(Congannghean.vn)-3 người phụ nữ trong phiên tòa hôm đó là những hoàn cảnh, phận đời khác nhau, một người là mẹ của bị hại, 2 người còn lại là mẹ và vợ của bị cáo. Những người phụ nữ nghèo, gương mặt in hằn sự lam lũ, khắc khổ đều có chung một nỗi đau đớn tột cùng khi người mất con, người thì con vào vòng lao lý. Những nỗi đau mà họ phải nhận khiến họ khóc ròng trong suốt phiên tòa.
Gia đình bị cáo Nguyễn Hải Phi không giấu được nỗi đau trong cuộc trò chuyện với con trong giờ nghị án |
“Em ở lại liên hoan, mai em về với mẹ”
Trong bất kỳ vụ án hay phiên tòa nào xét xử về tội giết người thì người phải gánh chịu nhiều đau đớn nhất vẫn là gia đình bị hại, khi họ vĩnh viễn mất đi người thân. Có đau đớn nào bằng nỗi đau mất đi người con trai khi đang ở tuổi đẹp nhất của đời người. Cái chết oan ức, tức tưởi khiến người ra đi chẳng thể nhắm mắt, người ở lại nỗi đau như hóa đá.
Người mẹ của bị hại Lê Anh Tú trong phiên tòa này cũng vậy. Duy chỉ có điều không giống với những phiên tòa xét xử tội giết người thường thấy, gia đình bị hại không đeo khăn tang, không mang di ảnh đến để đòi công lý, đòi hỏi 1 bản án nghiêm minh, lấy mạng phải đền mạng. Cách hành xử của 2 gia đình bị cáo và bị hại rất văn minh, lịch sự nên phiên tòa diễn ra trong trật tự. Có lẽ họ đều hiểu những nỗi đau, mất mát mà người kia phải gánh chịu nên không làm mọi chuyện thêm rối bời.
Mặc dù vẫn có mặt tại phiên tòa nhưng chị Hoàng Thị Hương (SN 1973) trú tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, mẹ của bị hại Lê Anh Tú phải ủy quyền cho anh trai là Hoàng Nghĩa Lâm tham gia tố tụng với vai trò là người đại diện hợp pháp của bị hại. Căn bệnh u phổi và nỗi đau mất đi người con trai khiến chị tiều tụy, ốm yếu và già hơn so với tuổi. Chị ngồi lặng lẽ một chỗ, nước mắt lăn dài trên gương mặt đau khổ. Đã gần 5 tháng kể từ ngày con trai bị sát hại, chị chưa có nổi một đêm ngon giấc. Trong giấc mơ, hình bóng và lời dặn của con chập chờn khiến lòng chị đau như cắt. “Tối hôm bị giết, Tú điện thoại về nói với mẹ hôm nay em ở lại liên hoan với bạn trong công ty không về, ngày mai em về thăm mẹ luôn”, chị Hương nhớ lại.
Tú là công nhân làm việc ở huyện Nghi Lộc, 1 tuần về thăm nhà 1 lần vào dịp cuối tuần. Như thường lệ, tối thứ 6, sau khi xong việc, Tú sẽ về nhà với mẹ, nhưng hôm nay Tú xin mẹ ở lại 1 đêm. “Nó còn dặn mẹ ra vườn hái cho em ít rau ngót đưa xuống nấu. Ngờ đâu…”, chị Hương nghẹn ngào.
Trong mắt chị Hương và anh em họ hàng, làng xóm, Tú là người con trai ngoan ngoãn, chăm chỉ và sống rất tình cảm. Bố mất khi Tú mới vừa tròn 2 tuổi, một mình chị phải bươn chải nuôi 2 anh em Tú ăn học. Thương mẹ, từ nhỏ Tú luôn dành thời gian phụ giúp mẹ. Học hết cấp 3, Tú đi làm thuê kiếm tiền cùng mẹ trang trải cuộc sống. Nhà đã nghèo, bệnh tình của mẹ cứ 1 tháng lại phải vào Sài Gòn điều trị 1 lần nên gia cảnh càng lúc một khó khăn. Trước đây, Tú làm công nhân ở Đà Lạt, nhưng vì sức khỏe của mẹ nên Tú chuyển về quê để tiện chăm sóc mẹ. Chị Hương nhớ lại: “Từ ngày em nó (Tú - P.V) chuyển về nhà, có mẹ có con, chị cũng đỡ buồn. Nó làm được đồng nào, trừ tiền nhà, còn lại gửi về cho mẹ hết. Cuối tuần nào về cũng làm hết việc nhà, rồi đon chừng chặt củi cho mẹ dùng trong vòng 1 tuần. Có ai ngờ hôm đó nó ra đi mãi mãi”.
“Hãy nói xin lỗi người nhà họ đi con”
Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi lúc Hội đồng xét xử nghị án, bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ của bị cáo Nguyễn Hải Phi đã liên tục nhắc con trai như thế. Nhưng đáp lại sự lo lắng, đau đớn của người mẹ chỉ là gương mặt lạnh băng, không một chút cảm xúc của đứa con. Sự lạnh lùng của bị cáo Phi trong suốt buổi sáng hôm đó khiến những người phụ nữ của Phi càng đau xót hơn.
