Sông Lam chảy qua địa bàn 5 xã, thị của huyện Con Cuông đó là Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê, thị trấn và Bồng Khê. Trước đây, xuất hiện các tàu đào đãi vàng vùng thượng nguồn của huyện, có thời điểm tập trung nhiều nhất 11 chiếc tàu đào đãi vàng ở Lạng Khê rồi hàng loạt tàu hút cát khiến cho dòng chảy bị thay đổi.
Năm 2010, Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An đã lập biên bản xử lý hành chính, đình chỉ hoạt động của nhiều trường hợp vi phạm. Tàu đào đãi vàng đã rút nhưng hiện nay có một thực trạng chung khó giải quyết đó là việc các tàu hút cát trái phép, khai thác bừa bãi không có quy hoạch đang diễn ra ngang nhiên ngày lẫn đêm trên dọc sông Lam ở huyện Con Cuông.
Biết rằng, nhu cầu về cát trong xây dựng là rất lớn nhưng sự tồn tại khai thác cát không có quy hoạch bến bãi của các tàu thuyền đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy của dòng sông khiến sạt lở đất ngày càng trậm trọng, nhất là mỗi khi mùa mưa lũ về. Không chỉ sạt lở đất mà còn ảnh hưởng đến việc qua lại các bến đò ngang sông Lam.
Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân đang bị sông “nuốt”
Cơn lũ lịch sử hồi tháng 9 năm ngoái đã gây tổn thất về người và của khắp toàn huyện. Nước sông dâng cao chưa từng thấy đối với người dân nơi đây. Những người dân sống ven sông như chị Vi Thị Mơ ở bản Khe Thơi, xã Lạng Khê đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt đất sản xuất do nước sông dâng cao khi mùa lũ về. 1/3 diện tích đất sản xuất bị sạt lở, 1ha sắn non của gia đình cũng bị cuốn trôi. Giờ gia đình đang thiếu đất sản xuất.
Chỉ tính riêng xã Lạng Khê, 3 bản chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước sông dâng cao là Yên Hòa, Đồng Tiến và Khe Thơi. Tổng diện tích bị sạt lở là 7,2ha, trong đó 5 ngôi nhà ven sông bị sạt lở hoàn toàn, chính quyền xã đã kịp thời di dời dân ra khỏi vùng lũ quét. Thời điểm này đang mùa nước cạn, bà con ven sông đang tranh thủ chăm sóc cây trồng vụ Xuân nhưng vẫn không khỏi lo lắng trước tình trạng thiếu hụt đất sản xuất.
Mỗi năm đất cứ bị nước cuốn trôi đi với diện tích khá lớn. Nếu tình trạng này xảy ra không chỉ bà con không có đất sản xuất mà nguy cơ hư hỏng các mố chân cầu bắc qua sông Lam ở Con Cuông là rất lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đình Việt - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Con Cuông cho biết: “Trong tháng 4 chúng tôi sẽ thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý các trường hợp này. Trước mắt các xã phải tự giải quyết đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn xã mình”.
Tuy nhiên, để có hiệu quả trong việc chống sạt lở hai bên bờ sông Lam ở Con Cuông, thiết nghĩ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết vấn đề nan giải trên, đồng thời tích cực tuyên truyền người dân hưởng ứng đồng loạt trong việc trồng cây ven sông thì chắc chắn tình trạng sạt lở không diễn ra trầm trọng như hiện nay.
Trần Lê
.