(Congannghean.vn)-Phàm là con người, chẳng ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh bị thiếu hơi ấm của tình thương gia đình. Đó là một sự thiệt thòi của số phận, mà đôi khi, ta chẳng thể thay đổi hay cải hoán được. Có một mái ấm mới, gia đình mới, được sống trong sự bao bọc, chở che, được học tập, phát triển là mong muốn thôi thúc hàng ngày, hàng giờ...
Mẹ và các con ở Làng trẻ em SOS Vinh |
Nhà nằm gần trên trục đường Hecman Germainer, ngày nào tôi cũng đi qua Làng trẻ em SOS Vinh. Trong cảm nhận của mình, đây là một quần thể kiến trúc đẹp, mang nét cổ kính xưa với những ngôi nhà thiết kế riêng biệt, nhỏ xinh, quanh năm xanh mát. Từ bao năm nay, với nhiều em kém may mắn, Làng trẻ em SOS Vinh trở thành mái ấm, gia đình yêu thương với các thầy, các mẹ mà các em đã thân thuộc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh, hiện tại ở đây có 280 em đang học tập, sinh sống trong sự chăm sóc của 15 mẹ và 8 dì. Mỗi gia đình SOS đều có một người mẹ chăm sóc từ 9 - 12 trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Mẹ là người phụ nữ không vướng bận gia đình, không chồng con, toàn tâm toàn ý chăm sóc nhiều thế hệ trẻ em SOS trong gia đình trong suốt cuộc đời làm mẹ. Mỗi gia đình được sống trong một ngôi nhà riêng, là một phần của cộng đồng Làng, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Tiêu chí tuyển mẹ của các Làng trẻ em SOS không nằm ngoài quy định của SOS quốc tế như điều kiện về tuổi, độc thân, không con cái, tự nguyện gắn bó với công việc lâu dài, sức khỏe tốt. Và, một yêu cầu tối quan trọng là có tình thương yêu con trẻ. Sứ mệnh của các mẹ chính là đảm bảo cho trẻ sự an toàn, tôn trọng và yêu thương, được lớn lên phát triển bình đẳng như mọi trẻ em khác. Sau khi đến tuổi dậy thì, các em trai sẽ được chuyển vào lưu xá học sinh để tiếp tục học tập.
Từ trước đến nay, Làng luôn khảo sát, điều tra và tiếp nhận những trẻ có số phận không may mắn để tiếp tục nuôi dưỡng, tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện và trở thành những công dân có ích cho xã hội. Sau những giờ học tập tại trường thì Làng còn cho các em tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Với những cách làm đó, nhiều em trong Làng đã vươn lên thực hiện ước mơ của mình.
Từ những người không huyết thống, trải qua năm tháng, chung sống cùng một mái nhà, bằng tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, các mẹ và các con trở thành người một nhà và coi nhau như ruột thịt. Các mẹ, các dì chính là người đã sưởi ấm những trái tim nhỏ bé, yếu đuối, thiếu hụt tình cảm của các em, giúp các em vượt qua mặc cảm của số phận, vươn lên trong cuộc sống.
Em Đặng Thị Yến (SN 2002) hiện đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Hecman Germainer là một trong những học sinh tiêu biểu tại Làng trẻ SOS Vinh hiện nay. Gia đình Yến có 2 chị em, trên Yến là anh trai Đặng Thế Hoàng. Số phận trớ trêu khi mới 1 tuổi, em đã mất bố, thiếu đi chỗ dựa quan trọng nhất trong đời. 11 năm sau, khi Yến đang học lớp 6, mẹ em qua đời vì bệnh tật. Tuy còn nhỏ, nhưng Yến lờ mờ nhận ra một điều, nếu không ai nuôi dưỡng, con đường đến trường với hai anh em Yến sẽ bị đứt gãy. Thấu hiểu những khó khăn của hai anh em, sau khi khảo sát, biết hoàn cảnh của Yến, Làng trẻ em SOS Vinh đón nhận hai anh em sau 50 ngày chịu tang mẹ. Hai anh em được bố trí ở trong một ngôi nhà, có mẹ, được ăn uống đàng hoàng, có quần áo lành lặn, có mẹ yêu thương, có các em nhỏ cùng hoàn cảnh.
