Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201712/nghi-luc-vuot-kho-cua-chang-sinh-vien-khuyet-tat-770184/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201712/nghi-luc-vuot-kho-cua-chang-sinh-vien-khuyet-tat-770184/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghị lực vượt khó của chàng sinh viên khuyết tật - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 05/12/2017, 07:53 [GMT+7]

Nghị lực vượt khó của chàng sinh viên khuyết tật

(Congannghean.vn)-Sinh ra đã bị tàn tật bẩm sinh, đôi bàn chân teo tóp, không thể đi lại như người bình thường, ròng rã 12 năm trời đi học bằng đôi tay gầy yếu nhưng những khó khăn như vậy không ngăn nổi sự ham học của cậu bé này. Chàng thanh niên Lương Văn Mậu (SN 1998) đã khiến người dân ở “điểm nóng ma túy” bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An không khỏi thán phục khi em xuất sắc trở thành tân sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức vào tháng 9/2017 vừa qua.

Các bạn trong ký túc xá hiểu được hoàn cảnh vất vả của Mậu nên thay nhau đẩy xe lăn đưa Mậu tới giảng đường
Các bạn trong ký túc xá hiểu được hoàn cảnh vất vả của Mậu nên thay nhau đẩy xe lăn đưa Mậu tới giảng đường

Cuộc đời của Mậu là chuỗi ngày bất hạnh. Bố và mẹ “nhúng chàm” để rồi phải trả giá bằng những năm tháng dài đằng đẵng trong trại giam vì hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy khi Mậu vừa tròn 6 tuổi. Mậu và anh trai phải về nương nhờ ông bà ngoại già yếu. Kinh tế gia đình trông chờ vào nương rẫy và những lần lên rừng hái măng của ông. Một thời gian sau, ông cũng ra đi mãi mãi, một mình bà còm cõi nuôi con gà, con lợn, chắt chiu nuôi 2 đứa cháu trong mỏi mòn. Dẫu tật nguyền từ nhỏ nhưng Mậu là cậu bé rất ham học. Cậu xin phép ông bà theo chúng bạn cắp sách đến trường để có được kết quả cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2017 mới đây.

Những năm học tiểu học và THCS, con đường đến trường của Mậu tuy không xa nhưng đầy thử thách. Mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, mùa nắng thì bụi gió, ngôi trường nằm ở lưng chừng núi, lởm chởm dốc đá nên việc di chuyển lên, xuống đối với người bình thường đã khó, với Mậu còn khó hơn bội phần. Đôi chân teo tóp của Mậu cứ trái gió trở trời là đau nhức từng xương khớp, vì phải đi học sớm nên em thường xuyên nhịn đói để đến trường. Gian nan là vậy nhưng Mậu vẫn không bỏ buổi học nào. Lên đến cấp 3, sự học của Mậu nhiều lần tưởng chừng như buông xuôi. Bởi, trường cách nhà hơn 20 cây số, ông mất, 3 bà cháu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.

Với quyết tâm theo học con chữ, dù không có nhiều hy vọng vì bị tật nguyền nhưng Lương Văn Mậu vẫn quyết xin bà cho mình tiếp tục theo đuổi việc học. Em một mình lên thị trấn Hòa Bình thuê phòng để trọ học. Từ đây, hành trình đến trường của Mậu đỡ vất vả hơn khi em được một nhà hảo tâm tặng chiếc xe lăn. 2 năm đầu, một mình cậu tự lo liệu tất cả mọi việc, từ học hành, nấu ăn, giặt giũ đến các sinh hoạt khác. Với một người tàn tật, đó thực sự là một thử thách lớn không dễ gì vượt qua. Em thường ăn mì tôm để tiết kiệm từng đồng tiền nhỏ mà bà ngoại gửi cho.

Với điều kiện sức khỏe và lực học của mình, Lương Văn Mậu đăng ký dự thi vào ngành Điện dân dụng của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức. Theo Mậu, em đăng ký ngành học này với ước mong sau khi học xong, sẽ trở về bản mở một cửa hàng chuyên sửa chữa máy móc cho bà con. Những ngày đầu tháng 9/2017, cả xã Lượng Minh như vào ngày hội khi Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức cho xe đến đón Lương Văn Mậu, tân sinh viên của Trường đến nhập học.

Tuy nhà trường đã miễn toàn bộ học phí 3 năm học cùng tiền ở ký túc xá và tạo nhiều điều kiện trong học tập cho em, nhưng chàng tân sinh viên miền biên viễn xứ Nghệ ấy vẫn canh cánh nỗi lo lắng với khoản tiền ăn uống, sinh hoạt cá nhân trong suốt 3 năm học. Mậu tâm sự: “Bà ngoại em năm nay đã 70 tuổi, thường xuyên đau ốm. Giờ bà chỉ quanh quẩn trong vườn nhà, trồng được cây rau, cây ngô, sắn, lo được bữa đói, bữa no cho bà và đồng tiền ít ỏi gửi cho em. Em rất muốn đi làm thêm để đỡ đần cho bà nhưng với thân thể tật nguyền như thế này, không có chỗ nào thuê. Em chỉ mong ông trời cho đủ sức khỏe để học tập tốt, để bà ở nhà đỡ lo lắng, tự hào về đứa cháu tàn tật của bà mà thôi”.

.

Thu Thủy

.