Gia đình xã hội
Nghị lực người cha già gần 10 năm 'vác' 2 con đến trường
(Congannghean.vn)-Đó là ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1956) trú tại xóm 5, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Vì khát khao được đến trường đi học như bao bạn bè cùng trang lứa của con, gần 10 năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, ngày nào ông cũng “vác” 2 người con bị bệnh thoái hóa cơ tủy đến trường và đón về nhà.
Dù trời nắng hay mưa, gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Sơn luôn cố gắng “vác” con đến trường theo học cùng các bạn |
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn và bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1956) có với nhau 6 người con, 4 người con đầu khỏe mạnh bình thường nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên đều đi làm ăn xa, còn 2 người con Nguyễn Thị Sương (SN 2001) và Nguyễn Văn Sáng (SN 2004) thì ốm đau bệnh tật triền miên. Bà Nhung kể, ngày mới sinh ra, Sương và Sáng đều bụ bẫm và phát triển như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến khi 2 cháu được 1 tuổi thì hễ cứ đứng lên tập đi là lại bị ngã, người mềm như bún, nằm xuống không tự ngồi dậy được. 2 vợ chồng đưa con đi khám và chữa trị khắp các bệnh viện lớn, nhỏ thì đều được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh thoái hóa cơ tủy, là bệnh hiếm gặp, không thể chữa trị được. 2 chị em Sương và Sáng lớn lên nhưng cơ thể cứ mềm oặt, không thể tự đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của bố mẹ. Dù bị bệnh nhưng 2 em rất ham học.
Suốt nhiều năm qua, thầy trò Trường THCS Dũng Hợp đã quen với hình ảnh người đàn ông gầy gò, khắc khổ, chân lấm lem bùn đất lái chiếc xe máy cũ kỹ đưa đón 2 con đến trường. Ông cũng là phụ huynh “đặc biệt” vì được nhà trường “đặc cách” chạy thẳng xe máy vào tận cửa phòng học. Ông Sơn “vác” con vào lớp, đưa đến chỗ chiếc bàn đặc biệt được “thiết kế” thêm 2 thanh sắt làm bệ đỡ, giúp giữ thăng bằng cho người Sáng có thể ngồi. Để ngồi được vững, Sáng luôn phải nghiêng người chống 1 tay lên cằm. Tan học, ông lại chạy xe máy vào, bế con “vác” lên vai rồi chở về nhà. Hành trình của 2 cha con cứ đều đặn như vậy trong suốt gần 10 năm nay, trên quãng đường từ nhà đến trường gần 4 km. Ông Sơn cho biết, do người Sáng cứ mềm oặt, chỉ có đôi tay và cái đầu cử động được một cách yếu ớt, cháu không bám được nên ông phải “vác” con lên vai.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp cho biết: Những năm trước, 2 chị em học cùng trường thì ông Sơn tự chế 1 chiếc xe nhỏ có 2 chỗ ngồi, cột chặt vào phía sau xe máy để kéo 2 chị em đi. Chiếc xe nhỏ này khá thấp nên việc “vác” và đặt vào đỡ mất sức hơn nhiều. Nhưng những lúc trời mưa, khi đến trường thì 2 chị em ngồi sau bị bùn té kín hết cả người. Sau đó, ông Sơn cải tiến, chế 2 chiếc ghế đặt ở trước và sau yên xe. Đến giờ đi học, ông Sơn “vác” Sáng ra ngồi ở ghế trước, rồi lại vào bế Sương ngồi ở ghế sau. Riêng 2 chiếc cặp, của Sáng treo ở bên gương trước tay lái, của Sương buộc sau đuôi xe máy. Năm nay, Sương hoàn thành chương trình THCS, chỉ còn Sáng đi học.
“Biết chúng ham học nhưng giờ tôi đành phải cho Sương ở nhà sau khi học xong lớp 9, đợi Sáng học cùng cấp với chị, tôi mới chở 2 chị em đi cùng được. Vì một mình tôi không thể chở Sáng đến trường THCS cách nhà gần 4 km rồi lại chở Sương đến trường THPT xa 17 km. Khổ nỗi, căn bệnh này của 2 đứa chỉ có tôi mới quen và “vác” lên vai được, còn mẹ các cháu thì không thể nào “vác” 2 đứa lên được”, ông Sơn tâm sự.
Khi được hỏi ước mơ, Sương mong bố luôn khỏe mạnh để đưa 2 chị em đi học và ước đôi chân được lành lặn để có thể đi giày, dép để chạy nhảy thoải mái cùng các bạn. Còn Sáng thì mong sau này sẽ trở thành tiến sĩ toán học. Thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: “Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mắc chứng bệnh hiếm gặp nhưng Sáng là học sinh học rất khá, đặc biệt là môn Toán. Ở lớp, em luôn lạc quan, tự tin và hòa đồng với bạn bè, vâng lời thầy cô. Dù trời nắng hay mưa, hầu như Sáng không vắng buổi học nào. Nhà trường luôn cố gắng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa cho em được theo học cùng các bạn”.
Được biết, bên cạnh chăm sóc 2 con bị tật nguyền, vợ chồng ông Sơn còn phải nuôi người em trai út là Nguyễn Văn Hoàng (SN 1965) bị thiểu năng trí tuệ. Vì vậy, để có tiền xoay xở lo cho các con và người em ruột, hàng ngày, sau khi đưa con đến trường, vợ chồng ông Sơn lại quần quật ra đồng gieo lúa, trồng mía, chăn nuôi trâu bò và còn làm thêm cả nghề xay xát gạo. “Nay, vợ chồng tôi còn có sức khỏe, còn làm việc được, vẫn đang gắng lo được cho các con. Song, rồi mai đây, khi tuổi già, tôi sợ rằng mình không còn đủ sức “vác” các con đến trường để được học cái chữ và gặp bạn bè…”, ông Sơn nghẹn ngào. Có lẽ, điều an ủi duy nhất và cũng là động lực của vợ chồng ông Sơn là 2 chị em Sương và Sáng luôn có tinh thần lạc quan, tự tin, không oán trách số phận và luôn khát khao được đi học…
Thu Thủy