Lúc mới vào, em cũng gặp không ít khó khăn với thay đổi môi trường, lại mới trải qua nỗi đau mất mẹ, nhưng được sự động viên của các mẹ, các cô chú tại Làng trẻ, Yến lại cùng anh cố gắng học tập. Từ khi vào đến nay, ngôi nhà số 2 trở thành mái nhà thứ hai của em. Với nhiều nỗ lực, Yến hiện đã đạt những thành tích học tập tốt, được nhận học bổng hàng năm và trở thành đại diện tham gia Diễn đàn Trẻ em SOS. Anh Hoàng hiện cũng đã có công việc sửa chữa ôtô khá ổn định ở TP Hồ Chí Minh. Hai anh em vẫn thường xuyên liên lạc, động viên và chia sẻ những kỷ niệm buồn vui trong cuộc sống.
Hiện Yến đang ở cùng với mẹ Nguyễn Thị Đông trong ngôi nhà số 2. Mẹ Đông là người Nam Đàn, vào Làng từ năm 2017. Ngoài Yến, mẹ còn chăm sóc 7 người con khác, bé nhỏ nhất năm nay vừa tròn 1 tuổi. Với mẹ Đông, mẹ coi việc trở thành thành viên của Làng trẻ em SOS Vinh là một cái duyên, một định mệnh. Mỗi đứa con đến với mẹ là một câu chuyện, một cảnh ngộ không ai giống ai, có con thì mồ côi bố mẹ khi vừa được sinh ra, có con thì bố mẹ mất sớm không còn ai nương tựa, cũng có con bố mẹ còn sống nhưng không còn khả năng lao động để nuôi sống gia đình...
Một ngày của mẹ bắt đầu từ rất sớm xoay sở cho các con ăn rồi tới trường, rồi sữa cho bé nhỏ, tối thì tắm táp, học cùng các con. Thời gian cứ thế trôi qua, những đứa con lần lượt lớn lên, lập gia đình và xin ra riêng. Nhiều đứa con giờ đã thành đạt, còn mẹ thì liên tục đón thêm những đứa con mới. Mẹ Đông cũng như tất cả các mẹ trong làng luôn tâm niệm, trăn trở một điều là làm sao để các con có được những bữa ăn ngon hơn, đủ đầy hơn, để các con có thêm những điều kiện phấn đấu, học hành tốt hơn.
Mẹ vẫn nhớ cách đây tròn 1 năm, mẹ được giao trách nhiệm nuôi một cháu mới sinh bị bỏ rơi ở cổng làng. Lúc đó mẹ rất lo, không biết có đủ khả năng không vì cháu bé yếu ớt, quấy khóc. Chăm trẻ sơ sinh quả thực không đơn giản, đến cách thay tã cũng phải học. Nhưng rồi tình yêu thương con trẻ đã giúp mẹ vượt lên tất cả. Đến nay bé đã cứng cáp, được anh chị em trong gia đình yêu thương, đùm bọc... Với một người phụ nữ, làm mẹ 1, 2 đứa trẻ đã vất vả. Việc chăm sóc 7, 8 con trong một ngôi nhà, đảm bảo sự yêu thương, quan tâm thật không đơn giản chút nào.
Trong câu chuyện được nghe kể về những đứa con phương trưởng, các mẹ không giấu niềm tự hào, hạnh phúc. Ngoài Yến, là em Lê Huỳnh Đức, hiện là sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại chất lượng cao, Đại học Kinh tế, Trường Đại học Đà Nẵng. Là những đứa con lập gia đình rồi nhưng năm nào cũng về Làng để cảm ơn và tri ân những người mẹ, người thầy đã yêu thương, chăm sóc các em nên người. Là những tình cảm chị em luôn giúp đỡ nhau trong mọi bước thăng trầm của cuộc sống... Với các em, Làng trẻ em SOS Vinh vừa là gia đình, mái ấm, là bến đợi hạnh phúc sau những trắc trở của số phận, là nơi ươm mầm yêu thương để các em có thể chắp cánh, nối tiếp những ước mơ bay xa.