Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201203/19056-lua-chet-hang-loat-sau-khi-dung-thuoc-tru-co-398349/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201203/19056-lua-chet-hang-loat-sau-khi-dung-thuoc-tru-co-398349/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lúa chết hàng loạt sau khi dùng thuốc trừ cỏ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 20/03/2012, 09:32 [GMT+7]
19056

Lúa chết hàng loạt sau khi dùng thuốc trừ cỏ

Lần theo những phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về xã Hiến Sơn. Dọc con đường vào trung tâm xã qua các cánh đồng Bàu, đồng Ngừ..., chúng tôi bắt gặp nhiều thửa ruộng bị chết rụi. Hỏi ra mới hay, những thửa ruộng lúa này đều do dùng chung một loại thuốc diệt cỏ có nhãn hiệu ANCO 600 SL của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang.
 
Đang cố nhặt lấy những đám cỏ dại xung quanh bờ ruộng, anh Nguyễn Thọ Minh, một nông dân tại xóm 8, bức xúc: Vụ Đông - Xuân năm nay, gia đình làm 5 sào lúa. Sau khi cấy được 10 ngày, gia đình lên Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Hiến Sơn mua 3 lọ thuốc nhãn hiệu ANCO 600 SL loại 100ml về phun.
 
Tại đây, được ông Đặng Văn Cường, là thủ quỹ của xã trực tiếp cấp bán và hướng dẫn. Sau khi phun 1.700m2 với liều lượng 1 lọ/1.000m2, được 10 ngày ra thăm đồng thì phát hiện cỏ dại vẫn xanh tươi, trong khi toàn bộ diện tích lúa có dấu hiệu héo, úa rồi chết dần.
 
Nhiều diện tích lúa bị chết sau khi phun thuốc
 
Nghĩ rằng lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ, gia đình đã tìm mua thuốc giải độc, nhưng lúa vẫn tiếp tục ngả màu rồi chết rụi. Vợ anh sau khi đi phun thuốc giải độc về nhà có hiện tượng đau bụng, nôn mửa phải lên Trạm y tế xã truyền dịch, sau hai ngày mới khỏi.
 
Qua tìm hiểu với ông Nguyễn Trọng Khanh - Trưởng ban Kiểm soát HTX NN Hiến Sơn, được biết: Ngày 15/2, HTX có lấy từ một cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV do ông Dương Trọng Phượng (quê tại xã Thịnh Sơn - là cán bộ Trạm BVTV huyện Đô Lương nghỉ hưu) phân phối. Cũng theo ông Khanh, những diện tích có mặt nước tương đối cao thì lúa chết ít, còn lại mặt nước lấp xấp chân lúa thì gần như chết 100%.
 
Thuốc trừ cỏ ANCO 600 SL
 
Toàn bộ số thuốc gồm 50 lọ do ông Phượng cung cấp cho HTX DVNN Hiến Sơn đều không có hướng dẫn sử dụng kèm theo, chỉ khi sự việc xảy ra, một cán bộ của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang mới đem hướng dẫn sử dụng đến để đối chiếu.
 
Theo thống kê, đến thời điểm phát hiện thì trên địa bàn xã Hiến Sơn có đến 50 hộ cùng chung hoàn cảnh tương tự khi dùng thuốc ANCO 600 SL để phun trừ cỏ. Số diện tích lúa bị ảnh hưởng lên đến 7,7ha. Sau sự việc trên, xã đã thông báo khuyến cáo bà con không được sử dụng ANCO 600 SL để diệt cỏ nhưng bà con nông dân xóm 12, 13 vẫn mua thuốc trôi nổi về phun. Ở các xã Thượng Sơn, Trù Sơn cũng xảy ra tình trạng này.
 
