Gia đình xã hội
Tình yêu không lời
(Congannghean.vn)-Trong thế giới của họ, những câu chuyện, lời nói yêu thương ấm áp, ngọt ngào là thứ ngôn ngữ không lời, là sự sẻ chia từ ánh mắt. Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, họ đến với nhau và nên duyên vợ chồng. Mối tình câm điếc giữa chàng trai thành Vinh và cô gái Hà Nội đã khiến nhiều người suy ngẫm và nhận ra một điều: Tình yêu thật diệu kỳ!
Vợ chồng anh Tuấn, chị Phượng xem lại những tấm ảnh chụp chung với nhau ngày còn học ở Hà Nội |
Tuổi thơ không may mắn
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng anh Võ Quang Tuấn (SN 1987) và chị Nguyễn Thị Hiền Phượng (SN 1993) ở khối 5, phường Trường Thi, TP Vinh vào một buổi chiều mùa đông cuối năm. Trời mưa to nên nước chảy lênh láng khắp nhà. Ái ngại, anh Tuấn, chị Phượng chỉ tay về phía buồng có ý mời chúng tôi vào tiếp chuyện. Câu chuyện với anh chị là thứ ngôn ngữ không lời, là những ký hiệu mà người bình thường không thể hiểu được. Chúng tôi phải dùng giấy, bút để trò chuyện với họ.
Võ Quang Tuấn là con thứ hai trong một gia đình có hai chị em ở TP Vinh. Ngày Tuấn ra đời, ai cũng vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng vẹn tròn khi đến tuổi bập bẹ tập nói thì Tuấn lại không có khả năng này. Bố mẹ Tuấn càng đau đớn hơn khi biết con trai mình mất luôn khả năng nghe. Chán nản với hoàn cảnh gia đình khó khăn, con trai bị câm điếc, người bố đã bỏ 3 mẹ con ra đi khi Tuấn vừa tròn 6 tuổi.
Sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của người cha, lại mặc cảm, tự ti vì bị khuyết tật, càng lớn lên, Tuấn càng sống thu mình khép kín. Mỗi lần nhớ đến cảnh con trai mỗi buổi chiều đứng bên bục cửa, ánh mắt nhìn xa xăm, đôi mắt bà Nguyễn Thị Huề lại ngấn lệ. Bà thương và xót xa cho số phận con mình bởi những suy nghĩ, tình cảm của Tuấn không thể diễn đạt bằng lời…
Xóa mặc cảm khuyết tật
Nhìn con buồn chán, tuyệt vọng, lòng người mẹ quặn thắt. Bà Huề quyết định gửi Tuấn vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An với mong muốn con sẽ tự tin vượt qua số phận. Tại đây, Tuấn được các thầy cô dạy ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính, khiếm thanh và được trang bị các kỹ năng học nghề. Sống dưới mái ấm này, Tuấn tìm được sự sẻ chia, đồng cảm từ bạn bè và anh nhận ra rằng, trong xã hội vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh như mình. Rồi anh đặt ra câu hỏi: “Họ đã vượt qua mặc cảm, tự ti để vươn lên trong cuộc sống thì tại sao bản thân mình lại không làm được điều đó”?
Năm 2005, chia tay người mẹ hiền, Tuấn khăn gói vào tỉnh Bình Dương theo học nghề cơ khí và làm việc tại đây. Suốt 3 năm nơi đất khách quê người, nhiều lúc nhớ mẹ đến cồn cào, cầm điện thoại lên, Tuấn ước ao gọi hai tiếng: “Mẹ ơi” nhưng đành bất lực… Năm 2008, từ Bình Dương, Tuấn ra Hà Nội theo học nghề may tại Trường Trung học Kinh tế du lịch Hoa Sen. Đây là trường dành cho những người khuyết tật đến từ các tỉnh trong cả nước. Tại đây, Tuấn đã gặp và cảm mến Nguyễn Thị Hiền Phượng - người con gái đến từ đất Hà Thành để rồi dệt nên câu chuyện tình đẹp như cổ tích...
Cái kết có hậu của hai con người khiếm khuyết
Ngày đầu vào trường nhập học, Tuấn được xếp ngồi cạnh Phượng. Ánh mắt biết nói, nụ cười thân thiện của cô gái đất Hà Thành đã làm xao xuyến chàng trai xứ Nghệ. Cùng cảnh ngộ như Tuấn, Phượng bị khiếm thính, khiếm thanh từ nhỏ. Qua trang giấy, Phượng tâm sự: “Ngày biết mình bị khuyết tật, gia đình đã cố gắng chạy chữa nhưng không có tiến triển gì. Mình buồn lắm, nhiều đêm thức trắng nước mắt lưng tròng. Nhưng rồi, chính bố mẹ, anh chị và người thân đã tiếp thêm sức mạnh cho mình”, Năm 15 tuổi, Phượng được gia đình động viên theo học lớp may tại Trường Trung học Kinh tế Du lịch Hoa Sen.
