Hơn 30 năm bên nhau, chưa bao giờ ông Dũng nặng lời với vợ, khi bà trở bệnh nặng, bệnh viện trả về, ông cầu khẩn: "Xin hãy cứu vợ tôi, dù chỉ còn 1 tia hi vọng".
Xóm trọ Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội là địa điểm sinh sống của hơn 100 bệnh nhân bị suy thận.
Chắc hẳn, trong suy nghĩ của nhiều người, ở đây nỗi buồn sẽ nhiều hơn niềm vui nhưng thực tế, nơi này lại khiến người ta cảm nhận được rõ rệt thế nào là tình người, tình yêu.
“Dù chỉ còn một tia hi vọng, xin bác sĩ hãy cứu vợ tôi”
Trong căn phòng chật chội, ẩm thấp chưa đầy 8m2 phía cuối dãy trọ, chúng tôi gặp vợ chồng ông Lê Hữu Dũng (60 tuổi) và bà Hoàng Thị Tư (58 tuổi) quê Ba Vì, Hà Nội.
Vợ chồng bà Tư gắn bó với xóm trọ được gần 10 năm, đó cũng là khoảng thời gian chồng bà xuôi ngược mưu sinh, giúp vợ chống chọi với căn bệnh suy thận mãn tính.
Vợ chồng ông Lê Hữu Dũng và Hoàng Thị Tư trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 8m2. Ảnh: Nhật Linh |
Bà kể: “Tôi chạy thận 1 tuần 3 lần. Sức khỏe yếu, tôi không làm được gì, tất cả đều một tay ông ấy chăm sóc, thuốc men”.
Kể về chuyện tình yêu của mình, bà Tư cho biết, vợ chồng bà lấy nhau năm 1982. Tuổi thơ không mấy hạnh phúc và những trận đòn roi đã khiến ông Dũng luôn khao khát có được một mái ấm yên bình.
Tuy nhiên, ông rời quân ngũ với tỉ lệ thương tật lên tới 61%, gia đình lại nghèo túng, đông em nên nhiều cô gái ngại ngần không dám đến với ông.
Bà Tư khi đó là cô gái khỏe mạnh, đảm đang, nhiều người trong làng muốn dạm hỏi cho con trai họ nhưng cảm động trước sự hiền lành, chịu khó của người thương binh, bà quyết định khước từ các mối nhân duyên đó, về làm vợ ông.
Trước tấm lòng người phụ nữ chấp nhận hi sinh để gắn bó với mình, ông Dũng đã nhủ lòng nguyện sẽ dành hết cuộc đời bù đắp cho vợ. “Hơn 30 năm bên nhau, ông ấy chưa bao giờ đánh mắng hay nặng lời với tôi dù chỉ 1 lần”, bà Tư chia sẻ.
Họ cùng nhau xem ti vi. Ảnh: Nhật Linh |
Nhớ lại quãng thời gian bà Tư lâm bệnh, ông Dũng nói: “Cuộc sống đói khổ, có khi tôi nhịn đói 2, 3 ngày ăn quả chuối xanh luộc, củ khoai nhường vợ con.
Lần lượt 3 đứa con ra đời, chồng ốm yếu, bà xã tôi gồng gánh, lo toan. Đến lúc các con trưởng thành, lập gia đình, tưởng hai vợ chồng có thể an hưởng tuổi già thì tai họa ập xuống…”.
Vẫn theo lời ông Dũng, bà Tư phát hiện bị suy thận cách đây 16 năm, tuy nhiên 6 năm đầu bà chỉ uống thuốc điều trị. Khi cậu con trai út kết hôn được nửa tháng, bệnh tình bà trở nặng, phải đưa xuống Hà Nội cấp cứu.
Bà Hoàng Thị Tư trò chuyện với bạn trong 'xóm chạy thận'. Ảnh: Nhật Linh |
“Lúc đó bà ấy đã rơi vào hôn mê sâu, bệnh viện trả về vì cơ hội sống của vợ tôi còn rất thấp. Tôi chạy đi tìm bác sĩ trong trạng thái bấn loạn, lạc cả giọng tôi hỏi: ‘Chuyện gì xảy ra với vợ tôi?’. Vị bác sĩ cho biết vợ tôi chỉ duy trì được từ 5 - 7 ngày. Nếu cứu được cũng khổ, phải chạy thận suốt đời.
