Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201703/kip-thoi-giai-quyet-vuong-mac-trong-cong-tac-cai-nghien-730184/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201703/kip-thoi-giai-quyet-vuong-mac-trong-cong-tac-cai-nghien-730184/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kịp thời giải quyết vướng mắc trong công tác cai nghiện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 30/03/2017, 08:20 [GMT+7]

Kịp thời giải quyết vướng mắc trong công tác cai nghiện

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh trọng điểm, phức tạp về ma túy của cả nước bởi hội tụ 4 yếu tố: Sản xuất, mua bán, trung chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cấp chính quyền và lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện trên địa bàn. Trên thực tiễn, trong quá trình triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai, tại các địa phương và trung tâm đang gặp một số khó khăn cần tháo gỡ kịp thời.

Việc dạy nghề cho học viên cai nghiện sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới (Ảnh chụp tại Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội TP Vinh)
Việc dạy nghề cho học viên cai nghiện sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới (Ảnh chụp tại Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội TP Vinh)

Tính đến ngày 31/12/2016, toàn tỉnh có 6.989 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 5.683 người nghiện ma túy có mặt tại cộng đồng, 820 người đang cai nghiện tại các trung tâm và 444 người ở trại tạm giam. Có 21/21 huyện, thành, thị, 376/480 xã, phường, thị trấn có ma túy, trong đó có 141 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy. Người nghiện sử dụng ma túy đa phần là thuốc phiện và hêrôin, nhưng trong thời gian gần đây, số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, dạng đá có chiều hướng gia tăng.

Các đơn vị chức năng đã tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho 100% học viên cai nghiện tại các trung tâm; 430 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Hiện, các trung tâm đang quản lý 1.166 học viên cai nghiện bắt buộc và 50 học viên cai nghiện tự nguyện. Tại các địa phương cũng đã hình thành 12 điểm “Hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng” năm 2016.

Nghệ An cũng là địa phương được đánh giá cao về việc duy trì và mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở điều trị và 6 cơ sở cấp phát thuốc methadone; có 2.423 người nghiện ma túy đăng ký điều trị thay thế bằng methadone, trong đó đã điều trị cho 2.190 người nghiện ma túy và hiện đang điều trị cho 1.217 người nghiện ma túy.

Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai, các cấp chính quyền đã kịp thời tìm hiểu, nắm bắt và ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, trước thực tế công tác cai nghiện ma túy, nhất là việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do những bất cập, vướng mắc khi áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221 của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu ban hành Quyết định 35 về Quy chế phối hợp lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, địa phương để tập trung thực hiện.

Khó khăn thứ hai là việc thành lập tổ công tác cai nghiện theo Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA được ký kết giữa các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Y tế và Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cai nghiện ma tuý tại cộng đồng.

Theo đó, ngành Y tế phải có y, bác sĩ làm công tác điều trị cắt cơn, đồng thời Tổ y tế cai nghiện phải xác định đối tượng có còn nghiện nữa hay không. Theo yêu cầu thì cán bộ của Tổ phải được tập huấn cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Trước thực trạng này, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức tập huấn xác định tình trạng nghiện cho 1.231 y, bác sĩ tuyến huyện, xã và quân y các đồn biên phòng trên địa bàn. Vì thế, trong 21 huyện, thành, thị, công tác cai nghiện đều có kết quả tốt hơn, trừ Tân Kỳ và Anh Sơn. 2 huyện này trong 3 năm 2014, 2015, 2016 đều không đưa được đối tượng nào đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm.

Trong những năm gần đây, thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Chính phủ, công tác tuyên truyền đã tập trung theo hướng khuyến khích người nghiện và gia đình có người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện theo các hình thức tự nguyện. Tỉnh cũng đã quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn theo hướng giảm dần cơ sở cai nghiện bắt buộc, chuyển đỏi, hình thành cơ sở cai nghiện tự nguyện hoạt động theo mô hình đa chức năng, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Việc hình thành 12 điểm “Hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng” bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, nhân lực có chất lượng để phục vụ công tác cai nghiện tại cộng đồng vẫn còn thiếu. Cán bộ làm tại đây đa phần phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau.

Một vấn đề cũng được quan tâm trong thời gian qua là công tác quản lý người nghiện ma túy sau cai tại nơi cư trú. Hiện, các địa phương đã phân công cho các đơn vị, đoàn thể phối hợp với gia đình có người nghiện ma túy sau cai tham gia quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai. Để tạo điều kiện thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 29 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện và người bán dâm hoàn lương. Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 người nghiện ma túy sau cai tại huyện Quế Phong thực hiện vay vốn từ nguồn này với số tiền 60 triệu đồng.

Theo ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An: Hiện tại, tỉnh ta đang tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước giảm tác hại của nghiện ma túy, giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, giảm và kiềm chế lây nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng... Các địa phương cũng cần linh hoạt, tập trung nguồn lực và quan tâm, chú trọng đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Trong điều kiện nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do không còn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ như từ năm 2015 trở về trước thì việc xã hội hóa là rất cần thiết. Có như vậy mới huy động được sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình và cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

.

Mai Hậu

.