Thời gian trôi qua, 2 người cảm mến nhau. Trong lớp, Phượng là cô gái nhanh nhẹn, tháo vát, không những học nhanh các ngôn ngữ ký hiệu mà học may cũng rất giỏi. Nhờ Phượng mà Tuấn đã tiến bộ rất nhiều và Tuấn thương thầm Phượng cũng vì lý do đó. Ngược lại, với Phượng, Tuấn là chàng trai hiền lành, chăm chỉ. Mỗi lần đến thăm cô, anh đều có quà kèm theo những cử chỉ động viên, hỏi han chân thành. Tình yêu của họ bắt đầu bằng những điều giản dị như thế.
Dẫu không thể trao nhau lời yêu thương, thề nguyện như những đôi trai gái khác nhưng Tuấn và Phượng luôn cảm thấy hạnh phúc bởi sự quan tâm mà mình dành cho đối phương. Những bức ảnh Tuấn và Phượng chụp chung ngày còn đi học chính là minh chứng cho những kỷ niệm đẹp của 2 người. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt của anh chị cũng đủ để chúng tôi hiểu rõ tình cảm yêu thương ấm áp mà họ dành cho nhau.
Ngày Tuấn về chơi nhà Phượng, nhìn cảnh anh hì hục vào bếp trổ tài nấu ăn, bố mẹ Phượng quý mến chàng trai xứ Nghệ hiền lành, chịu khó, chăm chỉ. Tuy nhiên, khi nghĩ đến cảnh hai đứa về chung sống với nhau dưới một mái nhà với biết bao khó khăn trước mắt, bố mẹ Phượng hết sức ái ngại. Ông bà thương con gái lấy chồng xa, cả hai đều không thể nghe, nói, lấy nhau về sẽ sống ra sao?
Ở quê nhà, bà Huề cũng “nóng ruột” khi nghe tin con trai mình yêu 1 cô gái có cùng hoàn cảnh. Nhiều đêm trằn trọc, bà tự hỏi: Tương lai của 2 đứa ra sao khi chúng nên duyên vợ chồng, lúc ốm đau bệnh tật sẽ chăm sóc nhau thế nào? Để ngăn cản 2 người đến với nhau, bà giới thiệu con của 1 người bạn cho Tuấn. Chiều lòng mẹ, Tuấn về gặp mặt nhưng anh đã từ chối thẳng người con gái đó. Tuấn giải thích với mẹ rằng, để chung sống cả cuộc đời thì hai người phải có sự đồng cảm, sẻ chia và không ai có thể thay thế Phượng trong anh.
Mặc dù cả hai gia đình phản đối kịch liệt nhưng bằng tình yêu chân thành, cuối cùng anh Tuấn, chị Phượng đã thuyết phục được người thân. Và, cái kết cho mối tình đẹp là một đám cưới được tổ chức vào đầu năm 2010. Cuối năm, vợ chồng anh chị đón nhận niềm vui khôn xiết khi đứa con trai đầu lòng ra đời. 2 năm sau, chị Phượng sinh thêm 1 bé gái. Hạnh phúc gia đình càng nhân lên gấp bội khi trong ngôi nhà nhỏ có thêm tiếng cười con trẻ. 2 đứa con lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác là niềm động viên, an ủi lớn nhất cuộc đời anh chị.
2 đứa con khỏe mạnh của vợ chồng anh Tuấn, chị Phượng |
Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày, anh Tuấn theo bạn làm thợ hàn tôn, cửa sắt. Ông bà ngoại ở xa, bà nội bị bệnh tim nên không thể giúp gì cho con cháu. Năm nay, con trai đầu của anh chị là cháu Võ Quang Thái bước vào lớp 1, con gái Võ Trúc Vy cũng đã lên 4 tuổi. Nhận thức rõ hoàn cảnh của mình không thể đảm bảo tương lai cho 2 đứa con, cực chẳng đã, anh chị đành gửi chúng vào Làng trẻ SOS TP Vinh với ước mong ở môi trường này, các con sẽ được nuôi dạy nên người.
Trong câu chuyện với chúng tôi, không ít lần anh Tuấn, chị Phượng chia sẻ những khó khăn của gia đình nhưng đôi bàn tay của anh chị vẫn nắm chặt nhau như động viên, an ủi vượt lên số phận. Rời căn nhà nhỏ ấm cúng khi thành Vinh đã lên đèn, sắc xuân ngập tràn trên từng con đường, góc phố, chúng tôi nhớ mãi đôi mắt ánh lên niềm tin về một ngày mai tươi sáng của 2 con người khiếm khuyết đã dệt nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường...
Phan Tuyết