Gia đình xã hội
Bức thư xúc động và đầy dự cảm của một liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị
(Congannghean.vn)-"Quảng Trị 11/9/1972. Toàn thể gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột".
Lá thư đẫm nước mắt từ Thành cổ
Di ảnh liệt sỹ Lê Văn Huỳnh |
Giữa tháng 10/2016, lớp Cao cấp lý luận chính trị khóa 3 của Học viện Chính trị Công an nhân dân mở tại Nghệ An được nhà trường tổ chức đi thực tế tại các di tích lịch sử ở miền Trung. Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đến thăm di tích Thành cổ Quảng Trị, nơi ghi dấu trận chiến ác liệt 81 ngày đêm giữa ta và kẻ thù để giành giật từng tấc đất trong mùa hè đổ lửa năm 1972. Được nghe, được thấy tất cả những gì đã diễn ra tại đây trong 81 ngày đêm, ai nấy không khỏi bùi ngùi. Nhưng xúc động hơn cả là khi hướng dẫn viên giới thiệu về bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt. Đó là một bức thư chứa đựng nhiều tâm tư, tình cảm và cả những dự cảm kỳ lạ của một người lính từ chiến trường gửi cho gia đình trước khi ngã xuống.
Hồi đó, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đang là sinh viên năm thứ 4 (khóa 13), Khoa Cầu hầm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, gác bút nghiên lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Những ngày vượt sông Thạch Hãn để vận chuyển vũ khí vào Thành cổ, bằng dự cảm của một người lính, anh biết mình có thể sẽ hy sinh bất cứ lúc nào. Bức thư được anh viết vào ngày 11/9/1972, trước lúc anh hy sinh 3 tháng 20 ngày (ngày hy sinh 2/1/1973) để gửi cho người mẹ già đang mong ngóng đợi anh và người vợ cưới được 7 ngày đã phải xa chồng.
"Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời… Con rất hiểu cuộc đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé mẹ, đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
“Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh…. Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh chị anh…
Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này…”.
Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị |
Nỗi niềm của người đàn bà 7 ngày làm vợ
Người phụ nữ được liệt sỹ Lê Văn Huỳnh nhắc đến trong bức thư là chị Đặng Thị Xơ ở Thái Bình, cùng quê với liệt sỹ Huỳnh. Ngày đó, anh đang học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và theo đuổi chị, người con gái đẹp nhất làng. Tết Dương lịch năm 1972, anh thông báo chuẩn bị lên đường nhập ngũ nên họ quyết định tổ chức lễ cưới vào ngày 2/1/1972. Sau đám cưới, anh được ở nhà 3 ngày rồi tiếp tục lên Trường. Tết Nguyên đán năm đó, anh được nghỉ và về nhà thêm 3 ngày nữa là 6 ngày. Trước ngày lên đường nhập ngũ, anh tranh thủ thăm nhà được 1 ngày rồi vĩnh viễn không bao giờ trở về. Tính từ ngày cưới cho đến lúc anh hy sinh, vợ chồng anh chị ở bên nhau trọn vẹn được 7 ngày.
Trong 81 ngày đêm năm 1972 (từ 27/6 - 16/9/1972), địch đã ném xuống Thành cổ Quảng Trị 328.000 tấn bom; 615.164 quả đạn pháo; không quân Mỹ oanh kích 1.650 lần; không quân ngụy oanh kích 594 lần. Tổng số bom, đạn Mỹ ngụy ném xuống Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong chiến dịch tái chiếm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Ta đã tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên. Đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hủy 394 xe quân sự, trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại. |
Anh hy sinh vào ngày 2/1/1973, đúng kỷ niệm tròn 1 năm ngày cưới. Và những ngày 2/1 sau này là những ngày chị buồn nhất, khóc nhiều nhất và cũng thương anh thật nhiều. Nhưng thương anh bao nhiêu, chị tự hào bấy nhiêu. Tự hào vì anh là người lính dũng cảm, tự hào vì anh đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp. Đêm đêm, trong căn buồng cưới ngày xưa, chị tiếc vì chưa kịp có với anh một đứa con. Bao nhiêu tình cảm chị dành cả cho mẹ chồng. Chị chăm sóc bà cụ chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ. Bà con nơi đây bảo rằng, hiếm có nàng dâu nào hiếu nghĩa được như chị. Bà cụ cũng thương con dâu lắm, không biết bao lần bà thúc giục con dâu đi bước nữa, để có người nương tựa lúc tuổi già. Song chị chỉ lắc đầu, ứa nước mắt. Cuối năm 1977, bà cụ ốm nặng và ra đi trong sự thanh thản.
Sau ngày hòa bình lập lại, dù đã nhiều lần dự định đi tìm kiếm mộ anh nhưng phải đến năm 2002, sau 30 năm chị mới hoàn thành được tâm nguyện của anh. Theo chỉ dẫn trong bức thư của anh, chị đã về Quảng Trị và thật kỳ lạ, tất cả đều diễn ra đúng như anh mô tả, chỉ khác một chút là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước, chứ không phải ở thôn Nhan Biều 1, hai thôn này nằm cạnh nhau.
Ngoài bức thư cảm động của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, cuối năm 2000, trong quá trình thi công hệ thống thoát nước phía Tây Thành cổ, người ta còn phát hiện một căn hầm chứa 5 bộ hài cốt liệt sỹ còn nguyên vẹn, trong đó có một bộ được xác định của liệt sỹ Lê Binh Chủng, Thượng úy, Phó Chỉ huy chính trị của một tiểu đoàn chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, quê ở xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu - Nghệ An).
Bên cạnh những kỷ vật được tìm thấy, người ta còn phát hiện một bức thư của vợ anh Chủng là chị Phan Thị Biển Khơi gửi cho anh báo tin thắng trận, trong đó có đoạn viết: “Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em. Cầm bút biên thư cho anh trong lúc trên chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về nơi hậu phương làm cho mọi người dân cũng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng ấy có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ...”.
Trong cả hai câu chuyện trên, có thể thấy cho đến phút cuối cùng trước lúc ra đi, cái mà người lính chiu chắt lại cho cuộc đời không phải chỉ là niềm tin, là lý tưởng, mà còn là chút hạnh phúc, thanh thản cho những người thân yêu đang tiếp tục sống trên đời...
Việt Dũng