Gia đình xã hội

Cảnh báo ngộ độc rượu do liên hoan, tiệc tùng cuối năm

08:13, 29/01/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Sau khi uống rượu, anh Cường xuất hiện các biểu hiện của ngộ độc rượu có chứa Methanol, như buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa…
 
Cứ vào dịp cuối năm, giáp tết nguyên đán, nhiều cơ quan, đoàn thể, người thân, bạn bè… thường tổ chức liên hoan tổng kết, gặp mặt cuối năm. Đây là thời điểm sử dụng rượu gia tăng, kéo theo đó là nhiều vụ ngộ độc do uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Vì vậy, người dân cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không sử dụng rượu không có nguồn gốc, nhất là các loại rượu tự nấu, “rượu quê”, “rượu thuốc”…
 
Vừa qua, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc rượu nặng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Đó là trường hợp anh Cường, ở tỉnh Bắc Giang.
 
Theo người nhà anh Cường cho biết, trước đó, anh có ăn sáng và sử dụng rượu tại khu vực xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Sau khi uống rượu, anh xuất hiện các biểu hiện của ngộ độc rượu có chứa Methanol, như buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa… 
 
Xét nghiệm máu, nồng độ Methanol trong máu của anh Cường cao gấp nhiều lần so với bình thường. Mặc dù anh đã được lọc máu 2 lần, nhưng vẫn hôn mê, não và mắt bị tổn thương, nếu qua cơn nguy kịch cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề. Anh Cường chỉ là trường hợp điển hình trong nhiều trường hợp ngộ độc rượu được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm.
 
Theo Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bình thường mỗi ngày tại Trung tâm cũng tiếp nhận từ 2 đến 3 ca ngộ độc rượu. Nhưng vào thời điểm trước tết, trong và sau tết nguyên đán, các ca ngộ độc rượu thường tăng đột biến do liên hoan, tổng kết, gặp mặt… dịp tết đến, xuân về.
 
Trong các quán nhậu bình dân, người dân có thói quen sử dụng rượu trắng tự nấu, dưới cái mác là “rượu quê”, hoặc các loại “rượu thuốc”, “rượu ngâm hoa quả”… Đây là các loại rượu do tư nhân sản xuất và thường không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Chủ quán và khách hàng khi mua và uống các loại rượu này đều dựa vào cảm quan ban đầu và lòng tin chứ cũng không biết cơ sở sản xuất ở đâu, đã được cơ quan chức năng cấp phép hay chưa?
 
Thực ra, Methanol hình thành tự nhiên trong rượu ethylic (rượu uống) ở mức cho phép. Khi chưng cất rượu, chất lỏng đầu tiên ngưng tụ là Methanol và một số chất độc khác, vì các chất này bốc hơi ở nhiệt độ thấp nên bốc ra ngay ở giai đoạn chưng cất đầu tiên. 
 
Đáng lẽ, Methanol sẽ được bỏ đi, nhưng vì lợi nhuận, một số chủ sản xuất rượu gọi đây là “rượu cốt”, dùng để pha lẫn vào các đợt rượu chưng cất tiếp theo làm tăng thêm nồng độ Methanol trong rượu. Ngoài ra, có cơ sở còn sử dụng cồn khô (chứa Methanol) để chưng cất, với mục đích làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn. Nghiêm trọng hơn, có cơ sở còn sử dụng cồn thực phẩm hoặc cồn y tế kém chất lượng pha với nước để chế thành rượu.
Methanol rất độc đối với con người, bởi cơ thể chúng ta sẽ chuyển hóa methanol thành formaldehyde và tiếp đến là oxy hóa thành axit formic tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận mô mềm khác như thận và gan. Chỉ cần 10ml Methanol trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống 1ml dung dịch 100% methanol. Nếu đưa vào cơ thể 30ml dung dịch này, có thể dẫn đến tử vong.
 
Nguy hiểm không kém rượu chứa methanol là loại các loại “rượu thuốc”, rượu ngâm “hoa quả” siêu rẻ được pha chế bằng hương liệu và phẩm màu. Những đồng nghiệp của chúng tôi tại VTV đã đột kích vào một cơ sở pha chế rượu loại này tại xã Trương Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. 
 
Chủ cơ sở cho biết mỗi ngày cơ sở này bán ra từ 700 đến 800 lít rượu thuốc, rượu “táo mèo” bằng cách pha phẩm màu hương liệu với rượu (nghi là rượu cồn). Giá bán rẻ đến kinh ngạc, 15.000 đồng/lít rượu.
 
Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần, đây là thời điểm sản xuất, kinh doanh rượu đang gia tăng mạnh. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý rượu giả, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. 
 
TP Hà Nội đã thành lập Ban  chỉ đạo 389/TP để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trên giấy phép; đặc biệt chú trọng đến các cơ sở sản xuất rượu có sử dụng cồn công nghiệp hoặc các nguyên liệu bị cấm. Tuy nhiên, về phía người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, có ý thức trong việc sử dụng rượu, bia; tránh để tết đến, xuân về, gia đình mất vui vì ngộ độc rượu.

Nguồn: Đào Minh Khoa/Chinhphu.vn

Các tin khác