui mô giai đoạn một của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An mới có 50 giường bệnh nhưng luôn phải tiếp nhận và chữa trị cho 80 - 100 bệnh nhân.
 
Với đặc thù của bệnh ung thư là thời gian điều trị dài ngày, điều trị nhiều đợt mà giường bệnh luôn phải nằm đôi, nằm ba nên càng khó khăn cho công tác phục vụ.
 
Phải tận mắt chứng kiến mới thông cảm được nỗi khổ sở của người bệnh ở đây. Trong phòng bệnh không đủ chỗ, bệnh viện phải bố trí đặt giường phía ngoài hành lang. Giường xếp từng dãy dài san sát từ đầu đến cuối hành lang, chỉ trừ lại một lối đi chật hẹp cho các y, bác sỹ làm việc. Chưa hết khổ, do phải nằm giường ghép, khi bệnh nhân truyền dịch cũng không có chỗ để nghỉ ngơi, người này nằm truyền thì người kia phải ôm chai dịch ngồi truyền bên cạnh.
 
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện không chỉ “hành” người bệnh khốn khổ mà thực sự là một gánh nặng cho đội ngũ y, bác sĩ trong việc chăm sóc chữa trị. Quá tải cũng đồng nghĩa sẽ có nhiều nguy cơ sai sót chuyên môn, nhiễm khuẩn bệnh viện, tai biến trong điều trị. Đặc biệt, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và bức xúc trong dư luận nhân dân.
 
Về phía các bệnh viện lại có cách lý giải cho tình trạng này, đó là vì bệnh nhân chưa tin tưởng vào các bệnh viện tuyến dưới, tìm cách vượt tuyến, đi trái tuyến. Bệnh tuy nhẹ nhưng vẫn muốn đến điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh. Nhưng có một thực tế mà các bệnh viện thường né tránh khi nói đến. Đó là quá tải… vì chính các bệnh viện cũng thích quá tải.
 
Quá tải cũng có nghĩa là bệnh viện có uy tín, được người bệnh tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh. Mà đông bệnh nhân đến khám và điều trị cũng đồng nghĩa với doanh thu tăng. Doanh thu tăng thì thu nhập của CBCNV tăng điều đó là đương nhiên. Vì vậy, kêu thì cứ kêu nhưng vẫn thích... quá tải. Chỉ có người bệnh là thiệt đơn thiệt kép!
 
Bác sỹ Bùi Đình Long - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng thừa nhận quá tải là do cơ chế thị trường, nếu bệnh viện không có bệnh nhân thì không có nguồn thu để tái đầu tư trở lại. Theo cơ chế của ngành BHXH, hiện nay bệnh nhân được thanh toán theo chi phí điều trị hàng ngày. Cụ thể, khi bệnh nhân nằm viện sẽ được bác sỹ chỉ định sử dụng càng nhiều thuốc men và triển khai nhiều các dịch vụ càng tốt. Nhất là triển khai nhiều các dịch vụ xét nghiệm thì bệnh viện sẽ càng có lợi, có thêm nguồn thu.
 
Bác sỹ Long cho biết thêm: “Tuy nhiên, không phải đến mức trông cho quá tải nhiều vì quá tải thì cán bộ y tế cũng rất mệt. Chủ yếu chỉ những nhà quản lý bệnh viện đang động viên anh em thu hút bệnh nhân vào, vì nguồn thu của BV sẽ tăng lên kể cả BHYT, viện phí. Điều đó lại mâu thuẫn với giảm quá tải. Tuy nhiên, chỉ có một số BV có điều kiện mới có thể thu hút bệnh nhân. Vì vậy, song song với giải pháp về chuyên môn, chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp về cơ chế chính sách bằng mọi cách chống quá tải”.
 
Xem ra, để giải được bài toán quá tải bệnh viện không hề đơn giản chút nào. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, ngành y tế đang còn rất nhiều việc phải làm. Muốn giảm tải cho tuyến trên, cần phải làm tốt công tác nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị y tế cho tuyến dưới hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phải chú trọng các nhóm giải pháp dài hạn để giảm tải như: Xây dựng hệ thống các bệnh viện vệ tinh lân cận, thực hiện luân chuyển cán bộ và xây dựng chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ trẻ. Tuy nhiên, để giải được bài toán khó này còn phải phụ thuộc trách nhiệm vai trò từ nhiều phía, kể cả từ người dân.

Hiến Chương
.