Chính những lần tiếp xúc với bệnh nhân với mẹ, bé Hải An hiểu được những điều hay lẽ phải ở đời và ước muốn được hiến tạng cho y học của hai mẹ con cũng xuất phát từ những lần như thế.
Đó là điều mà ngay từ khi bé Hải An còn nhỏ, chị Nguyễn Trần Thùy Dương vẫn dạy con như thế. 2 tuổi, bé đã theo chân mẹ lên giảng đường Đại học Y để cùng mẹ hoàn thành giấc mơ trở thành bác sĩ.
Chính những lần tiếp xúc với bệnh nhân với mẹ, bé hiểu được những điều hay lẽ phải ở đời và ước muốn được hiến tạng cho y học của hai mẹ con cũng xuất phát từ những lầnnhư thế.
Chiều 22-2, bé Hải An qua đời vì căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa, căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em và điều trị vô cùng khó khăn. Mẹ bé và gia đình đã hiến tặng giác mạc của con để trao ánh sáng cho người khác. Nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và gia đình khiến nhiều người xúc động.
Bé Hải An những ngày còn nằm viện điều trị. |
Giờ đây, mặc dù bé Hải An đã ra đi, nhưng câu chuyện hiến giác mạc của bé sẽ còn lại mãi. Hai bệnh nhân đã được ghép giác mạc thành công từ giác mạc của bé. Mẹ bé vẫn mong mỏi được nhìn thấy những điều còn lại của cô con gái bé bỏng từ đôi mắt của hai bệnh nhân mới được phẫu thuật.
Có người bảo chị là nhẫn tâm khi cướp mất ánh sáng của con, để con sang thế giới bên kia không còn đôi mắt nguyên vẹn để nhìn thấy đường đi, nhưng chị chỉ cười trong nước mắt: "Đó là di nguyện cuối cùng của bé Hải An".
Những ngày bé Hải An theo mẹ đến giảng đường đại học, An được coi là "sinh viên y khoa nhỏ tuổi nhất". Trong lớp học, cô bé ngồi rất ngoan, chăm chú theo dõi lời thầy giảng, đến nỗi thầy giáo còn bảo các anh chị sinh viên quá mất trật tự, ý thức còn không bằng một cô bé 2 tuổi.
Cũng trong thời gian đi học, chị Dương xin đi làm thêm ở nhiều nơi để có thêm kinh nghiệm thực tế và nâng cao tay nghề. Và An lại theo chân mẹ đến nhiều bệnh viện, phòng khám để thực tập chăm sóc, tư vấn cho các bệnh nhân.
Được tiếp xúc với bệnh nhân, chứng kiến nỗi đau mà họ phải chịu đựng, An thương lắm. Cô bé thường thắc mắc hỏi mẹ về bệnh tình của họ và những điều cần thiết để giúp họ vượt qua.
Chị Dương lại giải thích cặn kẽ và chia sẻ với cô con gái thông minh, sớm hiểu biết về cuộc sống, về ý nghĩa của việc hiến tạng, rằng mỗi bộ phận cơ thể đều có ích nên lúc nào cũng phải chăm sóc nội tạng thật tốt.
Bởi chị đã có ý định hiến tạng cho y học sau khi mất từ khá lâu. Hải An cũng muốn được làm điều đó với mẹ, nhưng vì con còn quá bé, nên chị Dương lại nhẹ nhàng động viên con gái, chờ con gái lớn, hai mẹ con cùng thực hiện dự định đó.
Trước khi mất, bé Hải An còn muốn thực hiện ý định hiến tim cho bệnh nhân nhưng quy định của hiến tạng phải đủ 18 tuổi trở lên, trong khi con còn quá nhỏ, nên hai mẹ con quyết định hiến tặng giác mạc của bé.
Bé Hải An ra đi nhưng thông điệp em gửi lại thì còn mãi. |
Trong căn phòng nhỏ nghi ngút khói hương, nhà của bà ngoại bé Hải An, chị Dương ngồi thất thần bên bàn thờ con gái. Kể từ ngày bé Hải An bị bệnh rồi mất, chị Dương phải bán cả nhà đi chữa bệnh cho con rồi đi ở nhờ nhà người quen. Trước khi Hải An mất, vợ chồng chị chẳng còn nhà để đưa con về, đành đưa bé về nhà bà ngoại ở Mỹ Đình.
Người mẹ ấy đã không còn nước mắt để khóc con, bởi nước mắt chị đã cạn sau bao lần khóc thương cô con gái bé bỏng từ khi phát hiện con bé bị bệnh. 3 tuổi chị đã phát hiện bé có nốt ruồi lạ. Linh cảm về điều không hay, chị đã gửi mail cho cả chuyên gia nước ngoài để tư vấn và gần như chết lặng khi biết rằng đó là nốt ruồi cảnh báo ung thư.
Mẹ luôn là người gắn bó với bé Hải An nhất. |
Tháng 9-2017, Hải An bắt đầu có dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7, khiến mồm méo, mắt có hiện tượng song thị. Gia đình sau đó đưa bé đi châm cứu và chữa bằng đông y nhưng tình trạng không tiến triển nhiều. Hai tháng sau, Hải An được chụp CT mới biết chính xác khối u ở đâu. Rút tờ kết quả chụp phim ra, chị Dương chết lặng khi thấy ghi "u thân não". Chị có hỏi bác sĩ: "Xạ trị thì được bao lâu? Chị ơi có được 18 tháng không?".
Bác sĩ lắc đầu. "Thế 9 tháng có được không?". Bác sĩ cũng lắc đầu. "Con em bây giờ tính ngày hay tính tháng?". "Tính ngày đi em! Em phải bình tĩnh để còn lo cho con". Đó cũng là những ngày tháng khủng hoảng, đau đớn nhất của chị. Dẫu biết con mang mầm mống ung thư nhưng chị không ngờ nó lại nằm trong não.
