Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201709/lay-yeu-thuong-cam-hoa-loi-lam-756457/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201709/lay-yeu-thuong-cam-hoa-loi-lam-756457/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lấy yêu thương cảm hóa lỗi lầm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 10/09/2017, 08:43 [GMT+7]

Lấy yêu thương cảm hóa lỗi lầm

(Congannghean.vn)-Với một số phạm nhân không chịu hoàn lương, khi bị quản thúc, giam giữ và cải tạo tại các trại giam vẫn cố tình chống đối, tìm cách lấy “số má” để xưng hùng xưng bá, gây mất an ninh, an toàn trại giam. Để đấu lý, đấu trí với loại tội phạm này, những người làm công tác quản lý, cải tạo và giam giữ đã có những đấu pháp nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt, lấy yêu thương để cảm hóa lỗi lầm.

Giáo dục riêng là một trong những hình thức cảm hóa phạm nhân
Giáo dục riêng là một trong những hình thức cảm hóa phạm nhân

Những phạm nhân không chịu hoàn lương

Đã gần 5 tháng trôi qua, song khi nhắc lại chuyện mình bị phạm nhân dí lưỡi dao lam vào cổ khống chế, bắt làm con tin để đòi yêu sách với Ban giám thị, Trung úy Nguyễn Thị Dung, công tác tại Bệnh xá Trại giam số 3 (Tổng cục VIII) vẫn chưa hết rùng mình.

Sự việc xảy ra vào sáng 25/4/2017, khi vừa đến phòng làm việc thì chị Dung bị phạm nhân Phạm Minh Công (SN 1994), quê huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, hiện đang chấp hành mức án 9 năm 10 tháng tù về các tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật”, “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”, lao đến, dùng nửa chiếc dao lam dí vào cổ khống chế, sau đó kéo đến trước cửa phòng nhà vệ sinh của Bệnh xá để cố thủ và đòi yêu sách Ban giám thị cho đổi trại giam. Lúc này, một số phạm nhân đang lao động gần đó nghe tiếng kêu cứu liền chạy đến giải cứu an toàn cho Trung úy Dung.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Quản giáo Trại giam số 3 cho biết: Phạm Minh Công đã nhiều lần phạm tội trong trại giam. 18 tuổi, Công bị TAND quận Ô Môn (Cần Thơ) xử phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”. Quá trình thụ án tại Trại giam số 3, phạm nhân này tiếp tục gây án. Cho rằng, bị cán bộ chèn ép khi không cho chuyển về thụ án tại trại giam gần nhà, ngày 3/6/2013, Phạm Minh Công cùng 7 phạm nhân khác giả vờ bị bệnh để lên Bệnh xá của Trại xin thuốc rồi bắt và nhốt cán bộ y tế của Trại làm con tin, tạo áp lực cho Ban giám thị. 2 năm sau đó, Phạm Minh Công tiếp tục phạm tội mới khi đánh bạn tù gây thương tích, bị tòa tuyên phạt thêm 3 năm tù giam.

Chuyện của phạm nhân Phạm Minh Công không phải là trường hợp cá biệt, bởi trong số hàng trăm nghìn phạm nhân đang thụ án ở các trại giam trên cả nước, vẫn có một số phạm nhân không chịu hoàn lương, mang tư tưởng chống đối, hoặc ôm mộng xưng hùng, xưng bá trong trại giam nên đã tìm đủ mọi cách để lấy “số má”. Từ việc khống chế cán bộ, đòi yêu sách đến ra oai, thậm chí là đánh đập phạm nhân cùng buồng giam. Nếu như ở Trại giam số 3, phạm nhân Phạm Minh Công là trường hợp điển hình thì ở một đơn vị trại giam khác trực thuộc sự quản lý của Bộ Công an, cũng đóng chân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, là Trại giam số 6, chuyện về những phạm nhân chống đối, thuộc diện bị “bóc tách” từ các trại giam khác chuyển đến hàng năm cũng xảy ra thường xuyên.

Có thể kể đến trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn Vinh (SN 1986), quê Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa), phạm tội cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, án tù 10 năm và vào trại giam ngày 12/2/2006, thụ án tại Trại giam A2 (Bộ Công an). Do thường xuyên chống đối và bị kỷ luật nên ngày 7/5/2012, Vinh được chuyển về Trại giam số 6. Một phạm nhân khác cũng từ Trại giam A2 chuyển đến là Lê Hoàng Tâm (SN 1988) trú tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thụ án 9 năm tù. Những phạm nhân này, quá trình thụ án thường xuyên chống đối, có tư tưởng trốn trại hoặc khống chế cán bộ để đòi yêu sách nên thường xuyên bị xếp loại cải tạo yếu kém, phải chịu các hình thức kỷ luật của trại giam. Thậm chí, có một số phạm nhân đã phải chuyển qua 3 - 4 trại giam khác nhau, án chồng án nhưng bản tính vẫn không thay đổi khi tiếp tục gây rối tại nơi mới chuyển đến khiến công tác giáo dục, cải tạo và cảm hóa gặp không ít khó khăn.

