Công tác điều trị HIV trên toàn cầu trong 15 năm qua đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, ghi nhận 57% số ca nhiễm bệnh được điều trị.
Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Chương trình Điều phối Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nếu như năm 2000, chỉ có 685.000 người nhiễm HIV được tiếp cận các phương pháp điều trị antiretroviral (ARV) thì đến năm 2016 có 19,5 triệu trên tổng số 36,7 triệu người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV), đánh dấu việc lần đầu tiên hơn một nửa số người nhiễm được điều trị theo phương pháp trên, giúp kéo dài sự sống của bệnh nhân.
Ảnh minh họa |
Theo Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibe, sự tiến triển này rất đáng khích lệ, đáng được duy trì và nhân rộng. Khi số người nhiễm HIV được điều trị tiếp tục tăng, các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng nguy cơ lây nhiễm từ một bệnh nhân nhiễm HIV và được điều trị với ARV cho hiệu quả giảm tới 97%.
Trong khi các phương pháp điều trị dành cho phụ nữ mang thai giúp giảm mạnh nguy cơ lây truyền virus từ mẹ sang con. Trong giai đoạn 2010-2016, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con giảm khoảng 56% tại các quốc gia Đông và Nam Phi, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh thế kỷ này, trong khi giảm khoảng 47% trên toàn cầu.
Theo UNAIDS, thách thức đặt ra lúc này là làm sao để 16 triệu bệnh nhân còn chưa được điều trị, trong đó có khoảng 919.000 trẻ em có thể được tiếp cận các phương pháp điều trị càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, cần phải đưa các chương trình phòng tránh HIV trở lại vị trí ưu tiên hàng đầu trong số các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tại các quốc gia ghi nhận hiện tượng nhiễm mới gia tăng.
Tại Việt Nam, chương trình điều trị ARV đã được mở rộng liên tục, tính đến tháng 7/2017, trên toàn quốc có trên 119.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV. Việt Nam bắt đầu thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV thường quy cho bệnh nhân đang điều trị ARV trên toàn quốc. Tỷ lệ người bệnh đang điều trị ARV dưới ngưỡng ức chế (1000 bản copy/ml) là 94,2%.
Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã thu được những thành tựu ngoạn mục trong công cuộc phòng, chống HIV của nước nhà. Do việc tiến hành có hiệu quả các chiến lược dự phòng và điều trị, khoảng thời gian từ 2000-2016, ước tính Việt Nam đã ngăn ngừa được gần nửa triệu ca nhiễm HIV mới và cứu được gần 150.000 sinh mạng thoát khỏi tử vong do liên quan đến AIDS. Những thành tựu này có được là nhờ vào nhiều năm tháng, Việt Nam đã không ngừng thể hiện vai trò lãnh đạo quyết liệt, giữ vững cam kết chính trị mạnh mẽ, huy động các nguồn đầu tư và phát huy sức mạnh của các mối quan hệ đối tác cho cuộc chiến với AIDS.
Hiện trên toàn thế giới có gần 20 triệu người nhiễm HIV đã tiếp cận được điều trị. “Hai mươi năm trước, không ai trong chúng ta có thể nghĩ đến điều này, vâng, chính chúng ta đã làm nên sự thật này . Việt Nam của chúng ta cùng với các quốc gia khác đã đóng vai trò quan trọng để có được điều kì diệu này. Song cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thiếu hụt và nguy cơ trong cuộc chiến này. Ở mọi nơi, chúng ta cần phải tiếp tục theo đuổi những mục tiêu chúng ta đã đưa ra”, bà Marie-Odile Emond nhấn mạnh.
.