Gia đình xã hội

Bạn tri kỉ của người bệnh 'H'

10:38, 30/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-“Chỉ cần đến đây là chúng tôi được sống, được tái sinh”, đó là lời tâm sự của những khách hàng đang mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS (“H”) khi đến nghe tư vấn tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An. Chính sự tận tâm, hết lòng và trân trọng người bệnh của những nhân viên tư vấn HIV đã góp phần xóa đi sự mặc cảm, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.

Nhân viên của Trung tâm tư vấn cho người nhiễm bệnh
Nhân viên của Trung tâm tư vấn cho người nhiễm bệnh

Người bệnh làm tư vấn viên

Điều mà chúng tôi ấn tượng khi đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An là sự yên tĩnh lạ thường, không giống với những trung tâm khác mà tôi từng đến. Nơi đây không khó để bắt gặp những ánh mắt đượm buồn, những tiếng thở dài của những người đến để được hỗ trợ, khám bệnh. Tuy nhiên, sau khi bước ra từ phòng tư vấn, nhìn vào ánh mắt của họ có thể cảm nhận được sự khác biệt hoàn toàn, vui vẻ hơn, lạc quan hơn.

Trò chuyện với chúng tôi, không một chút e ngại, anh T. ở huyện Nam Đàn chia sẻ: “Xa gia đình để đi làm ăn, trong lúc không làm chủ được mình, tôi đã đi theo bạn bè quan hệ với gái mại dâm và không dùng biện pháp an toàn. Vài tháng sau, cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Nghi nhiễm HIV, tôi đến bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả dương tính, tôi như ngã quỵ, đi hết chỗ này đến chỗ khác để xét nghiệm, hy vọng có sự may mắn nào đó cho bản thân, thế nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Cơ thể suy nhược, mất ăn, mất ngủ khi biết mình mang bệnh. Lo lắng sợ bị xã hội kỳ thị, có thời điểm tôi đã nghĩ đến cái chết để giải tỏa. Tuy nhiên, may mắn vẫn có nhiều người thông cảm, sẻ chia.

Trong số những người bạn tri kỷ đó có những chuyên viên tư vấn HIV đã giúp tôi đứng vững, đối mặt với khó khăn, phá bỏ được mặc cảm, tự tin để sống và làm việc như những người bình thường. Hằng ngày, tôi vẫn tham gia kết nối bằng điện thoại với những người cùng cảnh ngộ để tư vấn, giúp họ vượt lên những khó khăn hiện tại. Mỗi khi buồn phiền về cuộc đời, đến với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, chúng tôi như được tái sinh, có thêm động lực để sống”.

Không được mạnh dạn như anh T., chị H. ở TP Vinh có vẻ căng thẳng hơn, đôi mắt rơm rớm, chị kể về số phận trớ trêu của mình: “Chồng tôi đã mất vì HIV/AIDS cách đây hơn nửa năm, sau khoảng thời gian công tác bên nước Lào. Trong khoảng thời gian biết mình bị nhiễm HIV từ chồng, bản thân suy sụp, lo lắng, nhưng may mắn bên cạnh tôi luôn có lời động viên, hỗ trợ từ các anh chị nhân viên tư vấn HIV/AIDS. Sự cảm thông, thấu hiểu của các nhân viên tư vấn đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi thấy công tác tuyên truyền, tư vấn cho người có nguy cơ mắc bệnh HIV/AIDS có vai trò rất lớn. Chính vì thế, tôi cũng sẵn sàng tâm sự, lắng nghe, tư vấn cho những người cùng hoàn cảnh thoát khỏi lo lắng; đồng thời, tuyên truyền cho những người bạn, người thân để phòng chống căn bệnh này”.

Công tác phòng chống HIV/AIDS ở Nghệ An đã và đang có nhiều tiến bộ trong việc tạo điều kiện cho người bệnh và mở rộng hệ thống cung cấp dịch vụ. Sau 2 năm triển khai thực hiện chiến lược “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2017, tầm nhìn  2020” (90% người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh của mình, 90% bệnh nhân được chẩn đoán được điều trị ARV và 90% người điều trị ARV có tải lượng viruts được ức chế). Theo đó, tính đến ngày 30/9/2017, toàn tỉnh đã có 5.277 người nhiễm biết tình trạng bệnh của mình (đạt 80,9% so với kế hoạch), 4.241 người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV (đạt 72,3%) và 3.919 người điều trị ARV có tải lượng virus ức chế (74,2%).

Công việc của những người nhẫn nại

Không giống với những công việc khác, nghề tư vấn cho những người nhiễm HIV mang một đặc thù riêng biệt. Lắng nghe tâm sự, đặt vị trí của bản thân vào người bệnh để tư vấn, hay ngồi trò chuyện nhiều giờ đồng hồ với sự nhẫn nại cao. Với slogan “Khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi trò chuyện chúng tôi là tri kỷ” đã khiến các khách hàng có nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm HIV và những tư vấn viên xích lại gần nhau hơn, họ xem nhau như là tri kỷ.

Công tác trong nghề đã hơn 5 năm, chị Trương Thị Hà, một nhân viên hành chính, tư vấn viên tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An chia sẻ: Đến với nghề từ năm 2012 với rất nhiều khó khăn, để một người không quen biết tin tưởng chia sẻ với mình về căn bệnh HIV là rất khó. Chính vì thế, các anh, chị em trong nghề phải luôn hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, tạo sự thân thiện, xem họ như là người thân, người nhà của mình để lắng nghe, tâm sự.

Khách hàng đến với Trung tâm nhờ tư vấn, xét nghiệm thường mang một mặc cảm rất lớn, vì vậy họ cần sự sẻ chia, khéo léo, đồng cảm của mỗi tư vấn viên, kỹ thuật viên. Để khi làm chuyên gia và làm tri kỷ đòi hỏi mỗi nhân viên tư vấn phải thấu hiểu, luôn luôn nghĩ cho khách hàng và đặc biệt thông tin người đến nhờ tư vấn, xét nghiệm phải được giữ kín. Hiện tại Trung tâm đang có 6 tư vấn viên, đều có kinh nghiệm lâu năm và được các khách hàng đến tư vấn rất tin tưởng.

Công việc tư vấn đòi hỏi sự tập trung, nhiều khi đã quá giờ nghỉ, nhưng cũng vì lỡ hẹn khách hàng, chị và các đồng nghiệp vẫn ở lại kiên nhẫn, lắng nghe với nụ cười thân thiện. Có những lần khách hàng mặc dù đã biết kết quả âm tính, nhưng họ vẫn lo sợ tìm đến nhân viên chúng tôi để được tâm sự, giải tỏa và ngồi hàng tiếng đồng hồ để trò chuyện.

Những nhân viên tư vấn HIV/AIDS thực sự là chỗ tin cậy để khách hàng chia sẻ những hoàn cảnh, tâm tư, giải tỏa áp lực và nhận được nhiều lời khuyên chân thành, hữu ích. Với công việc thầm lặng nhưng cũng đầy áp lực, đòi hỏi sự kiên nhẫn nhưng các nhân viên tư vấn nơi đây vẫn nở nụ cười thân thiện chào đón những người cần chia sẻ. Hơn 11 giờ trưa, tiếng chuông điện thoại vẫn vang lên, giọng nhỏ nhẹ của các anh chị tư vấn viên vẫn đầy nhiệt huyết và hình ảnh anh T. vỗ vai, động viên tinh thần người cùng hoàn cảnh khiến chúng tôi không thể nào quên.

Nguyễn Quỳnh

Các tin khác