(Congannghean.vn)-Huyện Tương Dương (Nghệ An) có đến 4 nhà máy thủy điện, 3 trong số này đã hòa lưới điện Quốc gia nhưng đến nay, vẫn còn 25 bản làng của 5 xã vẫn chưa có điện. Thực trạng này cũng đang xảy ra tại hơn 100 bản của 8 huyện miền núi trong toàn tỉnh.
Xã Lượng Minh nằm cách trung tâm thị trấn Hòa Bình khoảng 10 km, lọt thỏm giữa 2 nhà máy thủy điện lớn là Bản Vẽ và Nậm Nơn. Để nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân của xã Lượng Minh và các xã bị ảnh hưởng lân cận đã phải chuyển đến nơi ở mới. Những người còn lại, với niềm tin mãnh liệt sẽ được thừa hưởng ánh sáng từ điện lưới quốc gia, ít nhất là từ 2 nhà máy thủy điện trên địa bàn. Thế nhưng, điều nghịch lý không tưởng đã xảy ra, dưới chân nhà máy thủy điện nhưng vẫn còn hàng trăm hộ dân phải thắp đèn dầu, chạy tua bin nước để đổi lấy thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mực nước tự nhiên.
Những chiếc máy tuabin phát điện là nguồn sáng duy nhất của hàng nghìn hộ dân dưới chân nhà máy Thủy điện |
Ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết: Toàn xã Lượng Minh có 10 bản, với 1.142 hộ dân thì có đến 6 bản chưa có điện, bao gồm bản Đữa, bản Minh Tiến, Minh Thành, Chằm Puông, Cà Moong và Xốp Cháo với khoảng 4.800 nhân khẩu. Những bản này đều nằm trong vùng địa lý không thuận lợi, đi lại khó khăn, thậm chí đến sóng điện thoại cũng phập phù. Trong đó, khoảng cách từ bản gần nhất là Xốp Cháo đến Nhà máy thủy điện bản Vẽ chỉ khoảng 10 km, còn lại một số bản nằm cách trung tâm xã khoảng trên dưới 30 km. Thời điểm trước Tết Nguyên đán năm nay, khi chúng tôi có mặt tại Lượng Minh, nhân viên điện lực đang kéo đường dây hạ thế vào bản Cà Moong. Khẩn trương là vậy, nhưng lại thêm một mùa xuân nữa, người dân Cà Moong vẫn chưa thể “bén duyên” với điện lưới.
Là một trong những xã chịu ảnh hưởng từ thủy điện bản Vẽ, đến nay, xã Yên Tĩnh cũng còn 4 bản chưa có điện lưới quốc gia là Pà Khốm, Huồi Pai, Cha Lúm và Na Cáng. Trong đó, gần trung tâm xã nhất là bản Pà Khốm với tầm 10 km, bản xa nhất là 19 km. Tổng số hộ dân chưa được hưởng lợi từ điện lưới trên địa bàn Yên Tĩnh là 407 hộ dân, 1.761 nhân khẩu. Riêng 2 bản Pà Khốm và Cha Lúm, đường điện 35KW đã được kéo qua bản để đưa điện vào xã Hữu Khuông, chỉ cần hạ thế xuống 110KW là người dân có thể dùng được điện lưới, nhưng từ mấy năm nay, “chỉ cho thấy mà không cho dùng”, như lời của một người dân tại đây chua chát.
Trưởng bản Cha Lúm Pay Văn Thông vừa xót xa chỉ cho chúng tôi thấy đường điện vắt qua bản, vừa lắc đầu, nhún vai chia sẻ: 137 hộ dân với 589 nhân khẩu của bản rất khát khao được một lần sử dụng ánh điện lưới quốc gia. Mấy năm trước, khi thấy cán bộ điện lực trồng cột, kéo dây qua bản, ai cũng vui mừng nhưng khi biết điện đó chỉ để cung cấp cho người dân xã Hữu Khuông, mọi người lại thất vọng, trở về với những chiếc tua bin nước quen thuộc từ hàng chục năm qua của mỗi gia đình. Ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết thêm: Chính quyền địa phương đã nhiều lần có kiến nghị lên cấp trên nhưng do nguồn vốn chưa đáp ứng được nên người dân Yên Tĩnh vẫn chưa được dùng điện lưới quốc gia.
