Thứ Hai, 23/11/2020, 09:16 [GMT+7]

Chung tay đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

(Congannghean.vn)-Xác định mối hiểm họa của HIV/AIDS đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng giống nòi, những năm qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, Nghệ An đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chung tay đẩy lùi đại dịch này.
Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020
Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020
Số liệu thống kê sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về "Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới" (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 54-CT/TW) cho thấy, Nghệ An đã đạt những kết quả khá khả quan. Số người nhiễm và tử vong do HIV/AIDS đã giảm. Theo hồ sơ quản lý, số người tử vong do AIDS tại Nghệ An như sau: Năm 2005 có 816 người tử vong do AIDS (chiếm 70,64%). Năm 2010 có 2.396 người tử vong do AIDS (chiếm 70,22%). Năm 2015 có 3.656 người tử vong do AIDS (chiếm 67,70%). Đến 30/5/2020 có 4.226 người tử vong do AIDS (chiếm 66,31%). Tỉnh đã khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%... Người nhiễm HIV/AIDS trong diện quản lý được tiếp xúc với các dịch vụ y tế, điều trị, tư vấn. Chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai phù hợp với từng đối tượng. Việc điều trị dự phòng để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện bài bản, toàn diện.
 
Bằng sự vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng lên; các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh để thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020. 
 
Tuy nhiên, tình hình đại dịch HIV/AIDS  trên địa bàn cả nước nói chung và tại Nghệ An nói riêng vẫn còn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao. Vì thế, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các tổ chức đoàn thể là rất quan trọng. Cần song hành việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, cần đa dạng các hình thức truyền thông, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, đồng tính nam...), nhằm chuyển tải những kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, xây dựng thái độ, hành vi ứng xử và nhận thức đúng đắn về nguy cơ và hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS; chống phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, củng cố và phát triển hệ thống chăm sóc, điều trị, hỗ trợ toàn diện; tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS…
 
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 641/KH-UBND về tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày thế giới phòng, chống AIDS, với chủ đề: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Theo kế hoạch, các hoạt động chủ yếu trong tháng hành động gồm: Tổ chức các hội nghị, hội thảo về chủ đề: Dự phòng lây nhiễm HIV, dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PEP), không phát hiện = không lây truyền (K=K), tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng...; tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS như: Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS, ngày 1/12/2020; triển khai các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS; triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác.
 
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động phòng, chống HIV/AIDS trong cơ quan, đơn vị với các hình thức phong phú như: Tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt văn nghệ, băng rôn, khẩu hiệu... tại cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về HIV/AIDS cho cán bộ, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động... UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ kế hoạch này và văn bản hướng dẫn của ngành Y tế tổ chức triển khai thực hiện tốt Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn quản lý; chú trọng công tác tryền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực y tế và công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, theo dõi, giám sát, tổng hợp báo cáo hoạt động thực hiện trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của các đơn vị, địa phương.
.

NHƯ BIỂN - TUỆ TRANG

.