1. Câu chuyện của Hồng Quang Minh chắc không cần luận bàn nhiều nữa, vì thông tin trên các trang báo vốn đã đủ đầy. Tôi muốn nói đến một góc khác, đó chính là nhận thức của đại bộ phận người Việt trước một đối tượng phạm tội nghiêm trọng, đó là thực hiện hành vi ấu dâm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Lương thì: “Ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục bao gồm những ham muốn tình dục đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên, tức là khoảng dưới 14 tuổi. Người mắc bệnh phải ít nhất 16 tuổi và lớn hơn trẻ bị hại ít nhất 5 tuổi. Ấu dâm nhiều khi được hiểu là các hành động lạm dụng tình dục với trẻ em. Thế nhưng, định nghĩa này là không chính xác và phản ánh sai tình hình chung của những người mắc bệnh ấu dâm. Cần ghi nhớ rằng ấu dâm là bệnh. Không phải ai bệnh ấu dâm cũng có hành vi tình dục với trẻ em, cũng như những người có hành vi tình dục với trẻ em cũng không chắc chắn là có bệnh ấu dâm”.
Đối với trẻ em không may bị lạm dụng tình dục: “Đối với điều trị trẻ em bị lạm dụng, mục đích quan trọng nhất là bảo vệ trẻ khỏi việc bị lạm dụng lần nữa. Đôi khi nhiều trẻ bị lạm dụng cần phải nhập viện để điều trị tâm lý nếu bị hoảng loạn. Một số bác sĩ có thể dùng chụp cắt lớp MRI và một số thiết bị theo dõi sóng não để theo dõi hoạt động bộ não. Các sóng thu lại sẽ cho thấy người bệnh bị kích thích bởi những hình ảnh nào, từ đó có thể chẩn đoán bệnh”.
Ấu dâm có đáng sợ hay không? Không chỉ đáng sợ mà còn đáng kinh tởm, đáng cách ly hoàn toàn những kẻ phạm tội này ra khỏi đời sống cộng đồng. Cho đến giờ, có lẽ là cực đoan, nhưng tôi vẫn chưa tìm ra lý do gì cho chính cá nhân để có thể thông cảm với những đối tượng ấu dâm.
Lần có hành động xâm hại bị phát hiện tại Mỹ của Hồng Quanh Minh không phải là lần đầu tiên. Trước đó, khi còn ở Việt Nam, nhiều người cũng đã tố cáo Hồng Quang Minh tấn công tình dục họ. Thật sự rất đáng tiếc là dường như những tố cáo này bị đánh đồng là những chiêu trò đánh bóng, dựa hơi của người nổi tiếng trong làng giải trí. Bất chấp, Hồng Quang Minh cũng không là một diễn viên nổi bật của làng giải trí Việt.
Hình ảnh Minh Béo khi trở về Việt Nam. |
Khi được ra tù và về Việt Nam, Hồng Quang Minh có thông báo trên facebook dòng tin nhắn: “Minh Béo đã về tới Việt Nam lúc 10h30. Cảm ơn cả nhà thời gian qua đã quan tâm hỏi thăm Minh Béo. Minh Béo xin chân thành cảm ơn. Minh béo rất khỏe và sẽ liên lạc với cả nhà sau nhé”. Ngay lập tức, có hàng nghìn lượt like, chia sẻ và bình luận chúc tụng tai qua nạn khỏi, chào đón hồ hởi.
Những trang báo đưa tin lần trở về của Hồng Quang Minh ban đầu cũng thuần thông tin, hoàn toàn không có cảnh báo. Sự chú trọng duy nhất của báo giới chỉ là hình dáng của Hồng Quang Minh sau khi ra tù, ai là người đón về… Sau đó, khi đa phần người sử dụng mạng xã hội lên tiếng, các báo mới bắt đầu xét lại Hồng Quang Minh.
2. Có hai đoạn viết mà tôi nghĩ cần nên trình bày lại với bạn đọc vì đó cũng là quan điểm của tôi.
Đầu tiên là sự nhân văn phải được đặt đúng chỗ: “Điều đáng sợ hãi nhất lẫn khốn cùng nhất mà chúng ta buộc phải chứng kiến đó là thông tin về một đứa bé bị xâm hại.
Các anh chị nhớ Nguyễn Thanh Dũng không? Đúng rồi, kẻ đã xâm hại những đứa trẻ ở Cambodia mà các anh chị từng căm phẫn đấy. Nếu Nguyễn Thanh Dũng được ra tù thì tâm trạng của các anh chị sẽ ra sao?
Ấu dâm không đơn thuần là tội ác, đó còn là hành vi hủy hoại một thân phận, một cá nhân không có sức chống cự ngoài sự đau đớn bắt buộc phải chịu đựng.
Hôm nay là một đứa trẻ, ngày mai có thể là con em của chúng ta. Hãy nhìn đôi mắt của con bạn, cháu bạn để hiểu gìn giữ sự trong veo là quan trọng như thế nào.
Cứ thử hình dung khuôn mặt bi thương mà những đứa trẻ từng phải chịu đựng những kẻ ấu dâm, vết thương bị nhiễm trùng, sự tàn phá tâm sinh lý.
Kỳ thị một đối tượng ấu dâm, lên án một đối tượng ấu dâm chính là sự răn đe cần thiết của cộng đồng, để những kẻ đang có ý định ấy phải chùn tay, phải cố kiềm hãm bản năng thú tính của họ.
Đừng chỉ thấy mỗi Minh Béo, hãy nhìn xa hơn. Trong trường hợp này, sự nhân văn là đã được đặt sai chỗ”.