Nghe bác sĩ nói, tim tôi như thắt lại, cảm giác như sắp mất bà ấy, tôi lặng người đi một lúc rồi nghẹn ngào bảo bác sĩ: ‘Còn sống được 1 ngày bác sĩ cũng cứu vợ tôi, thiếu tiền tôi sẽ bán nhà, miễn vợ tôi sống’, người thương bệnh binh 60 tuổi xúc động nhớ lại.
Bà Tư vừa chạy thận xong, cánh tay vẫn còn băng bó. Ảnh: Nhật Linh |
Gia đình lúc đó cũng khuyên ông Dũng đưa vợ về nhưng ông vẫn quyết tâm cứu bà, hễ bác sĩ bảo dùng thuốc nào tốt, kể cả đắt tiền ông cũng mua. Nhờ đó bà Tư thoát chết một cách kỳ diệu.
Chuyện tình lay động lòng người
Ròng rã suốt 1 năm đầu tiên, ông Dũng chở vợ vượt quãng đường 60 cây số xuống bệnh viện chạy thận rồi quay về.
Thấy hai vợ chồng ông Dũng đi lại vất vả, một số người giới thiệu ông đến 'xóm chạy thận' ở đường Lê Thanh Nghị thuê phòng. Từ đó vợ chồng họ chính thức trở thành cư dân của xóm trọ đặc biệt này.
Chiếc xe máy cũ ông Tư từng dùng để chạy xe ôm, kiếm tiền nuôi vợ ốm. Ảnh: Nhật Linh |
Hằng ngày ông Dũng đưa vợ vào lọc máu. Sau đó ông đưa vợ về phòng trọ rồi ra ngoài chạy xe ôm, bán kem, đánh giày, chăm người ốm kiếm thêm thu nhập.
“Căn bệnh suy thận đã lấy đi của tôi toàn bộ sức lực, đến thở thôi cũng mệt nên tôi chẳng làm gì được. Mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men đều dựa vào đồng lương hơn 2 triệu của ông.
Mỗi ngày, ông ấy chỉ dám ăn 1 bữa mì tôm, nhịn đói lấy tiền mua thuốc cho vợ. Vài năm trở lại đây, sức khỏe ông nhà tôi kém hẳn, vết thương cũ tái phát nên không thể đi làm được nữa.
Khi trở trời, ông ấy đau lắm mà vẫn cắn răng chịu, không dám kêu, sợ tôi suy nghĩ…”, nói đến đây bà Tư dừng lại, lấy tay gạt nước mắt.
Mỗi ngày ông Dũng chỉ dám ăn 1 gói mì tôm, tằn tiện lấy tiền mua thuốc cho vợ. Ảnh: Nhật Linh |
Bà Tư cho biết thêm, dẫu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng ông Dũng là người lạc quan và rất lãng mạn. “Những hôm tôi khó ngủ, ông ấy thức cả đêm hát nhạc vàng cho tôi nghe, còn sáng tác cả thơ để tôi quên đi đau đớn.
Dịp Lễ tình nhân 14/2 cách đây 2 năm, tôi đang thiêm thiếp nằm trên giường, ông ấy bất ngờ đặt vào tay tôi 1 hộp quà, mở ra là chiếc áo len mua bằng tiền ông ấy chạy xe ôm. Tôi hỏi tặng nhân dịp gì, ông nhà tôi bảo, thấy thanh niên nói là ngày Lễ tình nhân nên muốn tặng gì đó cho tôi ”, bà Tư nói.
“10 năm nay tôi không dám nghĩ đến mệt mỏi, vì mình quỵ thì vợ biết dựa vào đâu. 2 lần duy nhất tôi ốm, phải để bà ấy đi một mình. Những lúc như vậy lòng tôi luôn thấp thỏm không yên. Vì bệnh này nó biến chứng rất nhanh, như năm kia, đúng ngày 30 Tết vừa chạy thận xong, ra đến cổng vợ tôi ngất luôn.
Tôi hoảng quá, trước ngực đeo chiếc ba lô, phía sau thì cõng bà ấy, trời lạnh mà mồ hôi tôi túa ra ướt đẫm. Tôi chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Hôm đó nếu chậm vài phút là vợ tôi nguy hiểm tính mạng.
Cả cuộc đời bà ấy hi sinh, vất vả vì tôi nhiều rồi giờ là lúc tôi đáp lại ân tình, chăm lo cho bà ấy suốt phần đời còn lại”- ông Dũng bộc bạch.