Phạm nhân trên đường lao động cải tạo trở về buồng giam
Phạm nhân trên đường lao động cải tạo trở về buồng giam

Chuyện cảm hóa phạm nhân chống đối

Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 cho biết: Ở Trại giam số 3, đặc thù là chỉ có phạm nhân nam, phạm nhân mang nhiều tiền án, án từ 10 năm đến chung thân chiếm đa số nên thi thoảng một số phạm nhân có biểu hiện chống đối, nổi loạn để đòi yêu sách. Có thể kể đến như phạm nhân Lê Hữu Còn, quê Thanh Hóa, án 20 năm về tội giết người; phạm nhân Thái Dương Đức, quê TP Vinh, phạm tội giết người và một số phạm nhân chuyển từ các trại giam khác đến.

Đối với những phạm nhân có tư tưởng chống đối, một mặt Ban giám thị phát động phong trào tố giác tội phạm đến tận buồng giam để nắm bắt tư tưởng, diễn biến; mặt khác áp dụng các hình thức giáo dục chung, giáo dục riêng, thậm chí tác động đến cả gia đình, người thân để cùng chung tay giáo dục, cảm hóa. Nhờ vậy, số phạm nhân chống đối khi vào Trại giam số 3 cải tạo đã giảm hẳn; thậm chí nhiều phạm nhân từ chống đối, tiêu cực đã được giảm án, trở thành “cán bộ” của các phạm nhân khác.

Có thể kể đến trường hợp của phạm nhân Nguyễn Tuấn Sơn, quê Thanh Hóa, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thời kỳ đầu mới vào trại liên tục bị kỷ luật giam riêng vì chống đối. Sau một thời gian được cảm hóa, phạm nhân này đã có thành tích cải tạo khá, được xét giảm án và chuyển sang làm đội trưởng tự quản.

Trong khi đó, ở Trại giam số 6, từ nhiều năm qua cũng được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân, đặc biệt là số phạm nhân chống đối, chuyển từ các đơn vị khác đến. Số liệu cho thấy, trong thời gian khoảng 5 năm trở lại đây, có trên 100 phạm nhân có tư tưởng chống đối từ các trại giam khác trên cả nước về đây cải tạo và giam giữ.

Theo Đại tá Võ Thành Vinh, Phó Giám thị Trại giam số 6, thì những phạm nhân này đều trải qua từ 3 - 4 trại giam khác nhau, nhiều lần bị xử lý kỷ luật, giam riêng vì vi phạm nội quy trại giam nên biện pháp giáo dục, cải tạo càng rắn, càng nghiêm khắc thì chỉ mang lại tác dụng ngược. Do đó, từ nhiều năm qua, cùng với giáo dục chung, giáo dục riêng, thậm chí là giáo dục cá biệt, Ban giám thị còn thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tư tưởng để hiểu thêm về hoàn cảnh của từng phạm nhân, từ đó đưa ra phương pháp giáo dục hợp lý.

Với những phạm nhân già yếu nhưng đã cải tạo tốt và được giảm án, Trại giam đã tạo điều kiện để họ viết thư xin chuyển về trại cũ chấp hành án, tạo thuận lợi cho nhân thân trong việc thăm gặp. Những phạm nhân khác, sau khi tiến bộ trong giáo dục cải tạo, đơn vị sẽ tổ chức đưa đi giáo dục chung, vừa động viên, khích lệ, vừa làm gương cho các phạm nhân khác. Cũng với chính sách nhân đạo đó, các phạm nhân Nguyễn Văn Vinh, Lê Hoàng Tâm… từ chống đối, thường xuyên có yêu sách với cán bộ đã chấp hành tốt nội quy, chuyển từ loại yếu thành loại khá trong quá trình xếp loại cải tạo. Cá biệt, phạm nhân Lê Hoàng Tâm đã viết đơn tự nguyện xin ở lại Trại giam số 6 tiếp tục thi hành án.

Với chính sách linh hoạt, mềm dẻo và lấy yêu thương để cảm hóa lỗi lầm, trong những năm qua, những người làm công tác giáo dục, cải tạo người lầm lỗi trong các trại giam không chỉ đã thuần hóa được những phạm nhân chống đối mà qua đó, kỷ luật, kỷ cương và trật tự an toàn trại giam được thiết lập, giữ vững, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho can phạm nhân trong quá trình giam giữ, cải tạo.

.

Thiên Thảo

.