Để tạo nguồn nhân lực cung ứng cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh công tác khuyến công kết hợp với chương trình đào tạo nghề nông thôn, tổ chức dạy nghề, truyền nghề trực tiếp, phấn đấu từ nay đến năm 2015 đào tạo cho trên 416.000 người, trong đó đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề cho hơn 85.000 người.
Đến năm 2020, đào tạo nghề cho khoảng 390.000 người, trong đó đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề cho trên 125.000 người nhằm giải quyết lao động cho một số dự án của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội tỉnh lần thứ XVII là: khai thác, chế biến khoáng sản, trọng tâm là xi măng, vật liệu xây dựng, sắt, đá trắng, thiếc; thuỷ điện; bia; chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề, trong đó chú trọng nhân lực cho các nghề truyền thống như: mộc, đan lát, may công nghiệp… gắn việc phát triển các cụm công nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Nghệ An tập trung đầu tư phát triển cơ sở đào tạo nghề theo hướng xã hội hoá; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế xây dựng 7 cơ sở đào tạo nghề để đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ các ngành mũi nhọn, chất lượng cao trong một số lĩnh vực như: dầu khí; điện tử viễn thông; vận hành máy thuỷ điện; chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa; công nghệ chế biến chè, bột giấy; sản xuất vật liệu mới.
Theo đó, tỉnh đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quy định, hiệu quả sử dụng cao; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, liên kết sử dụng thiết bị công nghệ vào giảng dạy và thực tập nghề.
Đến năm 2015, phấn đấu 75% và đến năm 2020 có 95% số trường dạy nghề được trang bị đồng bộ các thiết bị công nghệ mới vào dạy nghề. Đối với đội ngũ giáo viên, tỉnh thực hiện chế độ tuyển dụng, thu hút giáo viên dạy nghề giỏi, các nghệ nhân, công nhân lành nghề, thợ bậc cao...; đối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi, có ngành nghề đào tạo phù hợp được ưu tiên xét tuyển thẳng.
Trong 5 năm qua, Nghệ An đã quy hoạch phát triển được 62 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 37 cơ sở dạy nghề công lập, 25 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đều bố trí các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật như: vùng miền núi Tây Bắc có Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật miền Tây tại thị xã Thái Hoà; vùng miền núi Tây Nam có Trường trung cấp nghề dân tộc miền núi tại Con Cuông; phía Bắc có Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An tại huyện Quỳnh Lưu.
Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao góp phần phát triển
KT - XH của địa phương
Nhờ đó, các trường đã đào tạo được 49.355 công nhân kỹ thuật, trong đó 41.445 người có trình độ trung cấp nghề, 7.910 người có trình độ cao đẳng nghề. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 95%, trong đó loại khá, giỏi chiếm 29%, nên số người học tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đạt gần 95%, trong đó đi làm có thời hạn ở nước ngoài trên 15.000 người.
Với những cách làm cụ thể, sát với đặc điểm của địa phương, việc đào tạo công nhân kỹ thuật của Nghệ An đã gặt hái được những thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Nghệ An sớm trở thành trung tâm đào tạo nghề khu vực Bắc Trung Bộ.
Viết Hùng
.