1 người dân bản Na Khốm, xã Yên Tĩnh ngao ngán khi nhìn đường điện 35KW chạy qua bản nhưng không được sử dụng |
Nhắc đến Hữu Khuông, chúng tôi lại nhớ đến lời ông Chủ tịch UBND xã Lô Văn Chiến, rằng để nhà máy thủy điện Bản Vẽ tích nước và đi vào hoạt động, người dân xã Hữu Khuông phải di dời 5 bản Xiềng Lầm, Nhãn Nhinh, Nhãn Mông, bản Hiển và bản Muổng. Hy sinh đất để làm dự án thủy điện, sống cạnh nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung nhưng người dân nơi đây phải chấp nhận cảnh sống không điện. Cả xã hiện mới chỉ có 3 trong số 7 bản được dùng lưới điện thắp sáng. 260 hộ dân thuộc 4 bản Tủng Hốc, Chà Lâng, Huồi Phủng, Phủng Bón vẫn chưa có điện lưới để sinh hoạt, nguồn sáng duy nhất là những chiếc máy phát điện tuabin nhỏ đặt ở dưới suối, 2 - 3 gia đình chung tiền mua một chiếc để sử dụng.
Tương Dương là một trong những huyện có nhiều nhà máy thủy điện nhất được xây dựng và đưa vào vận hành. Trong đó, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ có công suất 320MW, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung. Năm 2010, đã phát điện, hòa vào lưới điện Quốc gia. Nhà máy thủy điện Khe Bố với công suất 100 MW cũng hòa lưới điện Quốc gia năm 2013. Cùng với đó, Thủy điện Nậm Nơn có công suất 20MW, năm 2015 cũng đã phát điện. Ngoài ra, tại địa bàn huyện này vẫn còn một số dự án nhà máy thủy điện khác đã và đang đầu tư xây dựng như Thủy điện Yên Thắng, Thủy điện bản Ang, Thủy điện Xoỏng Con, Xốp Cốc… Gần đây nhất, dự án nhà máy Thủy điện bản Pủng tại xã Lưu Kiền, được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của bà con nhân dân nơi đây.
Ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện Tương Dương còn có 25 bản chưa có điện thắp sáng để sử dụng. Sở Công Thương và Điện lực Nghệ An cũng đã có nhiều cuộc làm việc và lộ trình để kéo điện cho các hộ dân nhưng vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai. Trong khi đó, theo số liệu của Ban quản lý dự án, Công ty Điện lực Nghệ An thì đến nay, toàn tỉnh Nghệ An hơn 100 bản chưa có điện lưới. Sau khi triển khai giai đoạn 1 mới kéo điện về được 43 bản với 16 trung tâm xã. Hiện, để có thể kéo điện về đến các thôn bản thì cần khoảng hơn 500 tỉ đồng.
Việc hàng chục nhà máy thủy điện mọc lên tại các huyện miền Tây xứ Nghệ đã để lại không ít hậu quả, mất nhiều hơn được là điều đã được thực tế chứng minh, như nhường đất sản xuất, di dời tái định cư khiến người dân thiếu đất sản xuất, không thích nghi với nơi ở mới; ô nhiễm môi trường khi tích nước, gây ngập lụt khi xả lũ; thậm chí nhiều dự án đến nay việc đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong... Thế nhưng, trong bối cảnh khốn đốn vì nhường đất cho thủy điện, những người dân nơi đây vẫn chưa được hưởng lợi từ nguồn sáng tại các nhà máy thủy điện này, có lẽ là bi kịch nhiều hơn nghịch lý.