Gia đình xã hội
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Trẻ em
(Congannghean.vn)-Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Nghệ An là một trong các địa phương đã triển khai sớm Tháng hành động vì trẻ em. Việc triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 càng có ý nghĩa hơn khi cũng là thời điểm Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017. Với nhiều nội dung mới, hy vọng, khi đưa vào thực tế, trẻ em sẽ được chăm sóc, bảo vệ, tạo cơ hội để phát triển toàn diện nhất.
Trẻ em cần được tạo môi trường an toàn để phát triển, vui chơi |
Trong thời gian qua, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, gây chấn động dư luận. Dù gia đình, báo chí và nhiều cơ quan chức năng lên tiếng nhưng các vụ xâm hại chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tâm lý nạn nhân.
Có thể thấy, bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn nạn đối với trẻ em trên phạm vi toàn cầu. Xâm hại trẻ nhỏ luôn là vấn đề tế nhị, vì thế khi những em nhỏ trở thành nạn nhân của những kẻ biến thái, sự im lặng của người lớn do sợ ảnh hưởng đến gia đình đã vô tình tiếp tay cho những hành vi này. Trong khi trẻ nhỏ không có khả năng tự vệ cao nên người lớn bắt buộc phải theo sát các em mọi lúc, mọi nơi.
Ở Việt Nam, trẻ em bị bạo lực, xâm hại cũng không loại trừ và có nguy cơ ngày càng tăng. Tại Nghệ An, trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh xảy ra 77 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trên hành trình đi tìm công lý cho những trẻ cùng gia đình nạn nhân gặp rất nhiều trở ngại. Bởi, khó khăn từ quá trình điều tra, tác động tâm lý và những áp lực vô hình từ điều tiếng dư luận.
Từ thực tế trên, lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 được triển khai với chủ đề: Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Mục đích chính nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, gia đình và của chính các cháu trong việc thực hiện tốt Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Trẻ em là quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em; các cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em...
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
Trước đây, quyền của trẻ em được gói gọn trong 10 điều, thì tại Luật Trẻ em 2016 có 25 điều quy định cụ thể về quyền của trẻ em, trong đó bổ sung quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hại, quyền được bày tỏ ý kiến, tiếp cận thông tin và các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, các biện pháp bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để đảm bảo trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại.
Việc áp dụng và thực hiện Luật Trẻ em không thể một sớm một chiều, nhất là trong điều kiện nhận thức về quyền trẻ em của chính các em và bậc phụ huynh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh việc đảm bảo các quyền lợi để trẻ em phát triển thì việc xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm, vi phạm Luật Trẻ em cũng là cơ sở quan trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trong lần phát động Tháng hành động vì trẻ em, lãnh đạo các cấp cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần đa dạng, tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ nhỏ. Trước mắt, để có một kỳ nghỉ hè an toàn, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Mai Hậu