(Congannghean.vn)-Khi hai người yêu nhau quyết định về sống chung một mái nhà, ai cũng mong muốn vun vén cho tổ ấm của mình được hạnh phúc. Thế nhưng, khi hôn nhân đổ vỡ, họ lại dắt díu nhau ra tòa, tìm cách giải quyết các thủ tục ly hôn càng sớm càng tốt. Việc ly hôn sẽ diễn ra nhanh gọn nếu như không có những tranh chấp không đáng có, nhất là tranh chấp trong việc giành quyền nuôi con. Với những cuộc hôn nhân với người nước ngoài thì điều đó gặp nhiều khó khăn.
Người chồng Tây quyết định sẽ kháng cáo và làm tất cả để giành quyền nuôi con |
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trong thời gian qua, liên tiếp những vụ ly hôn được đưa ra xét xử đều thu hút sự quan tâm của dư luận. Và điểm chung của những cuộc ly hôn này đó là tranh chấp giành quyền nuôi con. Vụ ly hôn của Trần T.L. (SN 1984), quê huyện Diễn Châu, Nghệ An) và người chồng ngoại quốc là ông B. Ryan C. (SN 1972), quốc tịch Ireland và Nam Phi, sinh sống tại Ireland, diễn ra vào giữa tháng 6 cũng không phải là ngoại lệ.
Mối tình xuyên quốc gia và cuộc hôn nhân đổ vỡ sau 5 năm
Ông B. Ryan C. được bạn bè đưa đến Tòa án trong chiếc xe lăn. Trong một lần bất cẩn, ông bị ngã cầu thang nên chưa thể đi lại được. Đã từng có thời gian yêu nhau mặn nồng, chuyện tình của họ được xem là mối tình đẹp xuyên biên giới khi mà cả hai đều cố gắng vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và khoảng cách địa lý để đến với nhau.
Thế nhưng, 5 năm sau khi kết hôn, giữa họ bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn, rạn nứt khiến cuộc hôn nhân ngày càng rơi vào vực thẳm, để rồi ngày hôm nay, tại phiên tòa, họ liên tục tố cáo hết thói hư tật xấu, kể tội nhau như kẻ thù. Thậm chí cuộc tranh cãi càng trở nên căng thẳng hơn khi họ quyết định chia đôi tất cả tài sản trong nhà, từ những đồ dùng nhỏ nhất.
Sau phiên tòa, thông qua người phiên dịch, tôi có một cuộc trò chuyện ngắn ngủi với ông B. Ryan C. Ông kể về lần đầu tiên gặp vợ cũ là vào năm 2001, khi đó ông và một vài người bạn đang có kế hoạch mở quán bar ở Nha Trang. Cũng từ lần đó, cả hai bị tiếng sét ái tình, giữa họ nảy nở tình yêu ngay cả khi ông B. Ryan C. trở về Ireland. Dẫu ở cách xa nửa vòng trái đất và vô vàn khó khăn, nhất là do bất đồng ngôn ngữ nhưng vì tình yêu nên họ vẫn vượt qua tất cả để đến với nhau bằng một đám cưới vào năm 2007.
Sau ngày cưới, chị L. theo chồng về Ireland sinh sống. Những tưởng chuyện tình xuyên biên giới của họ sẽ ngày càng đơm hoa kết trái khi cô con gái đầu lòng ra đời. Thế nhưng, đó cũng là thời điểm cuộc sống của họ bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Đỉnh điểm của sự việc khiến người vợ ôm con về Việt Nam để bà ngoại chăm sóc.
Kể về những mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân của mình, ông B. Ryan C. cho rằng, là một người đàn ông đã cố gắng để lo cho gia đình, để vợ con có một cuộc sống ổn định, không phải lo lắng nhiều về tài chính nhưng người vợ suốt ngày ghen tuông vô lối, gây chuyện với ông, thậm chí có nhiều lần không thể kiểm soát được hành vi của mình. Tại phiên tòa, ông kể có lần cô vợ đã dùng dao dí vào cổ mình để đe dọa.
Đáp lại những lời tố cáo của người chồng, chị L. cũng tố cáo mình đã nhiều lần bị chồng bạo hành, khiến cả hai mẹ con không thể chịu được phải ra ngoài thuê phòng ở. “Vì không muốn cha mẹ ở quê mang tiếng có con gái lấy chồng Tây rồi bỏ chồng, tôi đã cố níu kéo, hàn gắn. Trong 6 năm chung sống, tôi đã nhiều lần rời khỏi căn nhà nhưng B. Ryan C. xin lỗi, tôi lại trở về, cố gắng làm người vợ tốt”, chị L. cho biết.
Tuy nhiên, ông B. Ryan C. lại khẳng định, nếu như những lời cáo buộc đó là sự thật thì ông đã bị tống vào tù từ lâu rồi, bởi ở đất nước của ông bạo hành phụ nữ là một điều hết sức tồi tệ.
