Có lẽ không có quốc gia nào mà người tiêu dùng lại phải đóng nhiều loại thuế và phí để mua ôtô như ở Việt Nam. Chưa nhắc đến số tiền cao gấp nhiều lần phải bỏ ra để sở hữu một chiếc ôtô, chỉ tính chi phí cần để "nuôi" xe thì Việt Nam cũng sắp vào hàng top trên thế giới.
Chúng ta hãy thử làm một phép toán đơn giản. Dù được Nhà nước trợ giá xăng, nhưng với tình hình hiện nay, nếu một xe trung bình tháng đi 2.000 km sẽ mất khoảng 4,5 triệu đồng tiền xăng. Tiền gửi xe nơi làm việc khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tiền trông giữ (nếu nhà không có garage), gửi xe đi giao dịch,.. tính ra vào khoảng 2 triệu đồng.
Trong trường hợp thêm phí lưu hành trung bình 2,5 triệu nữa thì tổng chi cho một xe "bình dân" đã lên đến 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm, người đi ôtô Việt Nam phải bỏ ra khoảng 120 triệu đồng để "nuôi" xe. Con số này không kém gì Singapore, Mỹ hay Anh dù chưa cần tính đến phí tu bổ, bảo dưỡng, bảo hiểm cho xe.
Tại Singapore, nơi nổi tiếng với việc có nhiều loại phí được đưa vào như thuế nhiên liệu (50% giá bán cuối cùng), phí chống ách tắc giao thông, phí lưu hành xe giờ cao điểm, phí đỗ xe vào loại cao nhất thế giới. Một lít xăng dao động trong khoảng từ 2,15 đến 2,52 SGD (35.000 đến 41.000 đồng/lít) tùy thuộc vào loại xăng. Trung bình, một người sở hữu ô tô sẽ chi tiêu khoảng 600 SGD một tháng cho xăng dầu, phí cầu đường, và bãi đậu xe, tương đương với 7.200 SGD/năm (khoảng 115 triệu đồng).
Tại London, ước tính chi phí trung bình để chạy một chiếc xe trong năm 2011 là vào khoảng 3.089 bảng/năm (khoảng 100 triệu đồng) cho 10.000 dặm (hơn 16.000 km). Mức phí để chạy xe tại Mỹ cũng tương đương với Anh, với mức phí vào khoảng 8.000 USD/năm cho 150.000 dặm. Trong đó tiền bảo hiểm và tiền bảo dưỡng, tu bổ xe (bắt buộc) đã chiếm một phần không nhỏ số tiền trên.
Tại London, ước tính chi phí trung bình để chạy một chiếc xe trong năm 2011 là vào khoảng £3.089/năm (khoảng 100 triệu đồng). |
Có thể thấy một nghịch lý khi một nước nghèo như Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.300 USD/năm nhưng người dân lại phải trả nhiều tiền hơn để mua cũng như "nuôi" một chiếc ô tô so với Anh, nơi mà thu nhập bình quân đầu người lên tới 36.000 USD/năm hay 47.000 USD/năm của Mỹ
Đấy là chưa kể, giá ô tô ở Việt Nam còn cao hơn cả giá ô tô ở các quốc gia trên. Trung bình, một người dân ở một nước đang phát triển như ở Việt Nam lại phải mua xe ôtô với số tiền cao gấp 2,5 lần so với một người dân ở nước phát triển như Mỹ.
Dân đi bằng gì?
Việc đánh thuế cao với các phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn trên thế giới như Toronto, London, Stockholm, Dubai, Milan mục đích chính là để người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, qua đó giảm ùn tắc tại khu trung tâm.
Singapore có thể xem là quốc gia đi đầu và thành công nhất trong vấn đề này.Từ năm 1975, Singapore đã bắt đầu áp dụng thu phí đối với phương tiện khi tham gia giao thông vào các khu vực trung tâm thương mại. Tại thời điểm đó, cảnh sát sẽ trực quanh các điểm vào khu vực trung tâm thành phố và ghi vé cho các phương tiện đi vào. Một năm sau, lượng ôtô vào trung tâm giảm 40%.
Tới năm 1998, Singapore đưa vào sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử, gọi tắt là ERP (Electronic Road Pricing). Các xe trước khi tham gia lưu thông tại Singapore sẽ được gắn thiết một thiết bị thu phí. Những xe không lắp thiết bị hoặc không nạp đủ tiền vào thẻ sẽ bị ghi hình và xem như một hình thức vi phạm luật giao thông. Việc áp dụng ERP đã thu về hiệu quả tích cực, giúp giảm khoảng 25.000 lượt phương tiện trong giờ cao điểm và giúp tốc độ lưu thông trên đường tăng khoảng 20%.
Bên cạnh việc thu phí cao như vậy, chính phủ Singapore đã đầu tư rất nhiều vào các phương tiện giao thông công cộng và một lịch trình đi lại cực kỳ chặt chẽ, nhằm thúc đẩy người dân đi tàu điện ngầm, xe bus thay cho phương tiện cá nhân.
Cổng ERP được lắp trên tất cả các con đường dẫn tới khu thương mại trung tâm của Singapore, các xa lộ và trục giao thông chính đông đúc nhằm hạn chế xe lưu thông vào giờ cao điểm. |
Chỉ tính riêng hệ thống xe buýt khổng lồ tỏa ra khắp các tuyến đường Singapore, việc đi lại bằng xe bus trở nên vô cùng thuận tiện. Bên cạnh đó, các tuyến đường bên Singapore phần lớn là đường một chiều, không có tình trạng quay đầu xe nên hạn chế rất nhiều tai nạn và kẹt xe.
Kết quả, dù là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Á, tỉ lệ hộ gia đình có ô tô ở Singapore thấp hơn 30%.
Học theo Singapore, Trung Quốc hiện cũng đang áp dụng chiến lược này trong việc giảm bớt khả năng sở hữu xe của người dân và thúc đây giao thông công cộng.
Năm 1998, thành phố Thượng Hải đã quy định số lượng xe đăng ký mới bị giới hạn ở mức không quá 50000 xe/năm. Phí đăng ký xe ôtô lên tới 5.000 USD trong năm 2006, bãi đậu xe cũng có giá cao và các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường chính đều có trạm thu phí.
Tuy nhiên, ở Việt Nam lại là một câu chuyện khác.
Trong đề xuất thu phí của mình, bộ GTVT cũng có nhắc đến một nguyên nhân đó là để giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại khu vực trung tâm trong giờ cao điểm. Thế nhưng trước thực trạng phương tiện giao thông công cộng ở nước ta còn chưa phát triển (Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng thấp nhất châu Á), trong đó xe buýt là phương tiện giao thông công cộng gần như duy nhất và hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Việc Việt Nam muốn học tập mô hình của nước bạn đòi hỏi phải có thời gian và suy nghĩ hết sức thận trọng.