(Congannghean.vn)-Tại các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, có hàng trăm hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ bị sạt lở nằm trong diện phải hỗ trợ, di dời khẩn cấp. Thế nhưng, thêm một mùa mưa lũ nữa sắp đến, những con người này vẫn sống nơm nớp bên miệng hà bá.
Thực hiện Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến 2020, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn hiện đang triển khai các dự án, bao gồm Dự án Bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở và biên giới Việt Lào bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý và Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở và biên giới Việt Lào bản Huồi Nhàn, xã Keng Ðu. Ngoài ra, còn có Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới Việt Lào xã Bắc Lý, hiện đã được phê duyệt nhưng chưa có vốn để triển khai.
Vết nứt lớn kéo dài hơn 1 km tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương |
Ngày 24/8/2018, Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đã có các thông báo về việc di dời khẩn cấp các hộ dân bị thiệt hại do ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất từ năm 2016 - 2018 trên địa bàn. Thực hiện thông báo này, ngày 29/8/2018, UBND tỉnh đã có báo cáo di dời khẩn cấp các hộ dân bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất từ năm 2016 - 2018, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục phòng chống thiên tai tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An 26,7 tỉ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho 267 hộ dân bị mất nhà ở do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện nay không có nhà ở. Trong đó, đề nghị hỗ trợ 12,9 tỉ đồng cho 129 hộ dân của huyện Kỳ Sơn.
Trong khi đang chờ Thủ tướng phân bổ nguồn kinh phí nói trên thì sau cơn bão số 4 và đợt mưa lũ vào tháng 8/2018, theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, mưa lũ đã làm phát sinh nhiều điểm sạt lở đất ở địa bàn các xã Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ và thị trấn Mường Xén. Nhiều hộ dân bị mất nhà cửa, bản làng bị đất đá sạt lở gây tâm lý hoang mang, lo lắng khi người dân không dám ở trong nhà cũ nữa mà muốn chuyển đến các vùng ổn định, an toàn hơn. Qua kiểm tra, khảo sát hiện trạng phương án di dân tái định cư cho nhân dân thuộc các xã Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ và thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ để tỉnh Nghệ An thực hiện 4 tiểu dự án di dời dân khẩn cấp để di dời 281 hộ với 1.459 nhân khẩu và 2 trường học ra khỏi vùng khẩn cấp.
Trong khi đó, tại huyện Tương Dương, hiện nay cũng có nhiều hộ dân phải nơm nớp sống trong cảnh chẳng biết nhà cửa, tài sản của mình bị nước cuốn trôi lúc nào. Đại họa kép trong cơn bão số 3 diễn ra vào hồi tháng 8/2018, 34 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc lòng hồ thủy điện Nậm Nơn bị cuốn trôi nhà vẫn chưa có đất tái định cư để ổn định cuộc sống. Đến nay, những hộ dân này vẫn chưa có nơi ở mới để di dời. Trước đó, ngày 31/7/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 3297 về việc cho phép lập Dự án đầu tư xây dựng công trình di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Dù đã được bố trí một phần kinh phí, nhưng đến nay việc thi công dự án vẫn đang rất ì ạch, mới xong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, đang mở thầu.
Ngoài ra, cũng trên địa bàn huyện Tương Dương, 17 hộ dân ở các bản Minh Phương, Xốp Mạt và 19 hộ dân ở bản Vẽ, xã Lượng Minh cũng thuộc diện di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của thủy điện, đã được bố trí quỹ đất tái định cư, song tiến độ thực hiện chậm do thiếu nguồn kinh phí. Trong một diễn biến khác, ngày 26/11/2018, UBND huyện Tương Dương cũng đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án di dời khẩn cấp 49 hộ dân bản Pà Kháo, xã Mai Sơn ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Nguyên nhân, tại khu vực này có hiện tượng nứt đất. Cá biệt, có vết nứt kéo dài đến gần 1 km chạy dài qua bản làng và 2 điểm trường học là Tiểu học và Mầm non Phà Kháo.
Theo quy hoạch bố trí dân cư thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2006 - 2010, thì số hộ bị thiên tai đe dọa và du canh du cư là 1.836 hộ thuộc 10 huyện miền núi. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 240 điểm có nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét thuộc 8 huyện miền núi. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tương Dương với 62 điểm, huyện Quỳ Châu có 44 điểm, huyện Tân Kỳ có 39 điểm và Quế Phong có 32 điểm.
.