Bị cáo Nguyễn Hải Phi (X) giữ thái độ lạnh lùng, không chút cảm xúc trong suốt phiên tòa |
Biện minh cho hành vi giết người của mình trước tòa, Phi cho rằng, vì Lê Anh Tú và Nguyễn Ngọc Huy gây ồn ào cho dãy trọ nên trong lúc không giữ được bình tĩnh, Phi đã rút dao đâm Tú và Huy khiến Tú tử vong tại chỗ, Huy bị tổn hại sức khỏe 14%. Thế nhưng, tất cả những nhân chứng được mời đến phiên tòa đều khẳng định, họ không hề nghe thấy tiếng ồn nào cả. Các nhân chứng cũng cho rằng, từ trước đến nay, giữa Phi, Tú và Huy chưa từng xảy ra mâu thuẫn.
Nguyễn Hải Phi (SN 1995) trú tại xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn ở cùng dãy trọ với Tú. Tối 28/4, Tú và Huy đi liên hoan với mấy anh em trong công ty về. Khi chạy xe vào xóm trọ thì Nguyễn Hải Phi từ tầng 2 đi xuống to tiếng vì cho rằng Tú và Huy không có ý thức, gây ồn ào, ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của mọi người. Trong lúc Huy dắt xe vào phòng thì Tú xảy ra tranh luận, xô đẩy với Phi. Phi rút dao đâm nhiều nhát vào người Tú. Huy chạy ra can ngăn thì bị Phi đâm vào cổ, mặt và đầu. Sau khi gây án, Phi bỏ trốn khỏi hiện trường. Rạng sáng 29/4, Phi đến cơ quan điều tra Công an huyện Nghi Lộc đầu thú.
Tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Phi không thành khẩn khai báo, lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa không giống nhau. Vị chủ tọa cũng khẳng định, hành vi của Phi có tính chất côn đồ khi dùng dao đâm liên tiếp vào anh Tú và anh Huy. Rất may có người can ngăn kịp thời, nếu không anh Huy cũng khó giữ được mạng sống. Việc anh Huy không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo.
Từng lời luận tội của Hội đồng xét xử như ngàn mũi dao đâm vào tim 2 người mẹ. Mẹ của bị cáo Phi cũng không ngăn nổi những giọt nước mắt. Ngồi cách Phi một hàng ghế, bà Tuyết và cô con dâu Bùi Thị Thắm ôm đứa con trai bé bỏng đang say giấc ngủ nhoài người để nói chuyện với Phi. Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng nhiều lần vì nước mắt của 2 người phụ nữ nhưng bà Tuyết vẫn dặn đi dặn lại người con trai: “Mọi chuyện đã lỡ rồi, dù gì con cũng mang tội giết người, con hãy ngoảnh lại xin lỗi họ một lời đi con. Con hãy lo cải tạo thật tốt để sớm về với gia đình, với vợ con”.
Phi vẫn dửng dưng không nói gì, duy chỉ có lần Phi cố vươn người về phía người vợ trẻ và dúi vào tay vợ 2 chiếc nhẫn và chiếc vòng tay Phi đan bằng dây dù trong những ngày ở trại tạm giam. Cuộc nói chuyện của người lớn khiến đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi, con trai của Phi tỉnh dậy òa khóc nức nở. Mẹ của Phi xin những cán bộ bảo vệ phiên tòa cho phép Phi được ôm con trai nhưng theo quy định, điều đó là không được phép. Đứa bé được người o bế ra ngoài. Vợ của Phi mới ngoài 20 tuổi chỉ biết ngồi nhìn chồng mà chẳng thể mở lời. Trong lúc tòa xét xử, người vợ trẻ chỉ quanh quẩn bên ngoài phòng xử án, tìm một chỗ mát mẻ để con trai ngủ ngon giấc, chỉ đến khi tòa nghị án, cô mới vào gặp chồng. Từ ngày chồng gây ra chuyện, cô cùng gia đình chồng chạy vạy ngược xuôi để bồi thường cho gia đình bị hại 120 triệu đồng. Ngày mồng một, ngày rằm, gia đình Phi đều sang thắp hương tạ tội với người đã khuất.
Căn cứ những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hải Phi 20 năm tù giam về tội giết người, buộc phải bồi thường cho gia đình bị hại 170 triệu đồng (đã đền bù 120 triệu đồng) và bồi thường cho anh Huy 18 triệu đồng. Phiên tòa kết thúc khi trời đã quá trưa, mẹ của Tú vẫn ngồi bất động trên hàng ghế. Khi bóng người đã vãn, bà được người thân dìu đứng dậy bước những bước liêu xiêu rời khỏi phòng xử án. Còn mẹ và vợ của Phi bật khóc thành tiếng, nhìn theo chiếc xe chở phạm vút đi trong nắng…