Gia đình xã hội
Chủ động các giải pháp phòng, chống thiên tai
08:08, 12/10/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng hậu quả nặng nề của thiên tai nên trong thời gian qua, Nghệ An luôn chủ động các giải pháp để ứng phó với các sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ban, ngành và huy động tối đa phương tiện, thiết bị chuyên dụng đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân.
Lực lượng Công an Nghệ An giúp đỡ người dân di dời hàng hóa trong đợt mưa lớn kéo dài |
Từ năm 2016 đến nay, công tác tìm kiếm cứu nạn luôn được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, khi có tình huống tổ chức trực cao điểm 24/24 giờ, bám sát địa bàn, sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, lấy lực lượng Quân đội, Công an và dân quân tự vệ làm nòng cốt, cùng với một số trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng hiện có để tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, Nghệ An đã đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và trong hoạt động ứng phó sự cố thiên tai với các địa phương. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2030 và những năm tiếp theo, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển ƯPSCTT&TKCN gồm: 100% cơ quan ƯPSCTT&TKCN được kiện toàn đúng theo quy định. Thiết lập cơ chế xã hội hoá hoạt động ƯPSCTT&TKCN, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác ƯPSCTT&TKCN. Đầu tư, xây dựng, mua sắm các vật chất, trang thiết bị chuyên dụng phù hợp phục vụ ƯPSCTT&TKCN đến năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên tổ chức tuyên truyền về Luật Phòng, chống thiên tai, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai ở địa phương nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác PCTT, TKCN của các cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện của lực lượng quân đội sát với yêu cầu nhiệm vụ thực tế của cơ quan, đơn vị, địa bàn; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thường xuyên đổi mới phương pháp lãnh đạo, coi trọng việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành ở các cấp... Đồng thời, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình thời tiết, dự kiến các tình huống để xây dựng phương án phối hợp ứng phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ.
Với mục tiêu đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, an toàn trước thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Nghệ An đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, quan tâm và tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện xử lý các công trình cấp bách, không an toàn trong mùa mưa bão; di dời dân cư tập trung ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; khắc phục các tuyến giao thông huyết mạch và các công trình hạ tầng bị hư hỏng... Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tàu thuyền của tỉnh Nghệ An đánh bắt thủy hải sản trên biển khi gặp sự cố, tai nạn, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Ngọc Anh