(Congannghean.vn)-Việc tung tin đồn thất thiệt không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy đã có những ví dụ nhãn tiền về hậu quả của hành vi trên, song một số người lại không lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà tiếp tục trượt dài theo “vết xe đổ”.
Những hoang tin về việc trẻ con bị bắt cóc khiến dư luận nhiều lần dậy sóng, hoang mang |
Ngày 7/9, Công an tỉnh Gia Lai đã cung cấp thông tin ban đầu về nội dung tìm thấy vị trí máy bay MH370 của Malaysia mất tích cách đây 4 năm rơi trên địa bàn. Trước đó, vào sáng cùng ngày, 1 tờ báo đăng tải với nội dung, 1 công dân tại địa phương đến tòa soạn cung cấp thông tin cùng clip về tung tích, vị trí máy bay MH370 rơi. Theo thông tin đăng tải, quá trình đi làm thuê tại tỉnh Đắk Nông, người này đã quay lại hình ảnh và vị trí máy bay MH370 rơi trên Google Earth, sau đó đưa lên Youtube và đã gỡ xuống vì một số lý do. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, thông tin tìm thấy vị trí máy bay MH370 rơi không có cơ sở, thiếu căn cứ khoa học. Hiện, Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra về hành vi tung tin đồn thất thiệt.
Trước đó, tại Nghệ An, Công an huyện Tương Dương đã triệu tập 6 đối tượng tung tin đồn thất thiệt về Thủy điện Bản Vẽ bị vỡ đập, gây hoang mang dư luận. Theo đó, vào khoảng 9 giờ ngày 31/8, trong lúc Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng lớn (4.200m3/s), 6 đối tượng phát tán thông tin qua mạng xã hội facebook về việc “Thủy điện Bản Vẽ bị vỡ đập”, khiến rất nhiều người lo lắng, bỏ chạy lên núi lánh nạn. Công an huyện Tương Dương đã xác định và triệu tập các đối tượng này để điều tra.
Cũng liên quan đến hành vi trên, vào khoảng 1 giờ ngày 22/7, trang “Vi Phượng” đã đăng tải một số bình luận về hình ảnh mưa lũ trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn. Sau đó, facebook “Ngoc Tuấn Lương” đã vào bình luận với nội dung “Đê Mường Mọc cách Nậm Mô 90 cây số sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay. Anh em di dời còn kịp”. Thông tin trên được chia sẻ đã gây hoang mang cho nhiều người dân. Sau khi xác định chủ nhân facebook “Ngoc Tuấn Lương”, Công an huyện Tương Dương đã ra văn bản tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xử phạt 12,5 triệu đồng.
Đó chỉ là các ví dụ cho thấy những thông tin thất thiệt không chỉ là chiêu trò câu like mà còn gây hậu quả khôn lường. Cùng với sự phát triển và ảnh hưởng của mạng xã hội, những hành vi phát tán thông tin bịa đặt, thất thiệt đang xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trên xảy ra phổ biến hơn là do người dùng thiếu kỹ năng chọn lọc và chia sẻ thông tin, nhất là trong lúc diễn biến tâm lý con người thường có xu hướng hứng thú, quan tâm đến những thông tin kiểu giật gân. Tất nhiên, không loại trừ những trường hợp kinh doanh online lan truyền thông tin thất thiệt để câu like, thu hút sự chú ý của người dân, tăng lượng người truy cập. Rất nhiều trường hợp khi đối mặt với cơ quan chức năng mới nhận ra hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của mạng xã hội. Rất nhiều thông tin liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, những phản ánh của người dân tại cơ sở, thông qua các trang mạng xã hội đã là kênh tiếp cận hữu hiệu của các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý vụ việc. Đối với mạng xã hội, bất cứ người dùng nào cũng trở thành “1 phóng viên”, trong đó sẽ có những tin tốt và đi kèm là những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật. Do có số lượng lớn người tham gia nên mức độ tương tác và ảnh hưởng trên facebook là rất lớn. Vì thế, mức độ lan truyền những thông tin gây chú ý dư luận rất nhanh và khó kiểm soát.
Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng (Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP). Tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 “Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin”, Nghị định này cũng quy định: Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định cụ thể, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của 1 tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại; đồng thời còn có quyền yêu cầu tòa bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân, tổ chức. Việc đưa các tin đồn thất thiệt cũng có thể bị xử lý hình sự, tùy vào mức độ vi phạm. Theo Điều 122, Bộ luật Hình sự 1999, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Dẫn lược ra một số quy định trên để thấy, hậu quả của việc đăng tải, chia sẻ thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý nghiêm. Ngay cả khi đăng và bình luận thông tin, mỗi người phải thể hiện quan điểm cá nhân mang tính xây dựng, phù hợp với thuần phong mỹ tục chứ không lợi dụng mạng xã hội để thực hiện mục đích trục lợi và bôi xấu, hạ bệ người khác. Vì thế, trước khi tiếp cận, chia sẻ bất cứ thông tin gì, mỗi người chỉ cần dừng lại kiểm chứng xem độ chính xác, nguồn gốc của nội dung trên. Căn cứ vào mức độ và hậu quả của việc tung tin sẽ có mức xử phạt tương ứng, vì thế, mỗi công dân mạng cần tự ý thức, nâng cao ý thức trách nhiệm trên internet, tránh vô tình tiếp tay cho đối tượng xấu.