Gia đình xã hội
Trầm cảm có thể điều trị khỏi
14:50, 12/11/2018 (GMT+7)
Điều trị bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát hiện có thêm kết quả khả quan nhờ những cập nhật mới trong điều trị.
Trầm cảm do áp lực học tập, công việc
Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trầm cảm nặng đặc trưng bởi trạng thái buồn rầu, đau khổ, cảm thấy tương lai ảm đạm, lời nói chậm chạp, liên tưởng khó khăn, giảm sút lòng tin, tự cho mình là hèn kém, mất dần các thích thú và có thể xuất hiện các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác. Trầm cảm nặng thường kèm theo rối loạn các chức năng sinh học như mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, khi bệnh nặng có thể từ chối ăn và bệnh nhân sẽ chết trong tình trạng suy kiệt do rối loạn nước và điện giải. Số bệnh nhân trầm cảm có xu hướng tăng theo sự phát triển của xã hội, bởi xã hội càng phát triển thì càng có nhiều stress như áp lực về công việc, học tập, kinh tế, hoặc ma túy mới cũng có thể là nguyên nhân...
Đáng lưu ý, một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 45-70% người tự sát mắc bệnh trầm cảm và 15% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát. Điều trị cấp cứu bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát là một cấp cứu khác với các cấp cứu thông thường bởi họ chủ động muốn chết nên nhiều khi khó tiên lượng được hành vi.
Mới đây, nghiên cứu “Điều trị bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát bằng phối hợp thuốc an thần kinh với chống trầm cảm thế hệ mới” đã được thực hiện nhằm đánh giá kết quả điều trị hành vi tự sát của bệnh nhân trầm cảm bằng phối hợp thuốc an thần kinh với chống trầm cảm thế hệ mới
Tỷ lệ mắc cao trong lứa tuổi 16 - 45
Đối tượng nghiên cứu là 30 bệnh nhân trầm cảm (bệnh nhân nam chiếm 26,67%, nữ 73,33%) đã có hành vi tự sát được điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương trong 2016 - 2017. Theo nghiên cứu này, bệnh nhân tự sát ở lứa tuổi 26 - 35 chiếm tỷ lệ cao nhất, thấp nhất là bệnh nhân lứa tuổi 46 - 50.
Các hình thức tự sát mà các bệnh nhân thực hiện như: treo cổ; nhảy lầu; uống thuốc tân dược, thuốc diệt cỏ; nhảy xuống sông, giếng, ao; hủy hoại thân thể; nhịn ăn… Khởi phát bệnh trầm cảm tự sát gặp nhiều ở lứa tuổi từ 16 - 50. Trong đó nhóm tuổi mắc bệnh cao nhất là 26 - 35 chiếm (36,67%). Tỷ lệ tự sát của lứa tuổi từ 16 - 45 là 96,67%, trong khi đó nhóm tuổi 45 chiếm tỷ lệ 3,33%. Như vậy đa số bệnh nhân tự sát ở vào lứa tuổi từ 16 đến 45.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, trầm cảm nặng thường gặp ở tuổi từ 25 - 35, trong đó tuổi từ 14 - 18 khoảng 18,5%, ở thanh thiếu niên trước dậy thì là 0,5 - 3%.
Có thể trở lại với công việc
Theo báo cáo của TS Tô Thanh Phương - tác giả thực hiện nghiên cứu trên, các trường hợp bệnh nhân tự buộc tội (16,67%) cho là mình có tội lỗi với mọi người, đã làm khổ chồng con và gia đình, hoặc tự nghi bệnh (6,67%) luôn cho là mình bị mắc bệnh nặng, khẳng định mình bị bệnh chữa mãi không khỏi nên tuyệt vọng dẫn đến tự sát. Thậm chí một số lại tự ám ảnh mình bị đầu độc (6,67%), luôn cho là có người đầu độc mình, trộn thuốc độc vào thức ăn và nước uống do vậy chống đối không ăn... Tất cả các loại hoang tưởng này thường dẫn người bệnh đến hành vi tự sát. Ngoài ra có những bệnh nhân bị ảo thanh trong trầm cảm, xuất hiện tiếng nói trong đầu xui bệnh nhân tự sát.
Kết quả nghiên cứu điều trị với 30 bệnh nhân nêu trên cho thấy, các biểu hiện tuyệt vọng, khóc nhiều, hoảng sợ giảm hết. Các biểu hiện đau khổ giảm cũng nhiều (chỉ còn 6,67%); buồn rầu vì cho là mắc bệnh nặng còn 16,67%. Các hoang tưởng bị tội, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng bị đầu độc đều giảm. Tuy nhiên ảo thanh xui khiến sau điều trị vẫn còn 6,67%.
Các bác sĩ cho biết, việc điều trị bệnh nhân đã thực hiện hành vi tự sát bằng phối hợp thuốc an thần kinh và chống trầm cảm thế hệ mới đạt hiệu quả cao. Sau điều trị không còn bệnh nhân có ý định tự sát. “Có trường hợp bệnh nhân sang Mỹ học nghiên cứu sinh, do trầm cảm đã lao vào ô tô tự sát, may mắn không gặp vấn đề nghiêm trọng. Khi về nước bệnh nhân được chúng tôi điều trị thì bệnh ổn tốt, trở lại công tác giảng dạy bậc đại học", tác giả của đề tài nghiên cứu cho biết.
Nguồn: Tiengchuong.vn