Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201802/nguoi-ve-tu-cua-tu-781556/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201802/nguoi-ve-tu-cua-tu-781556/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người về từ cửa tử - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 18/02/2018, 08:48 [GMT+7]

Người về từ cửa tử

(Congannghean.vn)-Sa chân vào ma túy, bị kết án tử hình. Trong thời gian nằm xiềng, người vợ trẻ cũng lập bập theo chân chồng vướng lao lý, bỏ lại 3 đứa con thơ dại bơ vơ, không nơi nương tựa. May mắn khi được Chủ tịch nước ân xá, anh trở về xã hội bắt tay làm lại cuộc đời sau 17 năm “cơm tù, áo số”. Từ hai bàn tay trắng, anh đã tạo dựng được một cơ ngơi bề thế, dựng vợ, gả chồng cho con cái, thắp lên những mùa xuân rạng rỡ cho cuộc đời.

Anh Võ Văn Bình với mô hình trang trại của mình
Anh Võ Văn Bình với mô hình trang trại của mình

Chồng tử hình, vợ chung thân vì ma túy

Làng Xuân Bài, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An những năm đầu thế kỷ XXI trở thành một trong những tụ điểm ma túy nhức nhối. Người người, nhà nhà cùng nhau đi buôn “hàng đen”, “hàng trắng”, nhiều gia đình phất lên từ việc làm ăn phi pháp, nhưng cũng không ít tổ ấm tan nát chỉ vì ma túy. Câu chuyện của anh Võ Văn Bình (SN 1963) là một điển hình về sự tàn phá ghê gớm khi trót sa chân vào vũng lầy của “nàng tiên nâu”.

Bình kể, những năm đó, mặc dù bản thân anh đã “vắt chân lên cổ” hết ra Bắc vào Nam, buôn đủ thứ hàng từ lợn gà đến nông sản từ Nghệ An ra Hà Nội, ngược Lạng Sơn, Bắc Giang… nhưng vẫn không đủ nuôi vợ và 3 đứa con thơ dại. Trong nỗi lo đói ăn, đói mặc đó, nhìn thấy bao người sống phởn phơ vì làm ăn phi pháp, Bình cũng nhắm mắt đưa chân. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, khi đang xách trên người 1 bánh hêrôin, Võ Văn Bình bị bắt quả tang. Đó là thời điểm khoảng tháng 2/2001, Bình vẫn còn nhớ, lúc bấy giờ cả gia đình vừa đón một cái Tết khá vui vầy xong, định làm nốt chuyến “hàng” này rồi gác kiếm làm ăn lương thiện.

Nhưng người tính không bằng trời tính, Bình bị kết án tử hình ngay sau đó. Nỗi bất hạnh là do tự mình chuốc lấy, nhưng với gia đình Võ Văn Bình, bi kịch chưa dừng lại ở đó. Bởi sau khi chồng bị bắt, vợ anh cũng lập bập theo chân chồng sa vòng lao lý. “Khi đó, vợ không có tiền thăm nuôi trong suốt thời gian dài. Đến một ngày nọ, khi đang nằm xiềng thì bất ngờ vợ đến thăm. Với linh cảm của một người chồng, tôi đã dự cảm có điều gì đó không tốt và bóng gió khuyên vợ nên dừng lại nhưng cô ấy không nghe. Sau hơn 3 năm nằm chốn biệt giam, lần nữa tôi muốn chết quách đi khi hay tin vợ cũng bị bắt vì ma túy, bị kết án chung thân và hiện đang thụ án tại Trại giam số 5 - Bộ Công an. Nhưng rồi lại tự nhủ mình phải gắng sống, để con cái nhìn vào, ít ra còn có chỗ dựa tinh thần, dù chỉ là mong manh nơi cửa tử”, Bình cay đắng nhớ lại.