Căng thẳng cuộc chiến giành quyền nuôi con
Với những mâu thuẫn không thể giải quyết, cả hai người quyết định ly hôn. Ông B. Ryan C. đệ đơn ra TAND tỉnh Nghệ An, yêu cầu ly hôn với chị L., phân chia tài sản và giành quyền nuôi dưỡng con gái. Phiên tòa trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi họ liên tục đưa ra những lý lẽ, cáo buộc lẫn nhau. Ông B. Ryan C. bày tỏ nguyện vọng được nuôi dưỡng và chăm sóc đứa trẻ và đón cháu sang Ireland sinh sống để có một cuộc sống tốt và đầy đủ nhất. Tất nhiên, người vợ không đồng ý bởi cũng vì không muốn cho chồng nuôi dưỡng đứa con nên chị L. mới tất tả về nước.
Đầu năm 2017, trước nguyện vọng đón cháu bé về nước của ông B. Ryan C., UBND huyện Diễn Châu đã tiến hành các thủ tục cần thiết. Sau khi có báo cáo kết quả kiểm tra hồ sơ, thủ tục di chuyển, nơi cư trú đối với cháu bé, UBND huyện Diễn Châu thống nhất đề nghị của ông B. Ryan C., thực hiện việc tiếp nhận cháu bé. Tuy nhiên, thời điểm này chị L. về Việt Nam sinh sống, việc tiếp nhận không thực hiện được.
Những lý lẽ mà ông Ông B. Ryan C. đưa ra tại phiên tòa là hoàn toàn có căn cứ và có sức thuyết phục. Sau khi giữa 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, chị L. đưa con về Việt Nam gửi bà ngoại chăm sóc, sau đó chị tiếp tục quay trở lại nước ngoài để sinh sống và làm việc. Trong suốt thời gian đó, chị rất ít khi về nước thăm con. Trái lại, năm nào ông B. Ryan C. cũng về Việt Nam thăm con ít nhất một lần và tổ chức sinh nhật cho con gái.
Ông cho rằng, người mẹ đã không quan tâm, chăm sóc con mà phó mặc cho bà ngoại. Điều này khiến ông vô cùng lo lắng và không yên tâm bởi bà ngoại của bé là Nguyễn T. M. đã từng bị kết án 6 năm tù giam về tội “Mua bán người”. Là một người cha, ông mong muốn mang đến cho con gái mình một cuộc sống tốt và môi trường an toàn nhất để cháu có cơ hội được phát triển.
Phản bác lại tất cả những suy nghĩ, lo lắng của chồng, chị L. khẳng định cháu đang có một cuộc sống ổn định và rất tốt. Chị cũng bày tỏ việc thay đổi môi trường sống, môi trường học tập không tốt cho con trẻ. Chị cũng yêu cầu khoản tiền mà người bố phải chu cấp hàng tháng cho con là 5 triệu đồng.
Cuộc chiến giành quyền nuôi con chưa kết thúc thì những tranh chấp trong việc phân chia tài sản càng khiến phiên tòa “nóng” hơn bao giờ hết. Có lẽ hiếm có phiên tòa xử ly hôn nào lại căng thẳng như thế, nhất là khi họ đòi chia đôi tất cả những vật dụng nhỏ nhất trong nhà, từ giường, tủ… Từ ngày cưới nhau, người chồng đã gửi tiền về để vợ mua đất, xây một căn nhà ở quê vợ để có nơi đi lại khi 2 người về Việt Nam. Đó là một căn nhà 2 tầng tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu được định giá 800 triệu đồng. Ngoài ra, họ còn có một 1 ki-ốt trong chợ (25 triệu đồng) và 1 xe máy (đã bán với giá 5 triệu đồng).
Giữa phiên tòa, cả hai người liên tục cãi cự cho rằng đối phương định giá không đúng tài sản. Về phía ông B. Ryan C. bày tỏ mong muốn mua lại căn nhà và sẽ trả cho L. 700 triệu đồng. Nếu L. giữ căn nhà, phải trả cho anh ta 900 triệu đồng. Tất nhiên, người vợ không đồng ý và có nguyện vọng giữ lại căn nhà để có chỗ ở ổn định, thuận lợi cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng con. Chị cũng chỉ đồng ý bồi thường chênh lệch cho chồng 500 triệu đồng chứ không phải 900 triệu đồng như chồng yêu cầu. Vì không tìm được tiếng nói chung nên cả hai đề nghị tòa án tuyên theo pháp luật.
HĐXX tuyên giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu V. cho chị Trần T.L., ông B. Ryan C. có trách nhiệm chu cấp nuôi con mỗi tháng 5 triệu đồng. Ông B. Ryan C. có quyền thăm nom con gái, không ai được quyền ngăn cản. Về tài sản, do quy định về quyền sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài cũng như để tạo điều kiện thuận lợi cho chị Trần T.L. nuôi dưỡng con, HĐXX tuyên giao toàn bộ nhà cửa, ki-ốt, xe máy cho người vợ, buộc chị L. phải trả cho chồng cũ 500 triệu đồng tài sản chênh lệch.
Phiên tòa kết thúc, ba bà cháu, mẹ con chị L. vội vã bước đi, không để cho ông B. Ryan C. có cơ hội nói chuyện với cô con gái. Với đôi chân đang phải ngồi xe lăn, ông chỉ biết ngoái nhìn trong vô vọng. Tất nhiên ông sẽ không dừng lại ở đây bởi trong thâm tâm, ông sẽ làm tất cả để con gái có môi trường sống, học tập và phát triển tốt nhất.