Cũng từ khi phát hiện Hải An bị bệnh, chị Dương nghỉ hẳn việc học và làm thêm để đồng hành cùng con. Trong hành trình chữa bệnh cho Hải An, có những lúc chị không thể mạnh mẽ bằng con gái. Khi vào viện xạ trị, Hải An còn động viên bệnh nhân khác bằng sự lạc quan và nghị lực của mình. Không ít lần, Hải An còn phải lau nước mắt cho mẹ.
Thanh quản của Hải An có vấn đề khiến bé không nói được mà chỉ bập bẹ, một bên tay bé cũng bị liệt. Những lúc không chịu nổi đau đớn, bé khóc và đồng ý để mẹ truyền giảm đau.
Với cân nặng của Hải An, con chỉ được dùng 1/3 chai giảm đau nhưng nhiều khi bé với tay giật dây, mong được truyền hết. Từ ngày Hải An vào viện, chị Dương thường phải xay nhuyễn thức ăn và cho con ăn qua ống xông để bé không nôn.
10 ngày cuối cùng, Hải An rơi vào hôn mê, phải mở khí quản và chỉ mở mắt tỉnh đúng ba lần. Hôm Hải An phẫu thuật đặt nội phế quản, nhìn con xanh xao gầy gò, chị khóc bảo: "An nhà mình chắc phải 9 tiếng mới tỉnh lại" thì vừa nói xong, con mở mắt, nghĩa là con chỉ mất 5 tiếng để tỉnh. Chị chỉ kịp hỏi con có mệt không, con bé không trả lời rồi nhắm mắt ngủ tiếp và không bao giờ tỉnh lại. Đưa con về nhà, chị có ấn lồng ngực cho con thì Hải An mở mắt đúng một lần trước khi mất.
Mấy ngày nay, người mẹ trẻ giữ khư khư bên mình điện thoại và iPad để ngắm ảnh rồi xem lại video về con. Chiếc iPad anh chị mua tặng con bé mấy năm nay, vô tình mở ra xem ảnh về con, chị mới phát hiện con bé gửi tin nhắn cho mình từ rất lâu.
Trong mỗi phần note mà chị cóp nhặt trên mạng về công việc, về những lời răn dạy của đạo Phật, chị lại thấy con bé chèn những lời nhắn nhủ cho mẹ. "Mẹ ơi ăn uống mỗi ngày phải ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh, hoa quả ăn nhiều không sợ, đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp, không vội".
"Mẹ ơi, mẹ đừng dùng thuốc ngủ nhé".
"Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Mẹ nhớ uống nước đấy nhé!".
"Mẹ ơi con yêu mẹ, đừng khóc mẹ nhé!".
"Mẹ ơi con yêu mẹ! Mẹ nhớ cho Bun ăn nhé".
"Mẹ ơi con yêu mẹ! Mẹ đừng quên con nhé".
"Mẹ ơi con yêu mẹ! Mẹ đã gặp lại con chưa?" ...
Hải An từng hỏi mẹ thiên đường là gì, lúc ấy chị lại giải thích cho con thiên đường là một nơi rất đẹp, con có bảo hai mẹ con mình sẽ cùng lên thiên đường nhé.
Nghe con hỏi, chị chỉ biết ôm con vào lòng và khóc. Nhưng đến khi Hải An mất, chị lại vô tình tìm được bức ảnh An vẽ mình cầm chùm bóng bay bay lên thiên đường và lời nhắn nhủ phía dưới "Mẹ chờ con 500 năm nữa mẹ nhé".
Ngày nào chị cũng mở iPad ra để lục tìm những lời nhắn thân thương ấy. Có những lúc nhớ con gái, chị lại phóng xe máy về trường học của con, đứng trước cổng trường để ngắm, để nhớ lại hình ảnh cô con gái xinh xắn, dễ thương những ngày còn đi học. Rồi chị lại phóng xe thong thả ra khu vực hồ Đền Lừ, nơi con bé thích dắt em chó Bun đi dạo mỗi buổi chiều đi học về.
An thích động vật lắm, chẳng thế mà ước mơ ngây thơ trong trẻo của con bé sau này là trở thành bác sĩ thú y. Bất chợt thấy bóng dáng chị ở công viên, nhiều anh chị em, cô bác lại xúm xít hỏi: "Bé An đâu, không thấy An với Bun ra chơi", lúc ấy chị lại rưng rưng, cố kìm nén nỗi đau để thông báo cho họ biết bé An đã mất.
Mơ ước được làm bác sĩ thú y của bé Hải An mãi mãi không bao giờ thành hiện thực. |
Sau khi Hải An mất, chị Dương nhận được nhiều cuộc điện thoại của cả người quen và người lạ. Có người gọi đến chia sẻ nỗi đau mất mát vô bờ bến với chị, nhưng có người cùng hoàn cảnh, con họ cũng mắc bệnh ung thư như An đang phải giành giật sự sống từng ngày.
Họ gọi điện đến để nhờ tư vấn, để tìm đến một sự hỗ trợ về tinh thần, coi chị như một người thân, một chỗ dựa tin cậy. Cũng nhiều người bày tỏ sự cảm phục với Hải An và hứa ngay sau đó sẽ đi đăng kí hiến tạng.
Để thực hiện di nguyện cũng như lời hứa với con, chị Dương cũng đi đăng kí hiến tạng ngay sau khi cô con gái bé bỏng của mình ra đi được vài ngày. Mong rằng, hành động đẹp của bé Hải An sẽ mãi mãi lan tỏa trong cuộc đời này.
.