Gia đình xã hội

Tăng cường trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ

09:52, 30/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngượng ngùng, né tránh, thậm chí bị mắng mỏ là những gì mà các em nhận được khi đề cập đến những kiến thức về giới tính, tình dục với bố mẹ. Đó là những thông tin mà chúng tôi ghi nhận được tại buổi truyền thông “Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em: Đừng im lặng - Hãy lên tiếng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ - Trung tâm Dân số KHHGĐ - Phòng GD&ĐT TX Cửa Lò tổ chức tại Trường THCS Nghi Hương vừa qua.

Và chắc chắn rằng, không chỉ các học sinh ở ngôi trường này mà còn rất nhiều em khác cũng sẽ nhận được những phản ứng tương tự như thế từ phía phụ huynh của mình. Thiếu hụt kiến thức cơ bản về giới tính, tình dục là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Học sinh Trường THCS Nghi Hương, TX Cửa Lò trình bày những hiểu biết về các hành vi xâm hại tình dục
Học sinh Trường THCS Nghi Hương, TX Cửa Lò trình bày những hiểu biết về các hành vi xâm hại tình dục

Theo khảo sát, từ 2011 - 2015, tại Việt Nam xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nghĩa là cứ 8 giờ trôi qua lại có 1 trẻ em bị xâm hại. Cũng trong khoảng thời gian này, có 322 vụ xâm hại tình dục được đưa lên phương tiện truyền thông, có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi; 32% nạn nhân bị bạo lực kép (vừa bị xâm hại, vừa bị hành hung, giết chết); 13,5% bị xâm hại tập thể từ 3 - 5 người. Những con số được công bố khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Đặc biệt, thời gian qua, liên tục những vụ xâm hại tình dục xảy ra mà đối tượng không ai khác chính là những người thân trong gia đình khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Hậu quả của các vụ xâm hại tình dục không chỉ khiến trẻ đau đớn mà còn chịu cú sốc nặng nề, ảnh hưởng lâu dài về sự phát triển tâm, sinh lý sau này. Tuy nhiên, một thực tế, việc trang bị cho các em nhận biết các hành vi xâm hại tình dục hay kỹ năng phòng, chống xâm hại vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tại buổi truyền thông được tổ chức ở TX Cửa Lò vừa qua, khi được hỏi “Các em có hiểu thế nào là xâm hại tình dục hay không”, nhiều em lắc đầu không biết. “Đọc báo, xem tivi, em có nghe nói về xâm hại tình dục trẻ em. Hỏi mẹ thì mẹ bảo, còn nhỏ, hỏi mấy cái “nhạy cảm” đó làm gì”, một nữ sinh lớp 9 cho biết. Các học sinh được hỏi cũng cho rằng, bố mẹ và người lớn trong nhà không trò chuyện với các em về vấn đề liên quan đến tình dục hay trang bị các kỹ năng để ứng phó khi bị xâm hại. Trong khi đó, các em ngại, không dám hỏi thầy cô giáo nên chỉ tìm hiểu qua sách báo. Nhiều em chưa nhận diện được các hành vi xâm hại tình dục mà cho rằng, chỉ khi hành vi hiếp dâm xảy ra mới được xem là xâm hại. Chính những lỗ hổng đó là rào cản khiến các em không nhận thức đầy đủ cũng như trang bị các kỹ năng khi đối mặt với những tình huống này.

Trước thực trạng đó, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, các cấp, ngành ở Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó tập trung tuyên truyền, cung cấp cho các em các kiến thức về giới, hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng ứng phó.

Đặc biệt, Tháng hành động vì trẻ em năm nay, các đơn vị tập trung tuyên truyền về kỹ năng phòng ngừa, xử lý các hành vi, tình huống xâm hại tình dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cho gia đình, nhà trường, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố xâm hại cũng như cung cấp địa chỉ các cơ quan có thể hỗ trợ, can thiệp…

Ngoài chương trình truyền thông được tổ chức ở TX Cửa Lò vào cuối tháng 4 vừa qua, từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em. Theo đó, trang bị cho hơn 2.300 trẻ vị thành niên về các kiến thức để giáo dục cho trẻ em kỹ năng biết bảo vệ mình. Với thông điệp “Đừng yên lặng - Hãy lên tiếng”, Tỉnh đoàn Nghệ An đã chỉ đạo 950 liên đội, 481 phường, xã, thị trấn triển khai các buổi sinh hoạt, mô hình về “Hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại và tình dục trẻ em”. Nhiều trường học, địa phương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo để các em trong độ tuổi này trao đổi cởi mở về vấn đề này.

Anh Quân

Các tin khác