Chuyện bàn về tăng tuổi nghỉ hưu đã được đề cập rất nhiều thời gian qua. Đồng thời cũng đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh hiện nay là chưa phù hợp.
Ngày 23-4, một trong những nội dung sơ bộ của đề án cải cách Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội là đề xuất tăng tuổi hưu, thì câu chuyện này lại nóng trở lại. Theo 2 phương án Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, một là nữ lên 60 tuổi và nam lên 62 tuổi; hai là nữ lên 60 tuổi và nam lên 65 tuổi.
Tăng tuổi nghỉ hưu vì BHXH
Theo Bộ LĐ- TBXH, tính đến cuối năm 2017 đã có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016. Năm 2017, số thu bảo hiểm bắt buộc ước là 197.500 tỉ đồng, đạt 103,7% kế hoạch.
Để mở rộng đối tượng tham gia thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần quy định giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, gắn với quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước như ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thiết kế chính sách BHXH công bằng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu người đóng BHXH rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng. Như vậy, người lao động có thể nhận lương hưu khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại, có thể dưới 20 năm, tất nhiên là chỉ được nhận BHXH tương ứng với số tiền họ đóng.
Đề án cải cách BHXH trong đó có tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục thu hút sự quan tâm của xã hội. |
Cải cách BHXH, theo Bộ LĐ-TB&XH phải tập trung bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Muốn vậy, cần thiết kế xây dựng chính sách bảo hiểm ba tầng. Trong đó, thứ nhất là tầng an sinh - lương hưu xã hội; tầng thứ hai là bảo hiểm bắt buộc; và tầng 3 là bổ sung, mà thực chất là bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động đóng thêm bảo hiểm và hưởng lương hưu cao hơn, hỗ trợ quỹ lớn hơn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, nội dung quan trọng khác cũng cần được xem xét là việc điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện đang quy định 20 năm, có những người tham gia 10 năm, 15 năm thì không thể theo được nữa. Hiện có khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH, trong khi số liệu cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600.000 DN đang hoạt động.
Như vậy, còn trên 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, ước tính với khoảng 3 triệu người lao động. “Việc điều chỉnh lương hưu, trong đó có liên quan đến nội dung kéo dài thời gian lao động theo lộ trình để không gây sốc. Đề án đưa ra hai phương án, dù chọn phương án nào cũng đều phải thực hiện theo lộ trình. Phương án nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi sẽ được thực hiện theo lộ trình mỗi năm 3 tháng, còn phương án 2 nữ 60 tuổi, nam 65 tuổi mỗi năm 4 tháng để không gây sốc cho xã hội”, ông Đào Ngọc Dung lý giải.
Giải pháp đã tối ưu?
Đề cập đến đề án cải cách BHXH mà Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cũng cho rằng BHXH hiện nay còn rất nhiều vấn đề. Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) với các chính sách BHXH như hiện hành thì đến năm 2021 thu sẽ không đủ chi trong năm và đến năm 2034 phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ bao phủ BHXH vẫn thấp so với các nước, nên quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối dài hạn, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm.
Bên cạnh đó, các chế độ BHXH cũng chưa đa dạng và linh hoạt, hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH chưa thuận lợi cho DN và người lao động...
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Việt Nam hiện chỉ có bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc, khống chế mức trần đóng, lại không có bảo hiểm hưu trí bổ sung để những người có nhu cầu, muốn hưởng lương hưu cao thì đóng thêm vào. Mà BHXH tự nguyện thu hút người đóng thấp quá. Khu vực lao động phi kết cấu có tới 54 triệu người nhưng chỉ hơn 25% trong số này tham gia BHXH, vẫn còn 75% người lao động chưa tham gia.
“Việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu, nhưng có tác động đến cân đối quỹ BHXH. Một trong những mục đích tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối quỹ BHXH, cần tính toán kỹ hơn vì có thể được lợi cho quỹ BHXH nhưng sẽ bất lợi cho ngân sách Nhà nước”, ông Chính nói.
Theo phân tích của ông Chính, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 2,34. Trong khi lương của người lao động đến tuổi nghỉ hưu ít nhất cũng hơn 6,0 (gấp gần 3 lần), nhưng chất lượng làm việc của người lao động đến tuổi nghỉ hưu chưa chắc đã bằng lớp trẻ khi tới đây chúng ta sẽ bước vào thời đại 4.0. Ngân sách Nhà nước phải trả tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần cho những cán bộ, công chức cao tuổi đó.
“Quan điểm của chúng tôi là tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán lộ trình, nên ưu tiên nhóm có trình độ cao và tăng ở khu vực hành chính sự nghiệp trước. Cán bộ, công chức sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng tuổi nghỉ hưu vì cần sử dụng lao động có kinh nghiệm, chất xám. Tuy nhiên, cũng phải tính tới yếu tố chỉ cần một bộ phận nhỏ, chứ không phải tất cả cán bộ, công chức đều phát huy được hiệu quả”, ông Chính nêu quan điểm.
.