Ông Đặng Văn Cường, cán bộ HTX DVNN xã Hiến Sơn - người trực tiếp nhận và cấp phát thuốc, cho biết: "Sau khi nghe thông tin nông dân phản ánh lúa bị chết sau khi phun thuốc trừ cỏ, bản thân tôi bất ngờ. Tôi cũng đã liên hệ với nhà cung ứng, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cử đại diện đến làm việc nhưng họ chối bỏ trách nhiệm. Thú thật, nhìn cảnh lúa chết đầy đồng, không chỉ bà con nông dân mà xã cũng tiếc quá".
 
Sau khi sự việc xảy ra, ngày 12/3, ông Nguyễn Đình Ân, đại diện Công ty BVTV An Giang đã làm việc với chính quyền xã Hiến Sơn. Tại biên bản làm việc giữa HTX DVNN xã Hiến Sơn với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, phía UBND xã Hiến Sơn đề nghị công ty cùng phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân.
 
Tuy nhiên, đại diện nhà sản xuất kết luận: HTX DVNN xã Hiến Sơn lấy thuốc của đại lý không nằm trong hệ thống của công ty; công ty không xuất hàng và cũng không khuyến cáo bà con sử dụng thuốc ANCO 600 SL trong vụ Đông - Xuân; đại lý bán thuốc không hướng dẫn bà con sử dụng thuốc theo khuyến cáo.
 
Bà Nguyễn Thị Tâm - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đô Lương cho biết: "Sau khi nghe thông tin sự việc, trong các ngày 28, 29/2, Trạm đã cử cán bộ xuống địa bàn để kiểm tra và hướng dẫn bà con cách khắc phục. Đồng thời phân công nhân viên của Trạm phối hợp với địa phương để tiếp tục theo dõi.
 
Qua 2 lần kiểm tra theo dõi, cán bộ trạm xác minh, nguồn hàng có xuất xứ từ Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, lúa chết là do ảnh hưởng ngộ độc từ thuốc ANCO 600 SL có hoạt chất 2,4D. Khi được hỏi lý do vì sao sau khi phun thuốc diệt cỏ lại xảy ra "sự cố" trên, bà Tâm lý giải: "Có thể bà con phun thuốc trong điều kiện nhiệt độ dưới 200C kéo dài nên mới xảy ra hiện tượng lúa chết. Để làm rõ vấn đề này, ngày 14/3, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện lập đoàn kiểm tra đối với anh Dương Trọng Phượng, báo cáo sự việc với phòng Thanh tra, Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An để có hướng xử lý giải quyết".
 
Ngày 17/3, UBND huyện Đô Lương cũng đã tiến hành họp bàn tìm cách giải quyết. Tại đây, đại diện Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã khẳng định, thuốc trừ cỏ ANCO 600 SL là hóa chất có tính độc tố cao, diệt được nhiều loại cỏ dại trên ruộng lúa, nhưng nhược điểm sử dụng trong môi trường nhiệt độ thấp dưới 200C hoặc nồng độ cao sẽ ảnh hưởng xấu đến cây lúa. Trong khi đó, khi xảy ra tình trạng trên là đúng vào thời điểm từ ngày 10 - 20/2/2012, khi nhiệt độ nhiều ngày dưới 200C.
 
Đại diện đơn vị sản xuất, cung ứng thuốc trừ cỏ ANCO, ông Hồ Mạnh Hùng - Giám đốc chi nhánh Công ty CP BVTV An Giang đã thừa nhận "sự cố" đáng tiếc trên, đồng thời hứa sẽ có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với nông dân, trước mắt sẽ đưa các loại thuốc đặc hiệu để phục hồi diện tích lúa bị nhiễm.
 
Các bên liên quan cũng đã thống nhất phương án trước mắt là sớm tìm biện pháp giải độc, cấy dặm, khôi phục nhanh diện tích lúa bị hỏng. Nếu cuối vụ năng suất các trà lúa bị nhiễm độc do phun thuốc trừ cỏ thấp hơn bình quân chung thì HTX, Công ty CP BVTV An Giang và ông Dương Trọng Phượng phải có trách nhiệm hỗ trợ phần thiếu hụt cho bà con.

Xuân Thống - Thành Dũng
.