Gia đình xã hội
Sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo
(Congannghean.vn)-Nhằm giúp đồng bào nghèo vùng biên cương phía Tây Nghệ An nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với BĐBP Nghệ An triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản tại 18 đồn biên phòng trong cả tỉnh. Chương trình thực sự là sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo.
Vào một ngày cuối năm 2016, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh, BĐBP tỉnh và các sở, ngành liên quan dự buổi lễ trao lợn giống cho 22 hộ đồng bào nghèo xã biên giới Thanh Thủy, huyện Thanh Chương. Ngay từ sáng sớm, các hộ gia đình thuộc diện được bàn giao lợn giống đã có mặt đông đủ tại sân vận động xã trong niềm vui mừng khôn xiết.
Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An và Hội Nông dân tỉnh trao tặng lợn giống cho các hộ nghèo xã biên giới |
Vẫn cầm rọ lợn mới được trao tặng trên tay, ông Nguyễn Văn Yên trú tại thôn Khe Mừ, xã Thanh Thủy phấn khởi cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào rừng núi. Nhờ sự quan tâm, thấu hiểu lòng dân của các cấp từ tỉnh đến huyện, xã mà những hộ nghèo như gia đình tôi có động lực vươn lên thoát nghèo”.
Phát biểu tại lễ trao tặng lợn giống, ông Nguyễn Hữu Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Việc trao tặng lợn giống cho các hộ nghèo nhằm tạo sinh kế cho người dân vùng biên giới vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, rất mong bà con thường xuyên phối hợp tốt với cán bộ thú y xã và biên phòng để được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc để lợn giống phát triển tốt”.
Trực tiếp trao tặng lợn giống cho các hộ nghèo, Đại tá Trần Minh Công, Phó Chính ủy BĐBP Nghệ An tâm tình với bà con: “Đây là những lứa lợn giống đầu tiên trong đề án do UBND tỉnh giao Hội Nông dân và BĐBP tỉnh chủ trì triển khai, trực tiếp là do công sức CBCS Đồn BP Cửa khẩu Thanh Thủy chăn nuôi tặng giúp bà con thoát nghèo, vì vậy, yêu cầu bà con không được bán hoặc làm thịt lợn giống đấy nhé. Nếu hộ gia đình nào làm trái cam kết thì phải hoàn trả lại giá trị tiền mua lợn giống đã tặng bà con đó!”.
Ngược Quốc lộ 46, chúng tôi đến thăm Đồn BP Cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An. Đây là 1 trong 8 cơ sở chăn nuôi, sản xuất lợn giống cung cấp miễn phí cho các hộ nông dân nghèo trên địa bàn. Ấn tượng đầu tiên là khi được chứng kiến đơn vị phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái đen khá quy mô. Khu chuồng trại chăn nuôi được xây kiên cố, thoáng rộng, hợp vệ sinh, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, có hầm bể biogas...
Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đồn trưởng cho biết: Với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng từ chương trình, đơn vị đã triển khai chăn nuôi 15 con lợn nái đen sinh sản, nguồn giống được tuyển chọn từ địa phương. Theo kế hoạch, đơn vị chăn nuôi, xuất con giống hỗ trợ cho hộ nghèo trong xã mỗi hộ từ 1 - 2 con để phát triển kinh tế. “Lứa đầu, đơn vị cung cấp 22 con giống, các đợt tiếp theo hỗ trợ bà con 50% kinh phí, hỗ trợ các khâu kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng chuồng trại đúng quy trình”.
Là một người dành nhiều trăn trở, tâm huyết cho việc triển khai xây dựng mô hình nuôi lợn nái địa phương, ông Nguyễn Hữu Nhị cho biết thêm: Tháng 4/2015, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3033/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới phía Tây của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2018”. Đề án do Hội Nông dân tỉnh làm chủ đầu tư và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh là đơn vị trực tiếp thực hiện. Quy mô Đề án được triển khai tại 18 đồn BP tuyến biên giới phía Tây trong toàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 5,56 tỉ đồng. Mỗi đồn BP được hỗ trợ kinh phí trên 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, nguồn giống kèm vật tư thú y và thức ăn lứa nuôi đầu tiên.
Bắt đầu từ tháng 10/2015 tiến hành xây dựng cơ sở chăn nuôi “điểm” tại 3 đồn BP Nậm Càn (Kỳ Sơn), Môn Sơn (Con Cuông) và Phúc Sơn (Anh Sơn). Sang năm 2016 tiếp tục xây dựng chuồng trại tại 5 đồn BP gồm: Mỹ Lý, Na Loi, Keng Đu, Na Ngoi (Kỳ Sơn) và Thanh Thủy (Thanh Chương) và thực hiện tại 18 đồn BP trong thời gian tiếp theo.
Để triển khai các nội dung trên, Hội Nông dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch Hội làm Trưởng ban, chủ động phối hợp với hội nông dân các huyện, xã, BĐBP các đồn triển khai mua con giống với yêu cầu giống bản địa, độ tuổi 3 - 4 tháng, trọng lượng 15 - 20kg/con, các chi phí nuôi, công chăm sóc do các đơn vị chủ động thực hiện.
Hiện nay, 8 cơ sở chăn nuôi của 8 đồn BP triển khai có hệ thống chuồng trại tốt, thiết kế đạt quy chuẩn đảm bảo mỗi trại 10 con nái và 1 con đực giống. Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giao trách nhiệm cho các đồn BP phối hợp với hội nông dân các xã trực tiếp làm việc với Đảng ủy và UBND các xã chọn đối tượng hộ nghèo và cận nghèo có ý chí vươn lên trong cuộc sống để cấp giống lợn theo kế hoạch.
Các năm tiếp theo, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An triển khai hỗ trợ kinh phí 50% con giống cùng tập huấn công tác chăn nuôi cho bà con. Mục tiêu của chương trình đến năm 2018, 18 cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương của 18 đồn BP sẽ đảm bảo 160 - 180 con lợn giống thương phẩm/trại, sản xuất được 2.800 - 3.000 con lợn giống thương phẩm để chuyển giao cho khoảng 900 - 1.000 hộ nông dân nghèo và cận nghèo không có điều kiện mua con giống xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng nông hộ.
Mặc dù mới triển khai được gần 2 năm, song từ thực tiễn cho thấy, Đề án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản là chương trình phát triển sản xuất thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Phương Linh