(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh, nhiều học sinh, sinh viên, công nhân, hộ gia đình thuê nhà trọ đang phải trả mức giá tiền điện sinh hoạt cao hơn nhiều so với mức giá quy định. Điều này khiến cho cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại càng thêm vất vả.
Tự ý tăng giá điện
Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều khu nhà trọ học sinh, sinh viên, công nhân ở các phường Bến Thủy, Trường Thi, Trung Đô, Lê Lợi, Hưng Dũng (TP Vinh) đang phải chịu mức giá điện và nước sinh hoạt mỗi tháng cao hơn so với quy định. Cụ thể, tại khu trọ của một số địa điểm nêu trên, hầu như người thuê đều phải đóng trung bình khoảng 3.000 - 3.500 đồng/số điện, thậm chí có nơi phải trả 4.000 đồng/số điện. Với việc đóng tiền điện quá cao khiến học sinh, sinh viên, công nhân lao động rất bất bình, ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt cũng như các khoản chi tiêu hằng ngày.
Hiện tại, sinh viên, người lao động thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt |
Nguyễn Thị Lâm, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Vinh cho biết: Hiện nay em đang thuê trọ tại đường Bạch Liêu, phường Bến Thủy. Mỗi tháng, Lâm phải chi trả 1,2 triệu đồng tiều thuê phòng, tiền gửi xe máy 40.000 đồng, tiền điện 3.000 đồng/số, tiền nước 10.000 đồng/số. Vì giá điện cao nên nhiều khi Lâm không dám sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như tủ lạnh, quạt trần, điều hòa, ấm đun nước siêu tốc hay bình nóng lạnh… Nhiều lần Lâm thắc mắc với chủ nhà về tình trạng giá điện sinh hoạt cao nhưng chủ nhà cho biết, đây là mức giá chung của khu vực này; đồng thời cũng lý giải, nguyên nhân dẫn đến mức giá điện cao là do chủ nhà phải tính thêm tiền tiêu hao điện qua đường dây; rồi tiền điện để bơm nước, thắp sáng cầu thang, nhà để xe, hàng lang; tiền điện sạc ắc quy xe đạp điện, tiền đầu tư trang thiết bị như đồng hồ đo điện…
Nếu khu nhà trọ của Lâm thu giá điện 3.000 đồng/số thì tại nơi sinh viên Hoàng Văn Nam (Đại học Công nghiệp) ở trọ (phường Lê Lợi, TP Vinh), mức giá điện được chủ nhà trọ thu “mạnh tay”' tới 4.000 đồng/số. Nam cho biết, gần 2 năm học tại TP Vinh, Nam đã chuyển đến 6 nhà trọ và mỗi nơi trọ tính một giá điện, nơi rẻ nhất là 2.500 đồng/số, nơi đắt nhất là 4.000 đồng/số. Tuy nhiên, do thuận tiện để đi học và làm thêm nên Nam đành thuê trọ ở đây.
“Càng ở các khu vực gần trung tâm hay tại những khu nhà trọ cao tầng, khu vực đông sinh viên thì giá điện càng cao. Hơn nữa, đây gần như là mức giá được các chủ nhà trọ ngầm thỏa thuận với nhau. Vậy nên, tại các khu vực trung tâm thành phố, giá điện thấp nhất cũng 3.000 đồng/số và cao thì 4.000 đồng/số. Mùa hè, nếu dùng nhiều thiết bị điện cao cấp như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, mỗi tháng cũng phải trả gần 1 triệu đồng tiền điện. Ngay như tháng 5 vừa qua, mới chớm nắng nóng, tiền điện phòng em đã lên mức 600.000 đồng do dùng điều hòa”, Nam cho biết.
Hiện nay, tại các khu nhà trọ trên địa bàn TP Vinh, sinh viên, công nhân lao động đang phải trả mức tiền điện sinh hoạt dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kWh. Đây là mức giá cao hơn nhiều so với giá điện sinh hoạt thông thường. Nhiều sinh viên, công nhân lao động biết rất rõ điều này, thế nhưng, họ không còn lựa chọn nào khác, bởi hầu như các khu nhà trọ đều thu mức giá tương đương.
Kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định
Theo Điều 12, Khoản 6, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt. |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chính sách giá điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở được quy định cụ thể tại Điều 10, Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện. Theo đó, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) thì được cấp định mức hoặc áp một giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ). Hồ sơ gồm sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Khi có thay đổi về người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Theo quy định, cứ 4 người thuê nhà được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh với mức giá 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện. Trong trường hợp này, chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành, cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký HĐMBĐ đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà có thể ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Khi đó Công ty Điện lực sẽ phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.
Trước việc chủ nhà trọ thu tiền giá cao hơn so với quy định, đại diện Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Công ty đã và đang phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Công Thương thực hiện kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà ở trên địa bàn quản lý để hạn chế trường hợp chủ nhà trọ lợi dụng chính sách giá để trục lợi; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ. Thực hiện niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, tại các điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND phường, xã, thị trấn.