Gia đình xã hội

Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Nhiều đổi mới, lắm ưu đãi

08:31, 26/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. BHYT được chuyển đổi từ tự nguyện sang hình thức bắt buộc, tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình, với nhiều cách thức thực hiện được đổi mới và nhiều chính sách ưu đãi.

Tham gia BHYT hộ gia đình tạo nền tảng để các thành viên được khám, chữa bệnh đảm bảo
Tham gia BHYT hộ gia đình tạo nền tảng để các thành viên được khám, chữa bệnh đảm bảo

Hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Người tham gia BHYT theo hộ gia đình không bao gồm người thuộc đối tượng tham gia BHYT theo Khoản 1, 2, 3, 4 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014.

BHYT là loại hình bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân Việt Nam đều “lựa chọn ngược” là đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. BHYT khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình với những chính sách ưu đãi hơn so với quy định cũ. Khi mua BHYT theo hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi.

Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất”. Như vậy, với mức lương cơ sở hiện nay là 1.210.000 đồng, mức đóng cụ thể như sau: Người thứ nhất sẽ phải đóng với mức 4,5% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở thời điểm hiện tại là 1.210.000 đồng), tương đương 653.400 đồng; người thứ 2 đóng với mức 70% của người thứ nhất, tương đương 457.400 đồng; người thứ 3 đóng với mức 60% của người thứ nhất, tương đương 392.000 đồng; người thứ 4 đóng với mức 50% của người thứ nhất, tương đương 326.700 đồng; người thứ 5,6,7… đóng với mức 40% của người thứ nhất, tương đương 261.400 đồng. 

Đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình lần đầu hay tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền mua BHYT. Nếu trường hợp người tham gia mua bảo hiểm liên tục từ lần thứ 2 trở lên thì thẻ bảo hiểm có thời gian sử dụng nối tiếp với thời hạn của thẻ BHYT liền kề, còn nếu tham gia BHYT không tiên tục dưới 3 tháng thì thẻ có giá trị kể từ ngày nộp tiền.

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng” nên hiện nay không còn BHYT tự nguyện nữa mà mọi người dân có trách nhiệm tham gia BHYT vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Luật BHYT cũng quy định người dân muốn mua thẻ BHYT phải đăng ký theo hộ, khác với trước đây, khi người dân mua BHYT tự nguyện, từng cá nhân trong hộ gia đình mua riêng thì bây giờ tất cả các thành viên trong hộ phải mua. Có nghĩa là nếu 1 người trong gia đình không mua thì tất cả các thành viên khác đều không được mua.

Theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT; Khoản 2, Điều 3 của Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Khoản 10, Điều 2 của Nghị quyết 27/2016/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, từ 1/7/2017, mức đóng BHYT theo hộ gia đình sẽ tăng 7,438% so với quy định hiện hành (vì mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng).

Người tham gia BHYT theo hộ gia đình được hưởng đầy đủ những quyền lợi của BHYT. Trong xu hướng tăng cao của chi phí y tế hiện nay, hơn lúc nào hết, cá nhân, hộ gia đình cần tham gia BHYT nói chung, BHYT theo hộ gia đình nói riêng. Quyền lợi hưởng BHYT theo hộ gia đình cơ bản đầy đủ, tương đồng với những nhóm đối tượng khác tham gia BHYT, mặc dù mức phí tham gia BHYT theo hộ gia đình khá có lợi đối với các hộ gia đình. Ở mức cao nhất, Quỹ BHYT có thể chi trả tới 80% chi phí khám, chữa bệnh BHYT và bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ cần thực hiện đồng chi trả 20% chi phí. Do vậy, tham gia BHYT theo hộ gia đình chính là việc mỗi cá nhân, gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và tất cả các thành viên của gia đình mình.

Việc tham gia BHYT cũng chính là một giải pháp hiệu quả để hạn chế gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật. So sánh với việc tham gia BHYT cho từng cá nhân đơn lẻ, có thể thấy rõ lợi ích kinh tế của người đóng phí BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu gia đình càng có nhiều người cùng tham gia BHYT thì chi phí mua thẻ bảo hiểm càng giảm và mức giảm tương đối nhiều. Hơn nữa, dự liệu cho trường hợp điều chỉnh mức đóng để cân đối quỹ, cộng thêm yếu tố đặc thù của căn cứ đóng BHYT theo hộ gia đình có dựa trên mức tiền lương cơ sở - là một yếu tố động, có thể được điều chỉnh, pháp luật còn có quy định về việc xác định mức đóng BHYT khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, mức tiền lương cơ sở.

Về phương thức đóng, định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào Quỹ BHYT. Đây chính là một giải pháp hỗ trợ những hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế, khi họ không thể hoặc khó có điều kiện đóng phí BHYT cho cả năm thì có thể lựa chọn đóng làm nhiều đợt trong năm. Không thể phủ nhận các quy định về việc đóng phí tham gia BHYT theo hộ gia đình hiện nay thể hiện sự chia sẻ tài chính rất lớn của Quỹ BHYT đối với người dân.

Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà người tham gia BHYT theo hộ gia đình có thể được nhận, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình còn thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình đối với xã hội, đảm bảo tính nhân văn, tương trợ cộng đồng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro ngay từ trong gia đình. Tham gia theo nhóm hộ gia đình nói riêng thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” tốt đẹp giữa các thành viên trong xã hội. Tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng mang lại nhiều quyền lợi cho người dân theo quy định của pháp luật.

Xuân Thống - Lô Anh

Các tin khác