Từ lá thư gửi Chủ tịch nước của mình, may mắn Võ Văn Bình được ân xá từ tử hình xuống chung thân. Được sống, nhưng Bình cũng không dám mơ đến ngày về. Trong suốt thời gian thụ án tại Trại giam Thanh Cẩm, nhờ có chút kiến thức về thuốc Tây, Bình được phân nhiệm vụ tại Bệnh xá của Trại, phục vụ thuốc thang, chăm sóc sức khỏe cho các phạm nhân khác và công việc này gắn bó với anh trong suốt 8 năm trời. Nhớ về thời gian này, Võ Văn Bình cho biết: Thoát án tử hình là một điều ngoài sức mong đợi, những ngày thụ án tại trại giam cũng không nghĩ sẽ có được ngày về, chỉ biết cải tạo cho tốt. Trước cửa buồng giam nơi Bình cải tạo có một cây phượng vĩ rất lớn. Mỗi lần hè sang, phượng đỏ rực trời, đếm một mùa phượng nở đi qua để biết mình đã thêm được một năm thi hành án.

Thắp lên mùa xuân cuộc đời

Cứ như thế, sau đúng 10 năm miệt mài cải tạo, Bình được giảm án từ chung thân xuống mức 20 năm. Lúc này, cánh cửa trở lại với xã hội đã mở ra, Bình lao vào lao động cải tạo như điên để đếm thời gian, mong ngày về ngắn lại. Sau 4 lần được giảm án với thời gian 4,5 năm, một ngày đầu tháng 2/2013, phạm nhân Võ Văn Bình được trả tự do. Cầm trên tay quyết định chấp hành xong án phạt tù, bước ra khỏi cánh cổng trại giam mà Bình vẫn không tin đó là sự thật. Chỉ đến khi đặt chân về nhà mình, người đàn ông này mới vỡ òa hạnh phúc, khóc như mưa như gió.

“Con người lầm lỗi khi trở về địa phương cần phải có cộng đồng, xã hội đùm bọc mới hoàn lương được. Bản thân tôi, trở về xác định phải lật cỏ làm ăn lương thiện chứ không nghĩ đến chuyện phạm tội nữa”, anh Võ Văn Bình tâm sự.

Cái giá phải trả cho sự lầm lỡ trong qua khứ của Võ Văn Bình là quá lớn khi ngày trở về, anh chỉ còn hai bàn tay trắng đúng nghĩa. Bố mẹ đã khuất núi, vợ đang thụ án trong trại giam, 3 đứa con nheo nhóc, không được học hành tử tế, nhà cũ hoang tàn, đổ nát. Võ Văn Bình quyết tâm làm lại từ đầu, vay mượn tiền bạc, dựng lại ngôi nhà để nương thân, một mình vật lộn với 6 sào ruộng khoán để không còn cảnh thiếu đói ngày giáp hạt. Anh kể, những ngày cuối trong trại giam, biết mình được về, anh đã hoạch định tương lai cho bản thân, con cái và con đường xuất khẩu lao động anh vạch ra cho các con chính là con đường sáng nhất.

Về ổn định cuộc sống được 1 năm, 2 đứa con trai lớn anh lần lượt cho đi lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc. 3 năm sau đó, cả 2 anh em đều xây dựng gia đình. Cô con gái út, Bình cũng tìm cách để đưa sang định cư tại Cộng hòa Séc. Đến nay, cả 3 đứa đều đã có công việc ổn định, có thu nhập gửi về để anh xây dựng căn nhà khang trang hơn. Thời điểm này, vợ cũng sắp hết án, Bình đang hoạch định tương lai để khi vợ trở về có công ăn việc làm, vừa tránh sự kỳ thị, xa lánh, vừa không bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào vết xe đổ của quá khứ.

Chưa dừng lại ở đó, với quyết tâm khẳng định bản thân mình đã thực sự đoạn tuyệt với quá khứ, Võ Văn Bình đã tự mình đào đất, lấp hồ để làm thành một trang trại theo mô hình VAC trên địa bàn. Ngoài việc trồng các loại cây ăn quả lâu năm, anh còn thả cá, nuôi gà vịt và các loại gia súc, gia cầm khác. Sau gần 3 năm, trang trại của anh đã cho thu nhập, không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn mà còn cung cấp cho các hệ thống nhà hàng và người dân ở các xã lân cận khi có nhu cầu.

.

Thiện Thành

.