Kế đến: “Nếu vụ việc của Minh Béo xảy ra ở Việt Nam, biết đâu mọi thứ sẽ chỉ diễn ra trên truyền thông, Minh Béo sẽ tiếp tục câu chuyện tôi bị gài, tôi bị hiểu lầm hay tôi bị lợi dụng tên tuổi.
Các tờ báo sẽ khai thác theo hướng một bên là Minh Béo trả lời, một bên là người tự xưng là nạn nhân tố cáo. Cứ vậy kéo dài không hồi kết cho đến lúc một vụ ầm ĩ khác thế chỗ. Như cái cách mà Minh Béo đã từng bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục vậy. Các cơ quan chức năng vốn thường đứng ngoài những vụ lùm xùm, mà chúng ta quen gọi là scandal của cá nhân hoạt động trong làng giải trí Việt.
Thế nên mới có câu chuyện anh chàng ca sĩ Châu Việt Cường thản nhiên chơi trò xâm hại tình dục nữ sinh, nữ sinh ban đầu viết đơn tố cáo sau đó lại trần tình đó là chuyện không có thực. Thế nên mới có câu chuyện cô Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương tố cáo bị gã chồng đại gia bạo hành, kèm theo chứng cứ mà chuyện vẫn chỉ diễn ra trên truyền thông. Không có bất cứ cơ quan chức năng nào lưu tâm, cũng không thấy hội ngành nào lên tiếng.
Thế nên mới có câu chuyện chàng ca sĩ Ngô Kiến Huy cùng nữ ca sĩ Thanh Thảo mắng qua mắng lại xung quanh lời tố cáo Ngô Kiến Huy là cha ruột của cậu bé trai do em gái của ca sĩ Thanh Thảo hạ sinh. Thế nên mới có câu chuyện anh chàng MC chạy xe vi phạm giao thông được Cảnh sát Giao thông bỏ qua, về hồ hởi post facebook khoe được “ân xá”.
Có quá nhiều câu chuyện tương tự về những gì đã xảy ra trong làng giải trí Việt mà tôi vừa điểm lại, những câu chuyện ầm ĩ trên truyền thông và im lặng trước pháp luật. Thêm nữa là những câu chuyện đòi nợ, tố cáo lừa tình gạt tiền đầy rẫy.
Lâu dần, đám đông quên mất nghệ sĩ đầu tiên là một công dân và công dân thì phải chịu sự điều phối của pháp luật. Thêm nữa, có lẽ các cơ quan chức năng vẫn chưa có thói quen lên tiếng về những câu chuyện ấy, những câu chuyện đã được luật định rõ ràng. Mặc định của tư duy có lẽ khiến họ tin rằng, chuyện của làng giải trí nhảm nhí thôi, chỉ là scandal đánh bóng tên tuổi hay hãm hại nhau thôi”.
Nhà giam Theo Lacy, nơi Minh Béo chấp hành án phạt 9 tháng tù giam |
3. Vấn đề tha thứ hay phản ứng của cộng đồng trong câu chuyện của Hồng Quang Minh không đơn thuần là thái độ, điều này phản ánh nhận thức của đám đông. Đó là một nhận thức hời hợt và nông cạn.
Người Việt có thói quen xuề xòa trước những xu hướng, hành động lạm dụng tình dục. Không chỉ là đối với trẻ em mà ngay cả với người lớn cũng vậy. Dường như tâm lý, chuyện không hay nên che lại và chuyện ít người biết nên cố gắng giấu kín đã phần nào ngăn chặn nhận thức của họ.
Xâm hại tình dục, lạm dụng tình dục với bất cứ đối tượng nào cũng là điều đáng lên án, đáng bị xử lý. Đặc biệt, là đối với những cá nhân không đủ khả năng để bảo vệ mình.
Tôi từng tiếp xúc với những người bị xâm hại tình dục từ bé, đó là những cá nhân không còn tương lai. Tôi đọc một số sách dạng hồi ký của những cá nhân không may này ở nước ngoài và cảm thấy họ thật mạnh mẽ khi vượt qua được cú sốc tinh thần lẫn nỗi đau thể xác ấy. Tuy nhiên, với những người mà tôi tiếp xúc, tôi thấy họ không có những câu chuyện vượt qua nỗi tủi hổ như đã từng đọc trên sách.
Tôi không tin vào việc phải mở rộng vòng tay vỗ về an ủi, chỉ ra cái đúng cái sai của những kẻ ấu dâm. Như tôi đã trình bày ở phần trên, tôi hoàn toàn không tìm ra được lý do để thông cảm cho họ. Với tôi, tấn công tình dục hoặc dụ dỗ tình dục những đứa trẻ là hành động còn hơn cả tội ác, đó là hành vi không thể nào được dung thứ.
Phải lên án, phải bày tỏ thái độ mạnh mẽ với những kẻ ấy, đó là những đối tượng đáng bị đặt bên lề xã hội. Hãy thương những đứa trẻ vì bảo vệ an toàn cho lũ trẻ chính là nhiệm vụ mà người lớn không thể thoái thác được.
Tôi hiểu rằng những cá nhân đang an ủi Hồng Quang Minh không nhận thức được điều họ đang làm nguy hại và vô lý đến thế nào. Ngoại trừ, huyết thống của họ trở thành nạn nhân kế tiếp.
Quan trọng hơn, sự lên án kỳ thị ấy không chỉ dành cho Hồng Quang Minh và còn dành cho cả những đối tượng đang có một ý định, ý nghĩ tương tự.
Sự khoan dung không đúng chỗ, đúng đối tượng chính là mầm mống dung dưỡng cho cái băng hoại đạo đức, cái suy đồi, cái ác. Và khi ấy, nhận thức sẽ trở nên mù mịt, và không còn gì cả cho một hy vọng vào văn minh.